Gần đây bộ lạc Datoga nổi tiếng hơn theo đà phát triển du lịch văn hóa tại miền bắc Tanzania. (Ảnh: theworldatmyfeet)
Bộ lạc Datoga (còn được gọi là Mang’ati theo tiếng Swahili) là những người du mục nông nghiệp, nhưng chủ yếu vẫn là chăn nuôi gia súc. Họ sống ở Singida và vùng Manyara của trung tâm phía bắc Tanzania. Dân số bộ lạc Datoga khoảng 70.000 người.
Đàn ông Datoga là những chiến binh dũng mãnh, nổi tiếng với khả năng "tàng hình" khi tấn công và hạ gục đối thủ. (Ảnh: kwekudee-tripdownmemorylane.blogspot)
Bộ lạc Datoga (còn được gọi là Mang’ati theo tiếng Swahili - là ngôn ngữ chính thức của 4 quốc gia: Tanzania, Uganda, Kenya và Công hòa Dân chủ Congo) tự coi mình là một trong những bộ lạc lâu đời nhất Tanzania.
Họ được đánh giá là những con người kiêu hãnh. Đặc biệt đàn ông Datoga là những chiến binh dũng mãnh, nổi tiếng với khả năng "tàng hình" khi tấn công và hạ gục đối thủ.
Một gia đình của bộ lạc Datoga. (Ảnh: kwekudee-tripdownmemorylane.blogspot)
Theo truyền thống, đàn ông trẻ của bộ lạc Datoga phải chứng tỏ bản lĩnh bằng cách tiêu diệt một "kẻ thù của nhân dân". Đó là người không cùng bộ lạc hoặc là một trong những loài thú dữ như voi, sư tử hay cũng có thể là trâu dữ.
Một gia đình khác của bộ lạc Datoga. (Ảnh: Stefania Maggioni)
Trước đây bộ lạc Datoga giữ lối sống cách biệt và khá lạc hậu, nên chưa được biết đến nhiều. Là những người chăn nuôi du mục, gia súc có ý nghĩa rất quan trọng với mọi gia đình Datoga.
Nhưng bộ lạc Datoga lại có quan niệm khá "thoáng" về tình yêu, hôn nhân và gia đình. Dù ngày nay nhiều cuộc hôn nhân trong bộ lạc Datoga đã theo xu hướng mới là một vợ một chồng, nhưng tục lệ đa thê vẫn tồn tại trong bộ lạc Datoga.
Đàn ông càng sở hữu nhiều gia súc càng được coi là giàu, càng muốn cưới nhiều vợ để thêm lao động chăn dắt các đàn gia súc.
Các chàng trai và cô gái bộ lạc Datoga tại một lễ hội. (Ảnh: theworldatmyfeet)
Thông thường các cô vợ được chồng chia cho số lượng gia súc bằng nhau rồi phân tán họ tới những nơi khá xa để tìm kiếm thêm đất đai màu mỡ.
Vì đa thê nên có những ông chồng không thể thường xuyên thăm viếng hết lượt "hậu cung", nên cũng xảy ra cảnh có cô vợ bị chồng… bỏ quên hàng năm trời nhưng lại có thai.
Về chuyện này có tin nói những đứa con ngoài giá thú bị kỳ thị trong cộng đồng bộ lạc Datoga và thường bị gửi cho họ hàng bên ngoại chăm sóc.
Nhưng cũng có tin nói bộ lạc Datoga có đức tin bất cứ thứ gì được sinh ra trong nhà của ai thì đều thuộc về chủ nhà đó. Vì thế dù biết đứa con do vợ sinh ra không phải của mình, người chồng vẫn coi như con anh ta (trong một số trường hợp đó chính là con của… người em trai anh ta).
Tục lệ đa thê vẫn tồn tại trong bộ lạc Datoga. (Ảnh: kwekudee-tripdownmemorylane.blogspot)
Cũng với quan niệm như vậy nên nếu ly hôn, cô vợ có con "ngoài luồng" phải ra đi tay không, kể cả đứa con "riêng" cũng vẫn thuộc về chủ gia đình là người chồng. Nếu người chồng đa thê qua đời, gia tộc sẽ họp bàn và thường là anh hoặc em trai của người chồng sẽ thực hiện tục lệ "kế thừa vợ của anh (hoặc em) trai mình".
Mặt khác, hôn nhân chủ yếu do sắp đặt nên những đôi lứa yêu nhau mà không được cha mẹ chấp thuận, họ phải "sắp đặt" lại theo cách khác. Chàng trai sẽ bắt cóc cô gái rồi giấu trong gia tộc của mình vài ngày. Sau đó anh ta lấy một món đồ trong số quần áo cô gái đang mặc, đem thả tại làng của cô để "đánh tiếng" rằng sắp có người tới cầu hôn cô con gái bị "mất tích".
Sau khi kết hôn, người vợ phải mặc chiếc váy đặc biệt may bằng những dải da mỏng tượng trưng cho khả năng sinh sản do một nữ thần ban phát…(Ảnh: theworldatmyfeet)
Tiếp đó là màn đàm phán giữa nhà gái với đại diện nhà trai về hình phạt với chú rể (có thể là 3 con bò) và "trả giá" cô dâu (có thể là 1 con bò).
Hôn lễ sau đó được tổ chức tưng bừng với các nghi thức: tụng kinh, nhảy múa và đặc biệt là phải uống càng nhiều bia mật ong càng tốt để cầu may mắn cho cặp đôi.