Dân Việt

Đồng Nai: Chôm chôm Long Khánh được gắn mã QR, ngồi ở TP.HCM cũng có thể đặt hàng

Trần Khánh 23/06/2021 13:00 GMT+7
Đồng Nai cấp tốc số hóa dữ liệu từng gốc cây để níu giữ thương hiệu chôm chôm Long Khánh.

Chôm chôm Long Khánh rớt giá

Thành phố Long Khánh (Đồng Nai) vốn nổi tiếng với nhiều loại trái cây đặc sản. Trong đó, có hai loại trái cây bản địa nức tiếng là chôm chôm nhãn và chôm chôm tróc (còn gọi chôm chôm Java).

Hai loại chôm chôm này đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Đây là bằng chứng khẳng định chất lượng đặc thù của chôm chôm Long Khánh so với các vùng khác.

Hình thái chôm chôm Java và chôm chôm tróc được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.( Ảnh Thanh Thủy)

Hình thái chôm chôm Java và chôm chôm tróc được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. ( Ảnh: Thanh Thủy)

Tuy đã lọt vào "Bảng vàng nông sản Việt Nam", thế nhưng chôm chôm tróc và chôm chôm nhãn vẫn từng ngày đối mặt với tình trạng sụt giảm diện tích nhanh chóng.

Nguyên nhân do đặc sản chôm chôm Long Khánh gặp nhiều khó khăn về năng suất, chất lượng cũng như khả năng cạnh tranh về kinh tế.

Vài năm gần đây, khi thấy chôm chôm Thái cho lợi nhuận tốt, nhiều nông dân đua nhau chặt bỏ 2 loại chôm chôm bản địa này.

Từ năm ngoái đến nay, dịch Covid-19 khiến tiêu thụ trái cây gặp nhiều bế tắc. Cùng với áp lực tiêu thụ trái cây hè thường "đụng hàng dội chợ" của nhiều loại trái khác, chôm chôm Long Khánh càng khó khăn.

Chôm chôm Long Khánh đang rớt giá. (Ảnh Trần Khánh)

Chôm chôm Long Khánh đang rớt giá. (Ảnh: Trần Khánh)

Từ cuối tháng 5/2021, các nhà vườn chôm chôm ở thành phố Long Khánh bước vào vụ thu hoạch. Niềm vui được mùa chưa bao lâu thì giá chôm chôm các loại đột ngột giảm giá sâu. 

Anh Võ Thanh Sang, người dân xã Bình Lộc (thành phố Long Khánh) cho biết, khi chôm chôm vừa chín tới, chủ vườn hái bao nhiêu người ta cũng mua.

Đầu mùa, thương lái còn mua với giá bình quân các loại từ 19.000-20.000 đồng/kg. Nhưng càng vào mùa chín rộ, giá càng giảm, thương lái cũng thưa dần.

Giá chôm chôm rớt nhanh từ sau tết Đoan Ngọ (ngày 5/5 âm lịch). Đến giữa tháng 6, nếu chôm chôm thái, chôm chôm nhãn dao động từ 10.000-12.000 đồng/kg thì chôm chôm tróc chỉ còn 4.000-4.500 đồng/kg.

Ông Lâm Phi Hùng, chủ vườn du lịch trái cây sinh thái Sáu Hung (xã Bình Lộc) cho biết, chôm chôm tróc và chôm chôm nhãn đã có từ lâu ở vùng đất Long Khánh, là đặc sản vùng Đông Nam Bộ.

Một vườn chôm chôm Thái ở xã Bình Lộc, TP.Long Khánh. (Ảnh Đức Linh)

Một vườn chôm chôm ở xã Bình Lộc, TP.Long Khánh. (Ảnh: Đức Linh)

Tuy nhiên, phần lớn cây chôm chôm bản địa đã già cỗi. Chôm chôm chỉ bán trái tươi nên thời gian bảo quản ngắn. Người thu mua chôm chôm hầu hết cho thương lái chứ không có hợp đồng từ doanh nghiệp.

"Giá chôm chôm nhiều năm bấp bênh, càng khiến người trồng chán nản với các giống chôm chôm bản địa" - ông Hùng nói.

Theo UBND thành phố Long Khánh, tổng diện tích chôm chôm được cấp chỉ dẫn địa lý là gần 2.000ha, phân bố tại các xã Bình Lộc, Bảo Quang và phường Xuân Tân, Bảo Vinh.

Tuy nhiên, hiện nay tổng diện tích của 2 loại chôm chôm bản địa này giảm gần 86%, hiện chỉ còn hơn 280ha.

Số hóa dữ liệu chôm chôm Long Khánh

Trước nguy cơ đặc sản chôm chôm Long Khánh bị thay thế bằng loại trái cây khác, UBND Thành phố Long Khánh gấp rút thực hiện đề án Giải pháp lưu trữ, phát triển giống cây ăn quả có chỉ dẫn địa lý.

Đề án này được giao cho Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Thành phố Long Khánh và công ty TNHH ViMe phối hợp thực hiện.

Một vườn chôm chôm Long Khánh được gắn mã Mã QR. (Ảnh: Duy Tân)

Một vườn chôm chôm Long Khánh được gắn mã Mã QR. (Ảnh: Duy Tân)

Ông Trần Văn Việt – Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Long Khánh cho biết, đề án đã gắn được 280 mã QR trên 3 vườn chôm chôm thí điểm ở xã Bình Lộc.

Mã QR này bao gồm đầy đủ thông tin của chủ vườn, năm trồng, chủng loại giống, năng suất bình quân và tọa độ vị trí địa lý để định vị cây trên bản đồ Google Map.

Vườn chôm chôm bản địa 100 cây của ông Lâm Phi Hùng ở xã Bình Lộc cũng tham gia đề án này. Ông Hùng kể, lúc mới tiếp nhận thông tin đề án, ông đồng ý nhận lời ngay.

Mỗi cây được cấp một mã QR duy nhất, gắn liền suốt quá trình chăm sóc và khai thác. Vì thế cây chôm chôm được định danh và truy xuất nguồn gốc.

Việc định danh cây chôm chôm còn giúp theo dõi lịch sử chăm sóc, cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và ước lượng năng suất.

Đề án số hóa cây chôm chôm Long Khánh thực hiện tại vườn của ông Lâm Phi Hùng. (Ảnh: Duy Tân)

Đề án số hóa cây chôm chôm Long Khánh thực hiện tại vườn của ông Lâm Phi Hùng. (Ảnh: Duy Tân)

Người tiêu dùng ở Đồng Nai, TP.HCM hay một nơi nào khác có thể đặt mua chôm chôm nhờ nền tảng công nghệ thông tin. Đồng thời, việc đặt mua trực tiếp qua mạng thông tin giúp bình ổn được giá bán.

"Đó là lợi ích cho nhà vườn vì chương trình này nâng được tầm giá trị của cây chôm chôm có chỉ dẫn địa lý", ông Hùng phân tích.

Ngược lại, việc gắn mã QR trên cây chôm chôm sẽ giúp người tiêu dùng kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm. Từ đó, ý thức sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, thân thiện với môi trường của người trồng cũng được nâng cao.

Hiện tại, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP.Long Khánh đang khảo sát lựa chọn địa điểm phù hợp để làm địa điểm xây dựng kho lạnh, nhà máy chế biến. Các công trình này sẽ phục vụ cho việc bảo quản sản phẩm chôm chôm trên địa bàn.   

Ông Trần Văn Việt đánh giá, việc số hóa dữ liệu vùng trồng chôm chôm đặc sản sẽ giúp nâng cao sản lượng, chất lượng cũng như tiết kiệm chi phí nhân công và quản lý.

Dữ liệu được số hóa sẽ góp phần vào quá trình lưu giữ phát triển cây ăn trái có chỉ dẫn địa lý. Đây là tiền đề cho việc lưu trữ và quản lý chi tiết số lượng cây chôm chôm tróc, chôm chôm nhãn đang bị giảm đáng kể ở Long Khánh.