Dân Việt

Những thương binh vượt khó làm giàu

Đồng Nguyên 23/06/2021 15:55 GMT+7
Dù tỷ lệ thương tật, hoàn cảnh gia đình mỗi người mỗi khác nhưng các thương binh ở Đắk Lắk đều có một điểm chung là ý chí kiên cường, luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

Nhắc đến ông Nguyễn Hữu Thanh (năm nay 61 tuổi, ở phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk)  nhiều người rất khâm phục bởi với mức thu nhập hơn 400 - 500 triệu đồng hiện nay, với người bình thường đã không dễ dàng, ông lại là một thương binh với tỷ lệ thương tật 21%. Hiện ông sở hữu 2 ha đất trồng cà phê, hồ tiêu và một số loại cây ăn trái, ngoài ra còn kinh doanh gạo, gas…

Vốn quê Hà Tĩnh, nhập ngũ vào chiến trường K, sau khi xuất ngũ lại tiếp tục đi kinh tế mới vào Đắk Lắk. Những ngày đầu mới đến đây (năm 1984), ông phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như không có đất sản xuất, không vốn liếng, những vết thương trên cơ thể cũng làm giảm đi sức lao động của bản thân…

Nhưng với phẩm chất của anh Bộ đội cụ Hồ, ông đã nỗ lực vượt qua khó khăn, không ngừng học hỏi các tiến bộ khoa học để áp dụng vào sản xuất, mạnh dạn vay vốn ngân hàng, sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả… Nhờ sự cố gắng không ngừng, ông đã xây dựng được cơ sở kinh tế cho thu nhập khá cao và ổn định như hôm nay. Vì vậy ông luôn được mọi người yêu mến, trở thành tấm gương sáng cho đồng đội, con cháu noi theo.

Những thương binh vượt khó làm giàu - Ảnh 1.

Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả của các thương binh, bệnh binh ở Đắk Lắk. Ảnh: N.X

Năm 2018 ông vinh dự là một trong 3 người có công với cách mạng tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk được tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc.

Còn tại vùng đất đỏ bazan Đrao (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk), người thương binh 1/4 Hoàng Văn Thuần là tấm gương sáng khẳng định "Thương binh tàn nhưng không phế" đúng như lời dạy của Bác. Bởi cuối những năm 90 của thế kỷ trước, Cư Dliê M’nông là vùng đất tuy gần mà hun hút bởi đường sá đi lại khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa phát triển, đời sống của người dân nơi đây phụ thuộc rất lớn vào "bà đỡ" là Nông trường cà phê Đrao, nay là Công ty TNHH MTV cà phê Đrao (thuộc Tổng Công ty cà phê Việt Nam).

Vậy mà năm 1989, sau khi từ chiến trường Campuchia trở về với tỷ lệ thương tật 34%, ông Hoàng Văn Thuần sẵn sàng đến Nông trường cà phê Đrao nhận công việc mới. Đến năm 1992, ông quyết định đưa cả gia đình từ Nghệ An vào Đrao cùng sinh sống, lập nghiệp. Ngay từ những ngày đầu ở vùng đất mới, gia đình ông Thuần đã hơn hẳn nhiều người khác, bởi không chỉ hoàn thành tốt công việc của nông trường, vợ chồng ông còn làm thêm nhiều công việc khác để tăng thu nhập.

Với suy nghĩ còn sức là còn làm, việc gì cũng làm, miễn là chính đáng và có thu nhập nên gia đình ông lao vào khai hoang phục hoá, trồng cà phê, hồ tiêu rồi nuôi heo, nuôi cá, lại kinh doanh thêm tạp hoá, nấu rượu… Đến nay, sau khi trừ hết cả khoản chi phí, gia đình ông có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Với nguồn thu nhập đó, ông Thuần có điều kiện đầu tư cho con cái học hành đầy đủ, mua sắm phương tiện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của gia đình…

Có dịp tiếp xúc với nhiều thương binh, bệnh binh ở Đắk Lắk, chúng tôi nhận thấy dù tỷ lệ thương tật, hoàn cảnh gia đình mỗi người mỗi khác nhưng ở họ đều có một điểm chung là ý chí kiên cường, luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, những năm qua, Sở Lao động, thương binh và Xã hội Đắk Lắk còn thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ban ngành, địa phương tạo điều kiện về vốn, khoa học kỹ thuật, giải quyết việc làm để các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công (còn khả năng lao động hoặc còn thành viên trong gia đình trong độ tuổi lao động) vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Vì vậy ở tỉnh Đắk Lắk, nhiều thương binh, gia đình chính sách, người có công đã vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.