Kể từ đầu năm đến nay, một loạt các ngân hàng phát đi thông báo về việc thanh lý tài sản để thu hồi nợ. Các tài sản mà ngân hàng mang ra thanh lý khá đa dạng, từ bất động sản, nhà xưởng, máy móc, thiết bị…
Tuy nhiên, xe ô tô bị siết nợ được ngân hàng rao bán nhận được sự quan tâm nhất của cộng đồng, bởi giá thanh lý khá rẻ so với các sản phẩm tương tự đang được bán ngoài thị trường.
Lấy ví dụ như trường hợp của ngân hàng VIB. Hiện nay, trong "kho dự trữ chiến lược" về tài sản đảm bảo là ô tô ngân hàng thanh lý đang có tới hàng trăm chiếc xe với đầy đủ mẫu mã, kiểu loại và thương hiệu khác nhau từ bình dân tới cao cấp.
Trong số đó, một vài cái tên chiếm số lượng nhiều nhất phải kể tới như: Toyota Vios, Hyundai i10, Ford Ranger, Mazda 3, Kia Morning hay Ford Transit. Ngoài ra, một vài mẫu xe sang thanh lý cũng góp mặt như: Peugeot 3008 đời 2018 hay Mercedes-Benz C300 đời 2017...
Chiếc Chevrolet Spark đời 2016 đi được 192.182 km có giá thanh lý 180 triệu đồng, trong khi giá thị trường theo VIB là 250 triệu đồng.
Hay như chiếc đời 2017 giá 199 triệu đồng, xe đời 2018, chỉ mới đi không đầy 80.000 km giá 230 triệu đồng.
Một số ô tô thanh lý khác có giá dưới 200 triệu như Kia-Morning-2017 (195 triệu đồng); Chevrolet Spark (189 triệu đồng).
Không chỉ VIB, nhiều ngân hàng khác như: Vietcombank, TPBank, BIDV hay VPBank... cũng đã và đang tiến hành thanh lý/phát mãi rất nhiều loại xe ô tô khác nhau.
TPBank từ tháng 5 đến nay cũng thông báo thanh lý khoảng 30 chiếc xe ô tô, giá rao bán với giá khởi điểm chỉ từ 150 triệu đồng/chiếc.
Tương tự VPBank thông báo bán đấu giá hàng chục xe ô tô các loại kể từ đầu tháng 5 đén nay. Số xe được ngân hàng tổ chức đấu giá, thuộc nhiều thương hiệu tên tuổi, được sản xuất từ năm 2014-2018. Đa số xe có giá chưa tới 500 triệu đồng.
Trong đó, Kia Morning giá chỉ 192 triệu đồng, Toyota Vios 375 triệu đồng, Ford Ranger từ 450 - 480 triệu đồng, Chevrolet Spark từ 130 - 220 triệu đồng.
Thậm chí, trong năm 2020, nhiều ngân hàng còn rao bán ô tô với giá "sốc" chỉ từ 25 triệu đồng/chiếc, nhiều xe taxi cũ cũng chỉ từ 60-100 triệu đồng/chiếc. Như tại VietinBank chi nhánh Bắc Ninh, xe ô tô Mitsubishi Pajero biển số 99K-4634 sản xuất năm 2005, đã qua nhiều năm sử dụng với giá khởi điểm là 25,92 triệu đồng và chiếc Toyota HIACE 16 chỗ biển số 99K-2368 sản xuất năm 2001, đã qua nhiều năm sử dụng với giá 26,67 triệu đồng.
Bãi xe của ngân hàng đầy, xe để lâu hỏng mà thanh lý giá rẻ không ai mua
Trên thực tế, các dòng xe đang tiến hành thanh lý có giá rẻ hơn thị trường cả chục triệu đồng nhưng nhiều tài sản phải đấu giá rất nhiều lần mới thanh lý được.
Theo các chuyên gia, ngân hàng thường đấu giá thất bại, không ai tham gia, phải tổ chức đấu giá rất nhiều lần mới thành công là do khâu định giá tài sản đấu giá chưa chính xác.
Bên cạnh đó, nhiều người dân Việt Nam có tâm lý kiêng kỵ mua những xe thanh lý do chủ cũ bị thua lỗ, thế chấp ngân hàng sẽ vướng vận đen, không tốt cho bản thân, gia đình và công việc kinh doanh.
Dưới góc nhìn của người kinh doanh ô tô, ông Nguyễn Minh T, chủ một cửa hàng chuyên về xe ô tô cũ trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) cho biết, giá xe thanh lý mà các ngân hàng đang đưa ra dù có thấp hơn giá chung của thị trường nhưng lại có nhiều thủ tục giải quyết phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, để sở hữu một chiếc xe ô tô còn tốt, giá rẻ trong các cuộc đấu giá của ngân hàng là điều rất khó. Thậm chí, "các cuộc đấu giá xe ô tô của ngân hàng đều diễn ra một cách khó hiểu. Những chiếc xe còn tốt, giá rẻ người trúng đấu giá thường là nhân viên ngân hàng, người thân của đơn vị tổ chức đấu giá... ", vị này cho hay.
Đây chính là lý do khiến các chủ cửa hàng bán xe ô tô cũ không "mặn mà" với các cuộc đấu giá của ngân hàng.
Thông tin tại Tọa đàm "Nợ xấu trong đại dịch Covid-19: Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp" do Báo Tiền Phong và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức cũng cho thấy, hiện 5 ngân hàng chiếm thị phần lớn về cho vay mua ô tô là VIB, Shinhan Bank, Techcombank, VPBank và TPBank.
Có ngân hàng thừa nhận, nợ xấu tăng trong quý đầu năm 2020 chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân vay mua ô tô.
Phụ trách quản lý tài sản nợ đã thu hồi của một ngân hàng tại Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, số ô tô thu hồi của khách hàng tăng nhanh, thu cả hàng trăm chiếc nhưng bán thì chẳng được bao nhiêu, càng để càng hư hại.
"Có nhiều xe mang đấu giá tới 4-5 lần chẳng ai mua. Mỗi lần đấu giá lại giảm 5%, tới lần thứ 4 giá giảm 20% so với định giá ban đầu, vậy nhưng đến nay vẫn để không. Bãi xe của ngân hàng giờ đã đầy, còn xe để lâu ngày cũng hỏng nhưng luật đã quy định, ngân hàng không thể không siết nợ khi món vay toàn tiền trăm triệu tới cả tỷ đồng", vị này kể.