TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, là chuyên gia quen thuộc khi thường xuyên bày tỏ quan điểm về các vấn đề nổi cộm của giáo dục Việt Nam. Trong nhiều năm qua, bà Hương là chuyên gia giáo dục độc lập.
Tuy nhiên thời gian gần đây, TS Vũ Thu Hương vô cùng bức xúc khi bị giả mạo bài viết lăng mạ, ghép chữ gây sốc trên mạng rồi chia sẻ vào các nhóm có số lượng thành viên lớn với mục đích "câu like".
Cụ thể ngày 21/4, có trang tin giả đăng bài : "Tiến sĩ Vũ Thu Hương lên tiếng vụ bé gái 5 tuổi bị hiếp: "Bố mẹ không biết dạy con" trong khi bà Hương cho biết, bà không được phỏng vấn mà trang tin đó tự ý cắt ghép câu chữ.
Trước đó, ngày 31/3, trong khi vụ việc cô Nguyễn Thị Tuất - giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B (Quốc Oai, Hà Nội) đang gây tranh cãi thì một số trang đăng bài viết: "Tiến sĩ Vũ Thu Hương: Không quản được học sinh và lớp học là cô Tuất sai, đừng dổ lỗi cho ai xui khiến học sinh".
Bà Hương cho biết: "Có 2 phóng viên gọi cho tôi nhưng tôi nói không biết vụ cô Tuất, chỉ có thể trả lời về nguyên tắc trong ngành. Họ hỏi tôi không quản được lớp là do học sinh hay giáo viên. Tôi trả lời cô giáo được học bài quản lớp trong trường sư phạm. Bất kể ai cũng được học, không quản được không tốt nghiệp được sư phạm. Tuy nhiên, một số trang lại giật tít sai lệch hẳn ý của tôi".
"Nhiều cư dân mạng vào trang cá nhân của tôi để chửi bới, đe dọa khiến tôi phải tuyên bố dừng mọi hoạt động báo chí và truyền hình từ ngày 19/5. Nhưng sự việc lại không dừng lại tại đó, các trang tin giả vẫn tiếp tục đưa tin sai lệch với bài viết "Tiến sĩ: Phi Nhung giữ tiền của Hồ Văn Cường chẳng có gì sai". Tất cả những sự kiện trên tôi đều không phát ngôn và bình luận như thế với bất kỳ báo đài nào", bà Hương nói.
Bà Hương bày tỏ: "Việc này ảnh hưởng rất lớn đến công việc của tôi khi những lời khuyên tôi trả lời báo chí dành cho các cha mẹ trở thành một thứ tào lao, vớ vẩn như những tuyên bố kia. Bạn bè, người quen liên tục hỏi đến và vô cùng bức xúc.
Khi tôi viết bình luận lên trên trang, trong những bài viết này để phản ánh thì nhận được sự thờ ơ. Không ai quan tâm và họ tiếp tục chửi bới tôi. Tôi có gửi tin nhắn riêng cho admin các trang nhưng cũng không thấy phản hồi.
Chúng tôi đã báo cơ quan công an và họ đang thụ lý vụ việc. Tuy nhiên, một số cá nhân quá khích đã viết thơ bêu riếu, làm video phản bác trên mạng, đe dọa đến sự an toàn của tôi, thậm chí con gái tôi".
Liên quan đến việc cắt ghép những thông tin giả, lĩnh vực giáo dục cũng có một số sự việc gây xôn xao, thông tin từ một số trường học, thậm chí Sở GD-ĐT các tỉnh cũng bị giả mạo. Ví dụ như ngày 10/6 vừa qua, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phải phát đi thông báo khi xuất hiện email giả mạo trúng tuyển. Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh, Đắk Lắk cũng từng bị giả mạo văn bản cho học sinh nghỉ học gây hoang mang dư luận...
Luật sư Hoàng Minh Hiển - Trưởng Văn phòng Luật sư HHM Việt Nam thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định tại điểm b, khoản 3 điều 16 Luật An ninh mạng, những hành vi bị cấm là thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo mức xử phạt quy định tại điểm a, khoản 3 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của chính phủ, hành vi thông tin bịa đặt có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng và buộc người vi phạm phải gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật.
Trong trường hợp không gỡ, sẽ bị coi là tình tiết tăng nặng, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự khi cấu thành tội phạm.