Bộ LĐTBXH đang dự thảo, lấy ý kiến thực hiện gói hỗ trợ lao động, doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch Covid -19 lần 2. Trong lần này, ngoài nhóm lao động chính là công nhân mất việc, giãn việc, giáo viên trường tư thục, nhóm lao động tự do, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng....
Đáng chú ý, trong khi đang dự thảo, lấy ý kiến, Bộ VHTTDL đã có văn bản đề xuất hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng cho nghệ sĩ gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Trong công văn gửi Bộ LĐTBXH mới đây, Bộ VHTTDL cho rằng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và du lịch đang chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề do tác động của dịch Covid-19, nhưng tới nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ. Trong đó, đội ngũ nghệ sĩ tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn gần như không thể hoạt động do không được tổ chức sự kiện, tập trung đông người.
Để tháo gỡ khó khăn cho nghệ sĩ và hướng dẫn viên du lịch, Bộ VH-TT-DL đề nghị Bộ LĐTBXH, đồng thời kiến nghị Thủ tướng, cho bổ sung hai đối tượng là nghệ sĩ (hạng 4) lương thấp hơn lương tối thiểu vùng và đội ngũ hướng dẫn viên du lịch mất việc vào dự thảo Nghị quyết hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Ngay khi có đề xuất, nhiều người dân và chuyên gia xã hội, chuyên gia lao động đã bày tỏ quan điểm không đồng tình.
Chị Nguyễn Thị Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) nêu quan điểm: "Với công nhân, viên chức hay giới văn nghệ sỹ, dù là văn nghệ sĩ hạng 4, lương thấp nhưng thật sự vẫn còn những khoản thu nhập tăng thêm. Đành rằng giờ dịch bệnh họ không đi biểu diễn được nhưng trước đó quá trình làm việc thu nhập không quá thấp, cũng gọi là có tích lũy. Bởi vậy, đề xuất hỗ trợ họ nghe không hợp lý".
Với nhóm hướng dẫn viên du lịch cũng vậy, chị Trang cho rằng, chị có bạn làm hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Bình thường trước khi có dịch thu nhập của bạn chị toàn ở mức 30-40 triệu đồng/tháng. 2 năm qua ngành du lịch ảnh hưởng nhiều, gần như "chết bẹp" thế nhưng với khoản thu nhập có tích lũy, anh đã nhanh chóng chuyển đổi và kinh doanh thêm nên cuộc sống không bị ảnh hưởng nhiều.
Quan điểm của chị Trang cũng đồng quan điểm với nhiều chuyên gia khác.
Bà Nguyễn Thu Giang - Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng - Light) cho rằng trong điều kiện nguồn lực có hạn, nếu phân bổ nguồn hỗ trợ cho nhiều nhóm thì nguồn lực sẽ bị giảm đi.
"Thực tế, thời gian qua giới văn nghệ sĩ không quá khó khăn còn lao động di cư, lao động tự do thì ngược lại. Họ phải chạy ăn từng bữa, giờ dịch bệnh họ lại càng khó khăn hơn. Nhiều người mất việc làm, không có thu nhập, không có tích lũy rất đáng thương", bà Giang nói.
Bà Giang kiến nghị, nên bác bỏ đề xuất này: "Việc rà soát đối tượng khó khăn cho vào chính sách hỗ trợ là nên làm, nhưng chỉ nên hỗ trợ nhóm nào thực sự khó khăn".
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, cách đây không lâu đã có những nghệ sĩ từng tuyên bố "không cần công chúng nuôi", giờ Bộ VHTTDL lại "xin" hỗ trợ nghệ sĩ thì không nên.
Đề xuất của Bộ VHTTDL không sai, vì nghệ sĩ cũng là người lao động và cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, đơn vị đề xuất cần phải đưa ra lý lẽ thuyết phục, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng.
PGS. TS. Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng hoàn toàn có lý do để dân chúng bất bình trước đề xuất của Bộ VHTTDL. "Đành rằng trong dịch Covid-19, nghệ sĩ bị ảnh hưởng trực tiếp do phải đóng cửa nhà hát, dừng các suất diễn, nhưng rõ ràng so với mặt bằng chung của người dân, nghệ sĩ vẫn có cuộc sống tốt hơn những đối tượng khác. Thế nhưng, nguồn lực của chúng ta có hạn, không thể phân chia đều cho tất cả mọi người. Chỉ nên dành sự ưu tiên cho những ai khó khăn nhất", ông Bình nói.