Đời sống nghệ sĩ và hướng dẫn viên du lịch lao đao vì Covid-19, Bộ VHTT&DL “kêu cứu”

Hà Tùng Long Thứ ba, ngày 22/06/2021 14:51 PM (GMT+7)
Bộ VHTT&DL vừa gửi công văn đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất một số giải pháp hỗ trợ nghệ sĩ, hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Bình luận 0

Ngày 18/6, ông Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL đã chính thức ký công văn gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc đề xuất một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và đội ngũ nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật biểu diễn gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo Bộ VHTT&DL, thời gian qua, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và du lịch chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề do tác động của dịch Covid-19 nhưng cho tới nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ.

Đời sống nghệ sĩ và hướng dẫn viên du lịch lao đao vì Covid-19, Bộ VHTT&DL “kêu cứu” - Ảnh 1.

Giới nghệ sĩ lao đao vì dịch Covid-19 kéo dài, không có nguồn thu từ biểu diễn nghệ thuật. Ảnh: TL.

Từ đầu năm 2020 đến nay, đội ngũ nghệ sĩ tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch gần như không thể hoạt động do đại dịch Covid-19 không được tổ chức sự kiện, tập trung đông người… Do vậy, để tháo gỡ khó khăn cho nghệ sĩ và hướng dẫn viên du lịch, Bộ VHTT&DL đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ.

Bổ sung vào mục II dự thảo Nghị quyết đối tượng và nội dung hỗ trợ: "Hỗ trợ đội ngũ nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật hạng IV, diễn viên hạng IV, họa sĩ hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (đây là nhóm nghệ sĩ có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng). Mức hỗ trợ là 1.800.000đ/người/tháng, hỗ trợ trong 3 tháng và được chi trả một lần.

Nói về lý do đề xuất này, Bộ VHTT&DL cho biết, lao động nghệ thuật biểu diễn là loại lao động đặc thù, đội ngũ nghệ sĩ phải có năng khiếu, tài năng và phải được đào tạo bằng nhiều hình thức (kèm cặp, tại chỗ, đào tạo qua các cơ sở đào tạo nghệ thuật...) và phải đào tạo từ lúc nhỏ (từ 7-8 tuổi), thời gian đào tạo kéo dài và chỉ đạt đến trình độ đào tạo trung cấp, cao đẳng là ra nghề.

Thời gian hoạt động biểu diễn nghệ thuật của nghệ sĩ rất ngắn, bình quân khoảng từ 15 đến 20 năm, đến độ tuổi từ 30 đến 40 (đối với nữ) và 40 đến 45 (đối với nam) khả năng biểu diễn của nghệ sĩ bị suy giảm, không thể đáp ứng được đòi hỏi về chuyên môn của nghề nghệ thuật biểu diễn.

Thực tế theo thang bảng lương Nhà nước, mặc dù có tài năng, năng khiếu, được đào tạo công phu nhưng khi được tuyển dụng vào viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập, đội ngũ nghệ sĩ được xếp lương như đối với các ngành nghề khác (xếp lương theo trình độ đào tạo lên lương theo niên hạn trung bình 2 năm nâng 01 bậc lương đối với hạng IV, mức lương khởi điểm hệ số 1,86 x mức lương cơ sở 1.490.000 đồng) thì đối tượng viên chức là nghệ sĩ hiện nay không thể đi hết các bậc lương trong ngạch khi tuổi nghề ngắn.

Đời sống nghệ sĩ và hướng dẫn viên du lịch lao đao vì Covid-19, Bộ VHTT&DL “kêu cứu” - Ảnh 2.

Đời sống của các hướng dẫn viên du lịch gặp nhiều khó khăn khi mọi thứ đều ngưng trệ. Ảnh: TV.

Hiện nay, cả nước có 100 đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) với hơn 2000 viên chức là nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV, đối tượng này đang khó khăn không thể đảm bảo cuộc sống do đại dịch Covid-19 xảy ra, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn tạm ngừng.

Bổ sung vào mục II dự thảo Nghị quyết đối tượng và nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ người lao động là hướng dẫn viên du lịch bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mức hỗ trợ là 1.800.000đ/người/tháng, hỗ trợ trong 3 tháng và được chi trả một lần.

Lý do đề xuất theo Bộ VHTT&DL đối tượng này đã bị mất việc làm do hoạt động du lịch bị đình trệ từ khi bùng phát dịch bệnh đầu năm 2020 đến nay. Các chính sách hỗ trợ người lao động đã được ban hành chưa chỉ rõ đối tượng hướng dẫn viên du lịch nên họ chưa được hưởng bất kỳ sự hỗ trợ nào từ Chính phủ.

Trong khi đó, tổng số lượng hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ trên toàn quốc hiện nay là hơn 26.721 ngàn người, trong đó: 16.965 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 8.743 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 1.013 hướng dẫn viên du lịch tại điểm.

Theo Bộ VHTT&DL, đội ngũ hướng dẫn viên này có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành du lịch, mang lại lợi ích cho nền kinh tế của đất nước suốt thời gian qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem