Dân Việt

San sẻ yêu thương giữa Sài thành (kỳ 3): Những tấm lưng đẫm mồ hôi...

Bạch Dương 25/06/2021 10:00 GMT+7
Mỗi ca trực từ 7 – 14 ngày nhưng có khi kéo dài không xác định; bác sĩ phụ trách khu cách ly phải kiêm luôn đủ thứ việc không tên, từ phụ xách đồ, lấy mẫu, thậm chí… kê dọn giường tủ, lắp quạt máy cho người bệnh…

Điều dưỡng khoa Nhi cực nhọc trăm bề

Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM là 1 trong 2 đơn vị được Sở Y tế TP.HCM phân công tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhi mắc Covid-19. Khoa Nhiễm và tất cả y bác sĩ được phân công điều trị bệnh nhi Covid-19 đều cố định một chỗ, cách ly an toàn cùng bệnh nhân, mặc bảo hộ chuẩn. Đội ngũ tiếp tế và xe chuyển bệnh đến và đi tại một cửa hậu riêng biệt, tách hẳn một khu biệt lập với toàn bộ khuôn viên và khu nội trú còn lại của bệnh viện.

Chỉ trong vài ngày, 80 giường của đơn vị điều trị bệnh nhi Covid-19 của Bệnh viện Nhi đồng thành phố đã kín bệnh nhân.

Bác sĩ Đặng Xuân Khôi, khoa Nhiễm cho biết, mỗi y bác sĩ nhận tua trực từ 7 - 14 ngày nhưng khi bệnh nhân đông như hiện nay, tua trực sẽ kéo dài hơn. "Tôi đã ở trong bệnh viện gần 3 tuần, từ lúc chỉ có 15 - 18 bệnh nhi cho đến bây giờ đã có hơn 80 bệnh nhi và ba mẹ đi cùng".

Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất đang điều trị tại đây mới 1 tuổi, nhiều bé không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Bác sĩ Khôi cho biết, khó khăn nhất không phải là vấn đề điều trị, vì đã có phác đồ của Bộ Y tế, có tài liệu hỗ trợ từ nước ngoài, bệnh viện cũng đã có nhiều kinh nghiệm đối phó dịch từ 3 đợt dịch trước. Khó nhất bây giờ là nhiều bé phải vào điều trị một mình vì cả ba mẹ đều dương tính, cách ly ở khu vực khác.

San sẻ yêu thương giữa Sài thành (kỳ 3): Những tấm lưng đẫm mồ hôi...  - Ảnh 1.

"Các bạn nói ai cũng sợ thì ai làm? Đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của người thầy thuốc".

Bác sĩ Đặng Xuân Khôi

"Chúng tôi tiếp nhận một vài bé được chuyển đến mà không có người thân đi cùng. Hỏi ra mới biết cả ba mẹ đều đang cách ly, thậm chí mắc Covid-19 tình trạng nặng. Như bé 10 tuổi kia thì ba đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, phải thở oxy, mẹ thì cách ly điều trị ở Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ. Người thân họ hàng không có ai, bé nhập viện một mình"- bác sĩ Khôi chia sẻ.

Với những trường hợp này, các bác sĩ thường phân công điều dưỡng gần gũi, hỏi thăm, ổn định tâm lý cho bé. Nhiều lúc điều dưỡng quá bận, phải nhờ ba mẹ của bệnh nhi khác cùng phòng giúp đỡ chăm sóc bé. Rất may, hầu hết các bé đều có tinh thần ổn định, ít quấy khóc, một số bé lớn 7-10 tuổi có thể tự làm các sinh hoạt cá nhân.

"Cực nhất ở đây là điều dưỡng. Một tua trực chỉ có một bác sĩ và 2-3 điều dưỡng. Bác sĩ lo chuyên môn khám chữa bệnh cho các bé còn các chị em điều dưỡng gần như phải làm hết mọi việc, từ chăm sóc bé theo y lệnh đến đưa cơm nước cho bệnh nhân. Các chị phải bê bình nước 20 lít đi từng phòng bệnh trong khi vẫn phải mặc bộ đồ bảo hộ, đeo khẩu trang N95 suốt 8 tiếng. Đã có không ít người bị choáng nhưng chúng tôi chấp nhận"- bác sĩ Khôi tâm sự.

Vất vả, cực nhọc là thế nhưng bác sĩ Khôi cho biết, nhiều bác sĩ, điều dưỡng trong bệnh viện vẫn sẵn sàng xung phong vào khu điều trị Covid-19. "Các bạn nói ai cũng sợ thì ai làm? Đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của người thầy thuốc"- bác sĩ Khôi tự hào.

Một khó khăn khác mà bệnh viện cũng đang phải đối mặt là phải theo dõi tình trạng của cả người thân đi cùng em bé. Nếu người lớn đi cùng bé chuyển sang dương tính, bệnh viện phải hội chẩn với Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Trưng Vương để chuyển đi điều trị.

San sẻ yêu thương giữa Sài thành (kỳ 3): Những tấm lưng đẫm mồ hôi...  - Ảnh 3.

Các bác sĩ điều trị bệnh nhi Covid-19 tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Ảnh: P.V

"Khi mới tiếp nhận công việc, cuộc sống của tôi hơi bị đảo lộn, rất may là gia đình ủng hộ và tạo điều kiện cho tôi làm việc. Ca bệnh chuyển đến ngày một nhiều, một ngày làm việc thường từ 7 giờ sáng hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau. Nhiều bác sĩ ngủ gục tại chỗ ngay sau ca trực. Mệt mỏi là vậy nhưng chúng tôi luôn yêu thương, hỗ trợ nhau hết sức, động viên nhau mỗi người cùng cố gắng, mỗi người cùng góp một phần nhỏ để chống dịch"- bác sĩ Khôi chia sẻ.

Khó vẫn xung phong làm...

Nhận lệnh điều động khẩn của Sở Y tế, ngay trong đêm, đoàn y bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã lên đường làm nhiệm vụ phòng chống dịch tại Trung tâm cách ly ký túc xá Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông (TP.Thủ Đức).

Theo phân công của Sở Y tế, Bệnh viện Da liễu có nhiệm vụ điều hành chung các hoạt động tại trung tâm cách ly; phụ trách hoạt động chuyên môn y tế và các hoạt động khác tại trung tâm cách ly này. 8 y bác sĩ khẩn trương lên đường. Đến nơi là nửa đêm, các y bác sĩ tự tay dọn dẹp, kê giường chiếu, bàn ghế, lắp quạt… để có được chỗ ở tương đối cho các nhân viên y tế.

Tiếp đó là hàng loạt công việc nối tiếp nhau, từ làm vệ sinh khu vực cách ly, bố trí các phòng cách ly đúng yêu cầu đến tập huấn, hướng dẫn các chiến sĩ thuộc Ban chỉ huy quân sự quận Bình Tân, đơn vị hỗ trợ khu vực cách ly các yêu cầu về phòng chống dịch như cách mặc, cởi đồ bảo hộ đúng quy định, cách khử khuẩn, hướng dẫn người cách ly…

San sẻ yêu thương giữa Sài thành (kỳ 3): Những tấm lưng đẫm mồ hôi...  - Ảnh 4.

Những tấm lưng áo ướt sũng mồ hôi của các y bác sĩ Bệnh viện Da liễu tại khu cách ly ký túc xá Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Đăng Trọng Tường - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu kiêm luôn nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm cách ly cho biết: "Đêm hôm trước chúng tôi nhận nhiệm vụ, anh em chỉ có 1 ngày để sắp xếp, dọn vệ sinh khu cách ly, hướng dẫn phòng chống dịch thì tối hôm sau khu cách ly đã bắt đầu tiếp nhận những đối tượng thuộc diện F1 đến cách ly 21 ngày".

Dự kiến khu cách ly này sẽ tiếp nhận khoảng 200 người, trong khi chỉ có 8 y bác sĩ và các chiến sĩ của Ban chỉ huy quân sự quận Bình Tân đảm đương mọi công việc, từ tiếp nhận người cách ly, khử khuẩn, kiểm tra sức khỏe đến các công việc hậu cần như đưa cơm, dọn vệ sinh, đảm bảo an ninh khu cách ly… Gần như cả ngày, các nhân viên y tế phải đóng kín mít trong bộ đồ bảo hộ. Hết mỗi ca trực, cởi bộ đồ bảo hộ ra là những tấm lưng áo ướt sũng mồ hôi, nhưng trên hết vẫn là tinh thần chiến đấu chống dịch không ngại khó, không ngại khổ của các y bác sĩ tuyến đầu.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".