Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 diễn ra mới đây, Hội đồng quản trị Công ty CP Anova thống nhất đổi tên công ty thành Công ty CP Tập đoàn Nova Consumer (Nova Consumer Group).
Đồng thời, Nova Consumer Group cũng lên kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và dự kiến niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào cuối năm nay.
Bên cạnh mảng kinh doanh địa ốc với thương hiệu Novaland đình đám, ít người biết, tỷ phú Bùi Thành Nhơn còn sở hữu công ty nông nghiệp Anova Corp, với lĩnh vực kinh doanh đa dạng từ thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, mía đường...
Cụ thể, được thành lập từ năm 1992, tiền thân của tập đoàn Anova Corp là Công ty TNHH Thương Mại Thành Nhơn. Năm 1995 sau khi thành lập công ty Thành Nhơn được 3 năm, ông Bùi Thành Nhơn đã Liên doanh với Philippines, đưa Công ty liên doanh sản xuất Thuốc thú y Biophamachemie vào hoạt động, mở rộng hệ thống phân phối trong nước và xuất khẩu thuốc thú y đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Một năm sau đó, ông tiếp tục hợp tác với Mitsui, công ty hàng đầu Nhật Bản thiết lập hệ thống phân phối acid amin cho thị trường Việt Nam.
Năm 2007, Anova Corp tái cấu trúc và hợp nhất các công ty thành hai tập đoàn: Anova Corporation (hoạt động trong lĩnh vực trại chăn nuôi, thức ăn gia súc, thuốc thú y, vắc xin và tiến đến thiết lập chuỗi giá trị cung cấp nguồn thực phẩm sạch) và Novaland Group (Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản).
Năm 2013, Anova đã trở thành cổ đông chiến lược của Công ty CP thuốc thú y Trung ương (Navetco) và Xí nghiệp thuốc thú y Trung ương (Vetvaco). Hiện Navetco và Vetvaco là hai công ty chủ lực của Bộ NN&PTNT trong việc sản xuất và cung ứng các loại vaccine phòng bệnh, dược phẩm và chế phẩm sinh học cho gia súc, gia cầm và thủy sản.
Không chỉ thuốc thú y và vaccine, Anova còn hướng đến thức ăn gia súc và chăn nuôi với chiến lược được định hướng theo mô hình 3F – từ trang trại đến bàn ăn (Feed – Farm – Food). Vì thế, không ngạc nhiên khi Anova sở hữu hàng loạt công ty thành viên bao gồm 3 nhà máy thuốc thú y hiện đại, đạt tiêu chuẩn WHO-GMP; 1 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc; 2 công ty kinh doanh nguyên liệu sản xuất thuốc thú y, nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc; 1 công ty hoạt động trong lĩnh vực phân phối vaccine và 1 công ty hoạt động trong lĩnh vực phân phối sản phẩm thuốc thú y cho thị trường miền Bắc.
Giữa năm 2016, IFC - thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới, đã đầu tư 340 tỷ đồng (tương đương khoảng 15 triệu USD) dưới hình thức trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 5 năm cho một trong những công ty trực thuộc tập đoàn Anova là Công ty CP Thức ăn Chăn nuôi Anova (Anova Feed) để mở rộng hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Cho đến nay, với 35% thị trường thuốc thú y trong nước, Anova là lựa chọn hàng đầu của hàng triệu người nông dân Việt Nam trong các vụ mùa. Không chỉ giữ vững vị thế trong nước, Tập đoàn Anova còn ghi dấu ấn tại các thị trường quốc tế khi xuất khẩu sản phẩm sang 26 nước, trong đó có cả những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như Hàn Quốc, UAE, Malaysia, Thái Lan…
Cũng trong năm này, Anova cũng bắt tay với Kerry Group (Ireland) đầu tư sản xuất sữa bột dành cho trẻ em – Anka Milk. Đây là một trong những chiến lược để hiện thực hóa chiến lược phát triển nhóm sản phẩm sạch mới của tập đoàn, gồm thịt, cá, trứng, sữa.
Trước đó, Anova cũng đã đầu tư vào thị trường chăn nuôi heo an toàn với sự ra đời của 1 công ty hoạt động trong lĩnh vực về trang trại chăn nuôi, quy mô hiện tại bao gồm 1 trại nái 2.400 con và 1 trại thịt 12.000 con.
Từ năm 2019, Anova Corp chính thức đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực thực phẩm. Tính đến hiện tại, Anova Corp có 9 công ty thành viên, bao gồm: Công ty CP Thành Nhơn; Anova BioTech, Anova Pharma, Anova JV, Anova Tech, Anova Feed, Anova Farm, Anova Agri Bình Dương và Tổng công ty mía đường II với hệ thống phân phối 10.000 đại lý trên toàn quốc, với hơn 1.200 nhân viên. Các sản phẩm của Anova Corp được xuất khẩu ổn định hơn 26 thị trường lớn, như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Nigeria…
Tại Anova Corp, từ những thông tin khá ít ỏi được công bố từ năm 2013, hiện chỉ có một nhà đầu tư lớn ở DN này là Quỹ đầu tư DWS Vietnam Fund (sở hữu 20% cổ phần của Anova, tương ứng với 2.045.454 cổ phần), còn lại đều thuộc sở hữu của gia đình ông Bùi Thành Nhơn.
Như vậy, nếu Anova Corp được chính thức niêm yết trên HOSE vào cuối năm nay, khả năng vị trí người giàu thứ 2 và thứ 3 của tỷ phú Trần Đình Long và ông Bùi Thành Nhơn sẽ phải sắp xếp lại.
Hiện, chưa có đánh giá chính thức về giá trị của Anova Corp, nhưng kể từ tháng 6/2016, khi Anova nhận được khoản đầu tư trị giá 15 triệu USD từ Công ty Tài chính Quốc tế IFC, định giá Anova thời điểm này đã ở mức xấp xỉ 100 triệu USD.
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2020, Anova Corp ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 3.112 tỷ đồng và 178 tỷ. Tổng tài sản hợp nhất của tập đoàn là 3.882 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 2.004 tỷ.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2021 với chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt mức tăng trưởng lần lượt 33% và 57%, tương ứng với 4.139 tỷ đồng và 279 tỷ đồng.
Gia đình tỷ phú Bùi Thành Nhơn nắm khối tài sản hơn 100.000 tỷ đồng.
Tại thời điểm hiện tại, chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn cùng con trai ông là Bùi Cao Nhật Quân - trực tiếp nắm giữ 25,8% cổ phần của Novaland. Bên cạnh đó, ông Nhơn còn gián tiếp nắm giữ 30,26% cổ phần thông qua 2 công ty Novagroup và Diamond Properties. Ngoài ra, bà Cao Thị Ngọc Sương (vợ của ông Bùi Thành Nhơn) cũng nắm 5,47 % vốn, tương ứng hơn 80,4 triệu cổ phần Novaland.
Như vậy, tổng cộng ông Nhơn và gia đình đang nắm giữ gần 61,53% cổ phần của Novaland Group, tương ứng với hơn 904,8 triệu cổ phiếu NVL. Số cổ phiếu này hiện có trị giá lên tới hơn 107.761 tỷ đồng tính theo thị giá NVL hiện tại.