Hiện tại, giá các loại phân bón trên thị trường đều đồng loạt tăng cao. Cụ thể, giá phân bón Urê được bán ở mức 10,2-10,5 triệu đồng/tấn - mức cao nhất trong nhiều năm qua (mức trung bình từ 5-8 triệu đồng/kg).
Trong khi, đầu tháng 4/2021, giá bán Urê tại nhà máy của Đạm Phú Mỹ là 8,6 triệu đồng/tấn và tại nhà máy Đạm Cà Mau là 8,5 triệu đồng/1 tấn. Đến cuối tháng 5/2021 giá tại nhà máy Đạm Phú Mỹ tăng lên 9,4 triệu đồng/tấn và tại nhà máy Đạm Cà Mau tăng lên 9,5 triệu đồng/tấn.
Đến đầu tháng 6/2021 giá bán tại nhà máy Đạm Phú Mỹ tăng lên 9,9 triệu đồng/tấn và tại nhà máy Đạm Cà Mau tăng lên 9,8 triệu đồng/tấn.
Đối với phân bón DAP, hiện đã lên tới hơn 16 triệu đồng/tấn với DAP Trung Quốc xanh (tăng 1,5 triệu đồng/tấn); 16,5 triệu đồng/tấn DAP Hàn Quốc (tăng 2 triệu đồng/tấn) và 12,6 triệu đồng/tấn DAP Đình Vũ (tăng 1,4 triệu đồng/tấn)...
Trước bối cảnh trên, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định, nguyên nhân của tình trạng giá phân bón đã tăng phi mã trong 6 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là giá phân DAP, Urê là do giá nguyên liệu tăng cao.
Cụ thể, giá nguyên liệu sản xuất phân bón và giá phân bón thế giới để sản xuất các loại phân bón tổng hợp trong tháng 6/2021 cũng tăng mạnh so với tháng 12/2020. Cụ thể, phân đạm Urê tăng 62%, DAP tăng trên 54%, Kali tăng 45%, Ammonia tăng 60%.
Nhận định về thị trường phân bón thời gian qua, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện tại, nhu cầu phục vụ sản xuất không tăng.
Theo đó, nhu cầu phân bón thực dao động từ 10-10,23 triệu tấn/năm, năm nào nhiều thì có thể lên tới 15-17 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, tổng công suất thiết kế của các nhà máy sản xuất trong nước là 34 triệu tấn/năm.
Lý giải nguyên nguyên nhân giá phân bón tăng "phi mã", ông Trung cho rằng, không thể loại trừ khả năng, một số đơn vị đang gây "sốt ảo".
"Một phần cũng do nội tại việc phân phối phân bón trong nước chúng ta. Một số nơi tạo ra hiện tượng khan hiếm giả, dẫn tới đội giá lên", ông Trung đánh giá.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, thời gian qua, hệ thống logistics đứt gãy đẩy cước phí vận chuyển tăng từ 3-5 lần. Từ đó làm tăng thêm giá thành của những vật tư phục vụ sản xuất phân bón.
Hiện tại, 1 tấn phân bón DAP sản xuất trong nước, giao đến tay người dân mức 9,5-10,5 triệu đồng/tấn, tuy nhiên, giá mặt hàng này nhập khẩu về tới 14,5-15 triệu đồng/tấn.
Điều này chứng tỏ, thị trường xuất khẩu đang rất "béo bở", doanh nghiệp có lợi dụng để tăng giá nội địa?
Về nội dung trên, báo cáo gần đây của Tổng cục Hải quan nhận định: "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu phân bón đạt con số cao kỷ lục sau hơn 8 năm tham gia thị trường"
Cụ thể, tính từ đầu năm đến ngày 15/6, xuất khẩu phân bón đạt 615.710 tấn, tương đương giá trị 212,867 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 1,76 lần về trị giá.
Trong đó, giá phân bón xuất khẩu trong tháng 5 tăng khoảng 0,9% so với tháng 4 và tăng 14% so với tháng 5/2020, đạt trung bình 342,3 USD/tấn.
Tính chung 5 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu cũng tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 322 USD/tấn.
Các loại phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia và chiếm tới 37% trong tổng lượng và 39% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.
Kim ngạch đạt mức 214.136 tấn, tương đương 72,7 triệu USD, tăng mạnh 63,3% về lượng và tăng 76,5% kim ngạch so với cùng kỳ, giá cũng tăng 8,1%, đạt 339,5 USD/tấn. Xuất khẩu sang Malaysia cũng ghi nhận mức giá tăng gần 23% so với cùng kỳ năm ngoái...