UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định thu hồi 45,6 ha đất của Công ty TNHH Một thành viên Ô tô Vinaxuki Thanh Hóa (Vinaxuki Thanh Hóa) - thành viên của CTCP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Vinaxuki) - tại các xã Đại Lộc, Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc.
Đây là phần diện tích đất còn lại thuộc dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng, đã được Vinaxuki Thanh Hóa đầu tư xây dựng nhà xưởng và một số công trình trên đất như: 4 nhà xưởng, 1 nhà chuyên gia, 1 nhà bếp, 3 nhà bảo vệ…
Sau khi thu hồi, cho CTCP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu thuê đất để tiếp tục thực hiện dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng.
Hình thức thuê đất là Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm. Thời hạn thuê đất tính từ ngày ban hành Quyết định này đến ngày 26/10/2059.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao Cục Thuế rà soát, xác định chính xác số tiền Công ty TNHH Một thành viên ô tô Vinaxuki Thanh Hóa còn nợ ngân sách Nhà nước (tiền thuê đất, các loại thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp…), chủ động thông báo cho công ty này chấp hành.
Đồng thời, chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về theo dõi, giải quyết, xử lý dứt điểm các khoản nợ ngân sách Nhà nước của Công ty TNHH Một thành viên Ô tô Vinaxuki Thanh Hóa theo quy định của pháp luật và các chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh liên quan.
Theo tìm hiểu, dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Vinaxuki Thanh Hóa được cấp phép xây dựng từ năm 2010 với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 1.360 tỷ đồng.
Mục tiêu của nhà máy là sản xuất, lắp ráp ô tô tải có tải trọng từ 0,5 tấn đến 45 tấn, ô tô buýt từ 16 chỗ ngồi đến 100 chỗ ngồi; sản xuất phụ tùng ô tô các loại. Nhà máy khi đi vào hoạt động dự kiến sản xuất và lắp ráp 15.000 xe tải/năm, 400 xe buýt/năm.
Khi đi vào hoạt động, Nhà máy Vinaxuki kỳ vọng mỗi năm sẽ sản xuất ra 15.000 xe tải, 400 xe buýt và 75.000 tấn phụ tùng ô tô các loại.
Trong một chia sẻ với báo giới ông Huyên cho rằng. "Quan trọng tôi là người dân Việt Nam, tôi cần tiền làm xe thương hiệu Việt. Tôi vẫn theo đuổi giấc mơ ô tô Việt Nam. Tôi khẳng định người Việt hoàn toàn đủ tài năng và trí tuệ làm ô tô".
Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm hoạt động, tới năm 2013, nhà máy bắt đầu ngưng trệ rồi bỏ hoang.
Cũng kể từ đó, một công ty đi đầu về lắp ráp ô tô, có kết quả kinh doanh ban đầu tốt với số vốn nghìn tỷ, Vinaxuki đã rơi vào tình cảnh bi đát như hiện nay. Còn ông chủ của Vinaxuki sống qua ngày với vài triệu tiền lương nhưng gánh trên mình khối nợ gần 3.000 tỷ.
Lý giải về nguyên nhân "chết yếu", Chủ tịch Bùi Ngọc Huyên cho biết kể từ đầu năm 2011, do khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng cao, ngân hàng tài trợ cho Vinaxuki hiện thực tham vọng ô tô "made in Việt Nam" đã cắt vốn đầu tư vì khoản nợ hơn 1.400 tỷ đồng của Vinaxuki.
Điều này đã khiến doanh nghiệp này phải hoạt động cầm chừng rồi sau đó đóng cửa hoàn toàn.
Giấc mơ ô tô thương hiệu Việt của ông Huyên cũng dừng lại ở đó, khi các phương án tái cơ cấu nợ không được chấp thuận, các tài sản thế chấp bị ngân hàng bán nợ xấu, bán đấu giá để thu hồi vốn.
Năm 2015, Vinaxuki đã phải rao bán nhà máy ở Mê Linh để trả nợ, thậm chí bán phần lớn phế liệu, phụ tùng, máy móc để duy trì lương công nhân…
Năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thu hồi 26 ha đất cho thuê, đồng thời thông báo sẽ thu hồi đất theo quy định của pháp luật nếu công ty không tiếp tục đầu tư dự án phần đất còn lại.
Đến thời điểm hiện tại, Quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Thanh Hóa có thể xem là dấu chấm hết cho dự án đầy tham vọng của ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Vinaxuki, với mong muốn sản xuất ra những chiếc ô tô "made in Việt Nam" mang nhãn hiệu Vinaxuki.