Như Dân Việt đã đưa tin, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định 2194/QĐ-UBND, do Phó Chủ tịch Lê Đức Giang ký ban hành về việc thu hồi 456.344 m2 đất của Công ty TNHH Một thành viên Ô tô Vinaxuki Thanh Hóa tại các xã Đại Lộc, Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc và cho Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu thuê đất để tiếp tục sử dụng vào mục đích thực hiện dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng.
Đây là phần diện tích đất còn lại thuộc dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng, đã được Vinaxuki Thanh Hóa đầu tư xây dựng nhà xưởng và một số công trình trên đất như: 4 nhà xưởng, 1 nhà chuyên gia, 1 nhà bếp, 3 nhà bảo vệ…
Trước đó, vào năm 2017 Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thu hồi 26 ha đất cho thuê, đồng thời thông báo sẽ thu hồi đất theo quy định của pháp luật nếu công ty không tiếp tục đầu tư dự án phần đất còn lại.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch HÐQT Công ty Vinaxuki cho biết đến thời điểm hiện tại ông vẫn chưa nhận được văn bản thu hồi đất của Công ty TNHH Một thành viên Ô tô Vinaxuki Thanh Hóa do Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang ký ban hành.
Từ năm 2011, tôi đã nội địa hóa được 6 chiếc xe, 3 xe tải nội địa hóa trên 40%, ba xe con nếu ngân hàng không cắt vốn thì tôi cho xuất xưởng tỷ lệ nội địa hóa 50% vào năm 2012 rồi. Mà giá bán chỉ bằng 60% xe động cơ trên thị trường, thậm chí tôi lắp động cơ Nhật đàng hoàng.
Ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch HĐQT Vinaxuki
Liên quan đến số đất kể trên, ông Huyên chia sẻ thêm, theo luật đất đai, sau khi Vinaxuki trả tiền thuê đất trong vòng 20 ngày Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh Thanh Hóa để 5 năm mới cấp giấy tờ đất cho doanh nghiệp.
"Theo dự kiến, Vinaxuki sẽ xây dựng 5 nhà máy, doanh nghiệp đã xây dựng 1 nhà máy và chuẩn bị xây dựng nhà máy thứ 2. Nhưng do tỉnh chậm trễ trong việc cấp giấy tờ cho doanh nghiệp, nên ngân hàng cắt vốn tài trợ dự án mặc dù số dư nợ lúc đó tại ngân hàng mới chỉ bằng 23% vốn đầu tư. Trong khi các doanh nghiệp khác được vay tới 85% nguồn đầu tư dự án. Vì vậy ngân hàng không thể làm gì được", ông Huyên nói
Cũng theo vị này, bên thuê đất không phải là người đi giải phóng mặt bằng nhưng tỉnh Thanh Hóa cũng không giải phóng mặt bằng. "Tại Thanh Hóa, hiện Vinaxuki còn 240.000 m2, nông dân đã lấy tiền nhưng không chịu giao đất. Công nhân cán bộ của doanh nghiệp đến san lấp để xây dựng nhà máy thì bị người dân địa phương vác gậy, vác dao đuổi đánh, doanh nghiệp xây dựng thế nào được?", ông Huyên bày tỏ.
Được biết, dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Vinaxuki Thanh Hóa được cấp phép xây dựng từ năm 2010 với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 1.360 tỷ đồng.
Mục tiêu của nhà máy là sản xuất, lắp ráp ô tô tải có tải trọng từ 0,5 tấn đến 45 tấn, ô tô buýt từ 16 chỗ ngồi đến 100 chỗ ngồi; sản xuất phụ tùng ô tô các loại. Nhà máy khi đi vào hoạt động dự kiến sản xuất và lắp ráp 15.000 xe tải/năm, 400 xe buýt/năm.
Khi đi vào hoạt động, Nhà máy Vinaxuki kỳ vọng mỗi năm sẽ sản xuất ra 15.000 xe tải, 400 xe buýt và 75.000 tấn phụ tùng ô tô các loại.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm hoạt động, tới năm 2013, nhà máy bắt đầu ngưng trệ rồi bỏ hoang.