Dân Việt

"Không để vốn chết", ngân hàng rầm rộ rao bán nợ xấu cá nhân hàng chục tỷ

H.Anh 29/06/2021 08:16 GMT+7
Kể từ đầu tháng 6 tới nay, hàng loạt khoản nợ xấu của các khách hàng cá nhân đang được ngân hàng rầm rộ rao bán. Trong đó, nhiều khoản vay diễn ra từ năm 2011 đến nay sau 10 năm nợ gốc và lãi đã tăng gấp nhiều lần.

Ngân hàng rao bán nợ xấu của khách hàng cá nhân, tổng dư nợ hàng chục tỷ đồng

Đơn cử như khoản vay của khách hàng Nguyễn Gia Tuấn tại VietinBank Tây Hà Nội có tổng dư nợ (quy đổi ra VNĐ) tính đến ngày 24/5/2021 là 22,5 tỷ đồng.

Đây là khoản vay theo HĐTD số 01/HĐTD-NH/2011 ngày 12/5/2011, với số dư nợ gốc 4 tỷ đồng. Dự nợ lãi và lãi phạt lên tới 18,5 tỷ đồng.

Ngân hàng không cho biết giá bán/chuyển nhượng dự kiến, mà giá bán sẽ được xác định thông qua thỏa thuận.

Tài sản bảo đảm là căn hộ P212-CT5-ĐN2 Khu đô thị mới Mỹ Đình II, P. Mỹ Đình II, Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội. Căn hộ P212, tầng 2, thuộc chung cư 12 tầng, diện tích sử dụng riêng 92,19 m2. 

Nếu ước tính theo giá trị khoản nợ vay, để thu hồi 100% nợ gốc giá bán căn hộ kể trên vào khoảng 44 triệu đồng/m2 và để thu hồi cả lãi là 245 triệu đồng/m2.

"Không để vốn chết", ngân hàng rầm rộ rao bán nợ xấu cá nhân hàng chục tỷ - Ảnh 1.

Nhiều khoản vay cá nhân diễn ra từ năm 2011 đến nay sau 10 năm nợ gốc và lãi đã tăng gấp nhiều lần. (Ảnh: nld)

Khách hàng Đào Anh Tuấn hiện cũng đang ghi nhận khoản nợ gốc 5 tỷ đồng tại ngân hàng đang được rao bán. Nếu tính cả số dư nợ lãi, tổng giá trị khoản nợ này lên tới 14,6 tỷ đồng.

Trong đó, tài sản đảm bảo gồm toàn bộ thửa đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 73, tờ bản đồ số 41 tại địa chỉ: tổ 62 xóm Sở, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội – thuộc quyền sở hữu và sử dụng của ông Đào Anh Tuấn.

Vay 10 tỷ đồng từ tháng 7/2011, khách hàng Ngô Kiên Dương hiện tại ghi nhận tổng nợ gốc và lãi đã lên tới trên 28 tỷ đồng sau 10 năm.

Trong đó, nợ lãi trong hạn là 12,29 tỷ đồng và nợ lãi quá hạn là 5,77 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm cho khoản vay nói trên là 1 quyền sử dụng đất, gồm toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 5, tờ bản đồ số 8 tại địa chỉ: Xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội (nay là phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội). 

Trong đó, đất ở có diện tích sử dụng riêng là 478 m2. Tài sản gắn liền với đất là nhà cấp 4, diện tích xây dựng 74 m2.

Nếu ngân hàng muốn thu hồi 100% khoản nợ, giá đất tạm tính là 58,7 triệu đồng/m2. 

Trong khi đó, nếu bán đủ thu hồi số tiền gốc 10 tỷ đồng, giá đất trung bình khoảng 20,9 triệu đồng/m2.

VietinBank Hồng Bàng thông báo xử lý bán khoản nợ của khách hàng Trần Đình Dũng với tổng dư nợ tạm tính đến 31/5 là 5,7 tỷ đồng. 

Trong đó, nợ gốc: 3,68 tỷ đồng và nợ lãi cộng dồn (1,7 tỷ đồng); Nợ lãi phạt cộng dồn (261 triệu đồng); Nợ lãi thẻ tín dụng quốc tế (58 triệu đồng) và 200.000 đồng tiền phí.

Tài sản bảo đảm cho toàn bộ các khoản vay là toàn bộ giá trị quyền sử dụng 198 m2 đất và tài sản gắn liền với đất tại Tổ dân phố số 04, phường Đằng Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng với diện tích đất sử dụng riêng là 198 m2. 

Bình quân, đất và giá trị tài sản trên đất ước khoảng 18,6 triệu đồng/m2 nếu tính theo giá trị nợ gốc của khoản vay và lên tới 28,8 triệu đồng/m2 nếu tính cả nợ lãi và nợ lãi phạt.

Rao bán nợ xấu của khách hàng cá nhân, kích hoạt thị trường mua bán nợ

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhìn nhận việc các ngân hàng công khai bán nợ khách hàng cá nhân cho thấy tín hiệu thị trường mua bán nợ của Việt Nam bắt đầu hình thành. Đây là tín hiệu tốt bởi các tổ chức tín dụng phải tính toán bán đi các khoản nợ xấu nhằm đảm bảo đồng vốn hoạt động chứ "không thể để vốn chết".

Trên thực tế, thời gian qua các ngân hàng Không chỉ rao bán các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo, đã có ngân hàng rao bán các khoản nợ xấu cho vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm với giá chỉ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng…

Việc ngân hàng rao bán các khoản nợ khó đòi này là cần thiết nhằm đảm bảo đồng vốn hoạt động thay vì phải mất công theo dõi, quản lý và tổ chức nhân lực cho việc đòi nợ với hiệu quả không cao.

"Không để vốn chết", ngân hàng rầm rộ rao bán nợ xấu cá nhân hàng chục tỷ - Ảnh 3.

Thị trường mua bán nợ của Việt Nam bắt đầu hình thành. (Ảnh: SSB)

Đề cập về xử lý thu hồi nợ xấu, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP OCB cho hay, việc thu nợ của ngân hàng gặp khá nhiều khó khăn trong thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

"Hiện tại, các cán bộ đi thu nợ ở một số tỉnh phải quay về và hối thúc việc trả nợ qua điện thoại. Nhiều khách hàng có ý thức trả nợ tốt, nhưng cũng có khách hàng không trả được nợ. Trong số đó, có những cá nhân, doanh nghiệp đang thực sự rất khó khăn, không thể trả được nợ, song cũng không loại trừ những trường hợp cố tình chây ỳ. Nhìn chung, ngân hàng sẽ chịu áp lực lớn về nợ xấu và thu hồi nợ trong thời gian tới", ông Tùng chia sẻ.

Để thúc đẩy thu hồi nợ xấu, các ngân hàng có nhiều biện pháp để thu hồi nợ xấu. Căn cứ vào nguồn lực, tính chất của các khoản nợ, ngân hàng sẽ lựa chọn biện pháp thu nợ phù hợp. 

Trong đó, việc rao bán nợ của khách hàng cá nhân hay nợ vay tiêu dùng được chào bán công khai thời gian gần đây nhằm xóa đi tâm lý "cứ khoản nợ lớn, có tài sản đảm bảo thì ngân hàng mới thanh lý". Đây được xem như bước thử nghiệm để kích hoạt thị trường mua bán nợ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ngân hàng phải đưa ra tỉ lệ thu hợp lý khi bán các khoản nợ không có tài sản đảm bảo hay các khoản nợ cá nhân có tổng dư nợ lên tới hàng chục tỷ, thay vì thu đúng thu đủ nợ gốc và lãi.

"Việc bán các khoản nợ là hoạt động bình thường của ngân hàng để thu hồi nợ. Tuy nhiên, ngân hàng khó có thể thu đủ nợ gốc và lãi, mà khoản thu về bao giờ cũng thấp hơn giá trị khoản vay được rao bán. Thực tế cũng cho thấy, trong các khoản nợ kể trên nhiều khoản nợ rao bán tới lần thứ 2 thứ 3 vẫn chưa bán được. Ngược lại, nếu rao bán thành công mức giá thỏa thuận có khi chưa bằng 50% dư nợ", TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng đề cập.