Dân Việt

Những người tình nguyện nhặt hàng chục nghìn xác thai nhi về chôn cất

Văn Hòa 29/06/2021 19:18 GMT+7
Hơn 30 năm qua, các tình nguyện viên trong nhóm thiện nguyện “Bảo vệ sự sống” ở Thừa Thiên Huế đã lượm lặt, chôn cất hơn 46.000 thai nhi bị tước bỏ sự sống.

Cái duyên đã đưa bà Nguyễn Ái, trước là nữ hộ sinh ở Bệnh viện Trung ương Huế, hiện là trưởng nhóm thiện nguyện "Bảo vệ sự sống" ở Huế, gắn bó hơn nửa đời mình với những sinh linh nhỏ bé, vô tội. 

Bà Ái kể, những năm 1990, các tình nguyện viên tham gia một cách riêng lẻ, hoạt động chủ yếu là giúp đỡ các bà mẹ đơn thân không phá thai, nuôi dưỡng, chăm sóc miễn phí họ tại các mái ấm. Số trường hợp được cưu mang, nuôi dưỡng lên đến hơn 1.500 người.

Những người tình nguyện nhặt hàng chục nghìn xác thai nhi về chôn cất - Ảnh 1.

Các thành viên nhóm "Bảo vệ sự sống" chôn cất các thai nhi được mới nhận về. Ảnh: Văn Hòa.

Chứng kiến nhiều thai nhi bị nạo phá, vứt bỏ, từ năm 1992, các tình nguyện viên bắt đầu lượm lặt thai nhi ở bệnh viện và các phòng khám sản khoa đem chôn cất, sau này thành lập tên nhóm là "Bảo vệ sự sống".  

Bà Ái chia sẻ: "Trong những năm đầu, mỗi năm nhóm nhặt và chôn cất khoảng 2.000 thai nhi.  Dù chỉ với 15 đến 20 thành viên, nhưng hơn 30 năm qua, nhóm đã chôn cất tới hơn 46.000 thai nhi. Thời gian đầu hoạt động, do không có hòm, tiểu quách để chôn cất, các thành viên phải đi xin các hộp giấy ở các quầy thuốc tây để đặt các thai nhi vào đó. Sau này, các thai nhi được chôn cất đàng hoàng hơn".

Mỗi thành viên tham gia vào một công đoạn. Trong đó, một số thành viên được giao nhiệm vụ liên hệ với các phòng khám để nhận thai nhi, nhặt các thai nhi bị vứt bỏ. Người thì chuyên khâm liệm, cố gắng để thai nhi được mai táng sớm thay vì giữ trong tủ đông chờ gom đủ số lượng.

Những người lượm lặt, chôn cất hàng chục nghìn thai nhi bị vứt bỏ  - Ảnh 2.

Nghĩa trang Ngọc Hồ (phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế)- là nơi nhóm "Bảo vệ sự sống" chôn cất các thai nhi bị phá bỏ. Ảnh: Văn Hòa.

Ông Trương Văn Thắng (70 tuổi) đã tham gia nhóm được gần 20 năm nay cho rằng, mỗi ngôi mộ thai nhi là một bài học để thế hệ sau nhận ra những sai lầm, qua đó góp phần ngăn chặn nạn phá thai. Ông Thắng cũng nhắn nhủ đến các bạn trẻ rằng trong tình yêu đừng vượt quá giới hạn, đừng vì ích kỷ mà vứt bỏ máu mủ của mình.

Ngồi bên một ngôi mộ nhỏ được chôn cất từ năm 2004 ở nghĩa trang Ngọc Hồ (phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế), ông Thắng buồn nói: "Thai nhi này bị phá bỏ vì bố cháu bé bỏ mẹ cháu để cưới người khác. Vì mẹ hận tình mà giờ đây cháu phải chung số phận với hàng nghìn thai nhi ở đây. Rồi từ những cuộc tình tan vỡ mà các thai nhi vô tội trở thành nạn nhân.…".

Các thành viên trong nhóm "Bảo vệ sự sống" chia sẻ rằng, hạnh phúc của họ không phải là chôn cất được nhiều thai nhi mà là qua việc làm của họ sẽ giúp bảo vệ được nhiều thai nhi đang ở trong bụng mẹ. Họ mong ước không còn xảy ra tình trạng thai nhi bị phá bỏ.

Từ một viên chức nhà nước, ông Trình đã chọn nghỉ hưu sớm để làm thêm nghề xe ôm- cái nghề được tự do về thời gian giúp ông có điều kiện tham gia nhóm "Bảo vệ sự sống". Các thành viên khác trong nhóm cũng thế, họ lựa chọn những công việc có nhiều thời gian tự do để bất cứ khi nào có thai nhi bị phá bỏ, họ đều sẵn sàng chung tay chôn cất.

 "Nhiều người biện minh rằng bào thai chưa sinh ra thì chưa là con người, đó chỉ là cái cớ cho việc nạo phá thai. Xót xa cho những thai nhi không thể chào đời chỉ vì sai lầm của những người là bố mẹ các cháu", bà Hồ Thị Thu Hồng- thành viên lâu năm của nhóm "Bảo vệ sự sống" tâm sự.