Dân Việt

Thảm cảnh tàu triệu đô trên vịnh Hạ Long (kỳ 3): Gánh nợ ngân hàng, chủ tàu rơi nước mắt

Nguyễn Quý 02/07/2021 06:11 GMT+7
Nhiều chủ tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long đã không cầm được nước mắt khi bày tỏ về tình cảnh khốn khó của mình.

Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch có liên quan tới lĩnh vực ngân hàng, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (tổ chức mới đây tại Quảng Ninh), nhiều chủ tàu đã đề xuất được ngân hàng "gỡ thòng lọng"...

"Chuyển từ nhảy nhóm nợ sang… nhảy cầu"

Đó là lời than của nhiều chủ tàu du lịch khi nói về tình cảnh hiện tại phải gánh món nợ lớn từ việc vay ngân hàng để đóng tàu. Họ là những người đã hoặc đang có nguy cơ phải chịu chính sách "nhảy nhóm nợ" từ phía ngân hàng, để trở thành đối tượng "nợ xấu". Gánh nặng trả gốc, lãi ngân hàng trên vai trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, không có nguồn thu mà vẫn phải chi tiền phí bến cảng, tiền bảo vệ, bảo trì tàu, tiền lương và các khoản bảo hiểm cho thuyền viên… khiến hầu hết chủ tàu bị kiệt quệ.

Thảm cảnh tàu triệu đô trên vịnh Hạ Long (kỳ 3): Gánh nợ ngân hàng, chủ tàu rơi nước mắt - Ảnh 1.

Một con tàu du lịch đã được chủ tàu tạm dừng đóng từ khá lâu, vẫn nằm tại Công ty đóng tàu Hạ Long. Ảnh: N.Q

"Thực sự đã có rất nhiều giọt nước mắt rơi, tại hội nghị này cũng như trong những buổi gặp gỡ của Chi hội. Nhưng khóc rồi thì vẫn phải đứng dậy và tìm cách trả nợ. Vấn đề của chúng ta là kiến nghị và cùng Chính phủ, ngành, địa phương... tìm ra giải pháp cụ thể".

Ông Đào Mạnh Lượng

Ông Đào Mạnh Lượng - Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long, than vãn: "Chính tôi hiện tại đã nằm trong nhóm nợ xấu, dù đã trình đơn lên ngân hàng nhưng không được giải quyết".

Theo ông Lượng, gia đình ông đã phải bán tống tháo nhiều tài sản giá trị để tất toán, do bất đồng với chính sách "không khoan nhượng" của ngân hàng. Tuy nhiên bản thân ông còn có tài sản khác để bán đi trả nợ cho ngân hàng, còn nhiều chủ tàu khác đã dồn toàn lực mua sắm tàu, không còn tài sản gì để có thể bán đi, hòng thoát cảnh nợ nần.

Tàu phục vụ khách du lịch theo giờ, trị giá đầu tư cũng từ 5-10 tỷ đồng. Mỗi con tàu hạng sang phục vụ nghỉ đêm trên vịnh có giá đầu tư trên dưới 100 tỷ đồng, tàu rẻ nhất cũng có giá từ 20-30 tỷ đồng. Những con tàu này trước đây hầu hết chỉ phục vụ khách nước ngoài, nhưng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020, chủ tàu phải chấp nhận hạ giá vé để phục vụ khách trong nước, tuy nhiên cũng chỉ hoạt động trong thời gian rất ngắn, gián đoạn, số lượng khách nhỏ lẻ.

Dịch Covid-19 liên tiếp trở lại khiến 504 con tàu hoạt động dịch vụ đưa khách tham quan vịnh Hạ Long chỉ chạy được vài chuyến rồi nằm bờ, để lại món nợ ngân hàng, khiến những ông chủ tàu mạnh tay một thời, nay trở thành những đối tượng "nợ xấu".

Ông B.L - chủ một hãng tàu lớn (xin giấu tên) cay đắng: "Chúng tôi không thể tiên lượng được mức độ thiệt hại ghê gớm như vậy. Bản thân tôi đã phải vay cả lãi ngày bên ngoài để trả lãi ngân hàng. Đến nay chỉ thiếu nước đi nhảy cầu Bãi Cháy tự tử!".

Bà Nguyễn Thị Hằng - chủ hãng tàu du lịch Hoàng Phương, đã phải bật khóc tại hội nghị, khi chia sẻ câu chuyện về việc bà phải ký vào giấy nhận nợ khi vay lãi bên ngoài; vợ chồng mâu thuẫn; các con cháu cùng làm việc trên các con tàu rơi vào cảnh thất nghiệp, không có thu nhập nuôi gia đình…

Tương tự, chị Đỗ Thị Nga - một hộ kinh doanh cá thể - vay vốn tại Ngân hàng M, nức nở: Cứ mỗi lần thấy có cuộc gọi của ngân hàng, tôi lại giật mình thon thót, rồi cả tuần mất ngủ. Mỗi tháng tôi phải trả gốc, lãi 120 triệu đồng, đến hết ngày 31/12/2021 sẽ là 150 triệu đồng/tháng, chúng tôi chưa biết lấy nguồn ở đâu để chi trả.

Nhiều chủ tàu khác chia sẻ những câu chuyện đau lòng của gia đình, như từ một gia đình khấm khá, 2 vợ chồng sử dụng 2 xe ôtô, nay phải bán hết để trang trải khi con tàu nằm bờ, không có nguồn thu nhập; có gia đình vay tiền của 2 bên nội ngoại, nay không thể trả dẫn tới cảnh anh em, họ hàng mâu thuẫn…

Giải pháp nào cứu chủ tàu?

Giải pháp mà ông B.L đưa ra là: Đối với khoản vay ngắn hạn, kiến nghị chuyển đổi thành khoản vay trung hạn. Đối với các khoản vay trung hạn, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài và chưa có dấu hiệu giảm, ngân hàng tạm dừng thu các khoản gốc, lãi vay đến hạn thanh toán của tất cả khoản vay trong thời gian dịch Covid-19 và sau 12 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.

Đối với khoản tín dụng phục vụ cho phục hồi sản xuất kinh doanh, sau khi Thủ tướng chính phủ công bố hết dịch, công ty cần một nguồn tiền để tái khởi động nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19, ngân hàng cấp cho công ty 1 khoản tín chấp ưu đãi, đơn giản trong cơ chế giải ngân.

Đối với lãi suất vay, trước và sau 1 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19, ngân hàng cần ban hành chính sách giảm lãi suất cho các khoản đã vay về mức tối đa.

Ông Phạm Thanh Chiến - chủ một hãng tàu kinh doanh dịch vụ nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, cho biết, hiện tại, công ty ông sở hữu 2 tàu ngủ đêm. Một tàu quy mô 46 phòng ngủ với tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng, dư nợ vay ngân hàng hiện tại 68 tỷ đồng. Một tàu quy mô 30 phòng ngủ, tổng vốn đầu tư 45 tỷ đồng, dư nợ vay ngân hàng hiện tại 20 tỷ đồng. Ông Chiến kiến nghị, đối với món vay hoàn thiện tàu dở dang giải ngân sau ngày 23/1/2020 đến thời gian sau 3 tháng Chính chủ tuyên bố hết dịch sẽ được cơ cấu giống các món đã vay và giải ngân trước đó.

Ông Chiến cũng xin được cơ cấu món vay lưu động, giảm lãi vay cho các khoản vay của doanh nghiệp. Ngoài ra, ông cũng xin được cơ cấu trong thời điểm dịch Covid -19 diễn ra và được cơ cấu thêm 2 năm từ thời điểm Chính phủ tuyên bố hết dịch đối với các khoản vay của tàu đang hoạt động và tàu đang hoàn thiện dở dang.