Các sàn thương mại điện tử, ứng dụng gọi xe công nghệ đang "chia lửa" với siêu thị trong việc cung ứng và vận chuyển thực phẩm, hàng hóa thiết yếu khi TP.HCM kéo dài thời gian giãn cách xã hội.
Nhu cầu đi siêu thị tại nhà của người dân TP.HCM trong tháng 6 tăng vọt, do TP giãn cách xã hội và tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Một số hệ thống siêu thị ghi nhận tình trạng quá tải, hàng đến tay người tiêu dùng chậm hơn nên nhiều người đã chủ động mua qua các sàn thương mại điện tử.
Ghi nhận cho thấy, Tiki, Lazada, Shopee… cũng đều tăng cường nhóm hàng thực phẩm từ rau củ quả, thịt cá đến nhóm hàng thiết yếu như gạo, mì, bún miến. Số lượng hàng hóa, thương hiệu cũng dồi dào hơn trước.
"Trước đây, tôi chỉ lên các trang này săn hàng sale off (giảm giá) nhưng gần đây thấy không khác gì một siêu thị, hàng nào cũng có, thương hiệu nào cũng có nên rất dễ chọn. Thịt cá mua online được luôn. Mua trên các sàn còn được khuyến mãi, giảm giá chồng giảm giá, mua nhiều miễn phí vận chuyển nên rất tiện, không phải đi ra ngoài", chị Ngọc Thuận (TP Thủ Đức) cho hay.
Kết quả cập nhật tình hình kinh doanh của các sàn thương mại điện tử cũng cho thấy sức mua thực phẩm và hàng hóa thiết yếu trong tháng 6 tăng vọt.
Theo đại diện Lazada, riêng tháng 6, số lượng người mua và sức mua mỗi ngày ở ngành hàng tươi sống đều tăng gần 70%. Xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trải dài khắp các mặt hàng từ rau củ, thịt cá và trái cây tươi, đặc biệt là nho, táo, vải thiều.
Cuối tháng 5 và suốt tháng 6, sàn này bán được hơn 12 tấn thịt gà, 7 tấn thịt heo và 6 tấn trái cây. Đáng chú ý, khi chạy chương trình khuyến mãi, thực phẩm và trái cây bán ra tăng mạnh.
Sau một tháng kể từ khi dịch bùng phát, xu hướng mua sắm hàng hóa có nhiều thay đổi. Ngành hàng thời trang, đồ dùng gia đình là những sản phẩm bán chạy trước đây nhưng với tiềm năng của ngành thực phẩm, Lazada hợp tác với gần 40 nhà bán hàng, nhãn hàng tươi sống trên toàn quốc để đáp ứng nhu cầu.
Sàn Tiki cũng ghi nhận hàng bách hoá bán ra tăng mạnh. Số lượng đơn hàng của ngành hàng thực phẩm tươi sống đạt mức tăng trưởng gấp 2 lần so với thời gian trước giãn cách. Sàn này cũng có nhiều ưu đãi cho khách hàng sắm hàng thực phẩm, nhận hàng chỉ 2h kể từ khi đặt thành công.
Trang thương mại điện tử của Bách Hóa Xanh cũng tăng trưởng mạnh mẽ về cả số lượng đơn hàng và doanh thu đóng góp. Tính chung 5 tháng đầu năm, số lượng đơn Bách Hóa Xanh online tăng gấp gần 5 lần, giá trị giao dịch tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đại diện doanh nghiệp cũng xác nhận kể từ khi TP.HCM giãn cách xã hội, lượng đơn hàng online tăng cao kỷ lục, thậm chí không kịp giao cho khách.
Không chỉ sàn thương mại điện tử, dịch vụ đi chợ hộ của các ứng dụng gọi xe công nghệ cũng đắt khách chưa từng thấy, khi nhu cầu mua sắm tại nhà tăng cao trong lúc TP.HCM giãn cách xã hội.
Phía Grab cho biết dịch vụ đi chợ hộ GrabMart tăng trong thời gian giãn cách xã hội. Thống kê của Grab cũng cho thấy từ ngày 30/5 đến nay, những sản phẩm được mua nhiều nhất thông qua đi chợ hộ là mì ăn liền, sữa, thịt heo, nho không hạt và sầu riêng.
Đại diện Be Group - đơn vị vận hành ứng dụng gọi xe Be cho biết: Dịch vụ giao hàng beDelivery đang tăng trưởng nhanh, trung bình mỗi tháng dịch vụ này tăng trưởng 15-20%, và tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ 2020.
Theo vị này, giải pháp giao hàng đa đơn, đa điểm được Be áp dụng từ cuối 2020 đang phát huy tác dụng. Theo đó, không ghép đơn giao hàng của nhiều chủ cửa hàng với nhau, nhưng cho phép mỗi chủ shop đặt 10 điểm giao trong cùng một đơn hàng, và song song được đặt nhiều đơn hàng cùng lúc.
"Cách lên đơn này giúp chủ cửa hàng dễ dàng theo dõi lộ trình và tối ưu hóa chi phí", đại diện Be nói và cho biết để hỗ trợ khách hàng, ứng dụng đang có chương trình ưu đãi phí giao hàng lên đến 50% cho khách hàng mới, chủ cửa hàng cũng được giảm phí đến 30%.
Ghi nhận cũng cho thấy, các cửa hàng tiện lợi, thực phẩm tiện lợi cũng đã xuất hiện trên các ứng dụng như Baemin, Now… để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Một nữ nhân viên cửa hàng Circle K trên đường Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh) cho hay tài xế các ứng dụng công nghệ đến lấy hàng giao cho khách rất nhiều. "Từ trước đến nay đã có dịch vụ đi chợ hộ này nhưng ít người sử dụng, Covid-19 nên nhiều người dùng hơn, tài xế ra vào liên tục", cô nói.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM phức tạp, nhiều siêu thị liên tục bị "gọi tên" do có ca mắc Covid-19 đến mua sắm, Sở Công Thương TP khuyến khích người dân mua hàng trực tuyến thay vì tập trung đông người gây nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Đồng thời, Sở cũng đề nghị các sàn thương mại điện tử ưu tiên hiển thị nhu yếu phẩm và sản phẩm phòng dịch để người dân dễ tiếp cận.