Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Trung bình, mỗi ngày có khoảng 400 doanh nghiệp phải "bỏ cuộc chơi". Thậm chí, số lượng doanh nghiệp kêu cứu, đứng trước nguy cơ phá sản ngày một tăng cao.
Chẳng hạn như trong lĩnh vực du lịch, ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) cho hay, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Bởi từ khi Covid-19 xảy ra, Nha Trang vắng bóng khách du lịch, 95% khách sạn đóng cửa, 5% còn lại hoạt động chủ yếu là đăng ký làm cơ sở cách ly. Tình cảnh của hầu hết doanh nghiệp du lịch rất bi đát.
"Với tình hình hiện tại, các doanh nhân là chủ công ty du lịch đều có khả năng biến thành con nợ. Chúng tôi mong muốn ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 tiếp cận vốn vay không lãi suất, được khoanh nợ, giảm lãi với khoản vay hiện hữu", ông Vinh đề xuất.
Trước đó, theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, tình cảnh ngành du lịch TP.HCM rơi vào trạng thái gần như tê liệt cả năm nay, không có doanh thu, trong khi áp lực trả nợ ngân hàng vẫn rất lớn.
Năm 2020, chỉ có 10/50 DN lữ hành ở TP.HCM được giảm lãi suất cho vay theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Dù Thông tư 03/2021/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 01) của Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu kéo dài thời hạn trả nợ thêm 12 tháng, song vẫn chưa thể giải quyết được khó khăn của ngành du lịch và các ngành liên quan như vận tải.
Do đó, Hiệp hội Du lịch TP.HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan đưa ra cơ chế vay đặc thù như cơ chế ân hạn gốc và lãi với toàn bộ dư nợ hiện hữu, đồng thời, giảm mức lãi suất vay đang áp dụng, không áp dụng chuyển nhóm nợ đối với doanh nghiệp lĩnh vực này.
Hiệp hội cũng đề xuất thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kể cả trường hợp gia hạn nợ là 24 tháng, kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả.
Tương tự, trong lĩnh vực vận tải, dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 ở nhiều tỉnh thành khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vận tải taxi lâm vào khốn khó. Lượng hành khách giảm đến 80-90% dẫn đến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, đời sống người lao động lao đao, không có thu nhập. Hàng loạt doanh nghiệp taxi đứng trước nguy cơ phá sản, nợ xấu tăng cao.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Thiên Thảo Nguyên chuyên về vận tải du lịch chia sẻ, 2 năm nay, hàng trăm xe du lịch đắp chiếu vì Covid-19.
"Từ năm 2020 đến tháng 5/2021, doanh nghiệp gồng mình trả lãi ngân hàng cả gốc và lãi đúng hạn. Thậm chí, có thời điểm, doanh nghiệp phải đi vay bên ngoài lãi cao để trả ngân hàng, tránh bị chuyển sang nhóm nợ xấu. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, doanh nghiệp thực sự đã kiệt sức", ông Tùng nói.
Không chỉ mong muốn được Chính phủ cho phép khoanh nợ, doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận với các khoản vay hỗ trợ để có thể phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do cạn kiệt tài sản đảm bảo khiến doanh nghiệp khó tiếp cận gói vay mới dù lãi suất thấp.
"Doanh nghiệp vận tải du lịch như chúng tôi mong được hỗ trợ vay tín chấp từ 500 triệu đồng đến 10 tỷ đồng theo quy mô của doanh nghiệp. Chúng tôi cần khoản vay mới để hỗ trợ người lao động nghỉ dịch. Covid-19 bùng phát lần thứ 1, 2, 3, chúng tôi đã sử dụng hết tài sản, đợt Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, chúng tôi lực bất tòng tâm…", ông Tùng nói.
Thừa nhận, lãi suất cho vay chưa bao giờ thấp như hiện nay song, bà Trịnh Thị Ngân – Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa TP.Hà Nội đánh giá, cơ hội vay phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn rất khó.
"Ngoài ra, việc tiếp cận vốn đối với các doanh nghiệp nhỏ cũng rất khó khăn vì đòi hỏi tài sản thế chấp, trong khi họ chỉ có một số tài sản rất nhỏ, chỉ đi vay được khoản ban đầu, đã đọng vốn rồi thì giai đoạn vay tiếp theo sẽ rất khó", đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa cho hay.
Bà Ngân đề nghị các ngân hàng có chính sách "nợ" dài hạn hơn để các doanh nghiệp có cơ hội phục hồi bởi ví dụ như ngành du lịch độ trễ phục hồi phải 1-2 năm, sang năm 2022 họ mới bắt đầu hồi lại được.
Để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp kịp thời để đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Mới đây nhất, trong buổi họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2021, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, tuy dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành Ngân hàng nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn đặt mục tiêu hỗ trợ vốn, duy trì sự ổn định, hạn chế thấp nhất sự đổ vỡ hay rút khỏi thị trường của doanh nghiệp.
Minh chứng là lãi suất cơ bản được điều hành linh hoạt trên nền tảng 3 lần giảm lãi suất trong năm 2020, lãi suất trong 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì ở mức thấp. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của ngân hàng, số lượng doanh nghiệp gửi đơn đến ngân hàng xin được giảm lãi vay và khoanh nợ rất lớn. Vì vậy, ngân hàng thương mại cũng "sốt ruột" không kém doanh nghiệp.
Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) chia sẻ, với lĩnh vực lưu trú, lữ hành, vận tải, Quốc hội và Chính phủ đã có hẳn Nghị quyết cho Vietnam Airlines, song với các doanh nghiệp khác thì chưa có giải pháp tháo gỡ. Thông tư 03 mặc dù rất cần thiết cho doanh nghiệp, song thời hạn áp dụng chỉ 12 tháng là chưa đủ để các doanh nghiệp phục hồi, nhất là khi Covid-19 chưa biết bao giờ mới kết thúc.
Thực tế, Thông tư 01 và Thông tư 03 đã "cấp cứu" kịp thời cho doanh nghiệp, song thời hạn ngắn. Hơn nữa, nguồn lực thực hiện 2 thông tư trên lại chính là nguồn lợi nhuận của các ngân hàng thương mại, tức ngân hàng chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đây chỉ là cách làm tạm thời.
Về lâu dài, các ngân hàng chỉ dám yên tâm cho vay mới nếu các doanh nghiệp này được khoanh nợ. Thế nhưng, cơ chế khoanh nợ lại không nằm trong tay các ngân hàng mà phải có chủ trương, chính sách của Chính phủ.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, nếu dịch bệnh kéo dài, thì một mình ngân hàng không thể "gánh" được, mà đòi hỏi phải có nguồn lực ngân sách.
"Muốn vậy, Chính phủ cần ban hành một Nghị định cho phép ngân hàng được khoanh nợ các khoản vay thuộc đối tượng áp dụng tại Thông tư 01, nay là Thông tư 03. Cách làm giống như Chính phủ đã cho phép khoanh nợ với rủi ro thiên tai dịch bệnh với lĩnh vực nông nghiệp (Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn)" – ông Hùng kiến nghị.