Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Fecon (HoSE: FCN), năm 2020, việc kinh doanh của Fecon đã đạt 3.154 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, 133,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất; 2.006 tỷ đồng doanh thu công ty mẹ, 81,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ.
Kết quả của Fecon thu về từ doanh số kí hợp đồng của Fecon đạt mức kỉ lục, khoảng 6.000 tỷ đồng. Trong đó, mảng kinh doanh chiến lược là xây dựng công nghiệp (dự án năng lượng tái tạo) đã ghi nhận nhiều thành tựu như: trúng thầu các dự án điện gió BT Quảng Bình, điện gió Thái Hòa, điện gió Trà Vinh V1.3, điện gió Quốc Vinh - Sóc Trăng. Riêng giá trị hợp đồng kí mới đã đạt trên 2.000 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT Fecon Phạm Việt Khoa cho biết, thị trường xây dựng năm 2020 có sự cạnh tranh rất khốc liệt, để giữ được doanh thu, công ty đã chấp nhận giảm tỷ suất lợi nhuận của các dự án, điển hình là các dự án ở phía Nam.
Giải trình chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa đạt kế hoạch, Fecon cho biết do còn do thiếu hụt đóng góp của mảng đầu tư. Công tác đầu tư, thoái vốn chưa kịp hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, năm 2020, Fecon cũng có thành tựu trong việc đầu tư các dự án năng lượng tại các tỉnh Bình Thuận, Gia Lai, Bà Rịa – Vũng Tàu…; các dự án bất động sản công nghiệp tại Thái Nguyên, Bắc Giang…; các dự án hạ tầng đô thị tại Hưng Yên, Đồng Tháp…
Năm 2020, Fecon phát hành trái phiếu đợt 1 thành công 50 tỷ đồng (bằng 1/3 tổng giá trị phát hành). Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản, kỳ hạn 18 tháng, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu.
Đợt 2, Fecon phát hành thành công 80 tỷ đồng trái phiếu (bằng 100% tổng giá trị phát hành). Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản, kỳ hạn 18 tháng, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu.
Năm 2021, Fecon đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 3.900 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 175 tỷ đồng, tăng lần lượt 24% và 31% so với năm 2020.
Mục tiêu doanh thu công ty mẹ năm 2021 là 2.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 175 tỷ đồng, tăng lần lượt 30% và 4% so với thực hiện năm 2020.
Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2021 như sau: trích quỹ khen thưởng, phúc lợi không quá 15% lợi nhuận sau thuế công ty mẹ, cổ tức không quá 10% vốn điều lệ (bằng tiền).
Về kế hoạch đầu tư, Fecon dự kiến đầu tư các dự án năng lượng 230 tỷ đồng, chi phí dự án hạ tầng giao thông 20 tỷ đồng, chi phí dự án hạ tầng bất động sản đô thị 60 tỷ đồng, chi phí dự án hạ tầng khu công nghiệp 30 tỷ đồng.
Trao đổi với các cổ đông về việc "bắt tay" với các nhà đầu tư, Chủ tịch HĐQT Fecon Phạm Việt Khoa tiết lộ, năm 2020 (và 2 năm trước đó) Fecon đã có nghị quyết phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nhưng không thực hiện được. Nguyên do là tình hình thị trường chứng khoán rất bất lợi cho các doanh nghiệp xây lắp như Fecon.
Về việc chào bán cổ phiếu, Fecon đã có những cơ hội tiếp xúc với các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc. Tại thời điểm diễn ra đại hội cổ đông năm 2020, Fecon đã đàm phán rất sát với nhà đầu tư Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau đại hội, Fecon có nhận được những thông tin không tích cực về công ty này. Để tránh xung đột quyền lợi, cũng như các vấn đề nhạy cảm biên giới hải đảo, Fecon quyết định không đàm phán tiếp.
Ngay sau đó, Fecon đã làm việc tích cực với các nhà đầu tư từ Singapore, Nhật Bản và kể cả nhà đầu tư Việt Nam. Ở thời điêm này, Fecon đang ở vòng cuối cùng, đàm phán với nhà đầu tư các nước G7 và Việt Nam.
Hiện nay có 2 nhà đầu tư đã vào rất sát, đang đàm phán điều khoản cuối cùng, trong đó có điều khoản giá mua. Chúng ta biết rằng giá mua thông qua là tại đại hội trước là 15.000 đồng/cổ phiếu, nhưng thị trường năm vừa rồi rất xấu nên cổ phiếu ngành xây dựng đều giảm. Fecon cũng giảm, có lúc xuống dưới mệnh.
"Do vậy, lần này, HĐQT căn cứ kết quả đàm phán vòng cuối cùng, đã trình ĐHCĐ giá chào bán 13.000 đồng/cổ phàn. Chúng tôi mong cổ đông thông qua để công ty kí hợp đồng với nhà đầu tư, huy động được nguồn vốn để thực hiện kế hoạch kinh doanh đầu tư", chủ tịch Fecon cho biết.
Cụ thể, Fecon dự kiến phát hành 32 triệu cổ phiếu, giá trị phát hành 13.000 đồng/cổ phần, giá trị chào bán dự kiến là 416 tỷ đồng. Nếu thành công, vốn điều lệ dự kiến tăng lên 1.574 tỷ đồng.
Mục đích phát hành là tài trợ cho việc phát triển và triển khai các dự án sắp tới, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo và môi trường, bổ sung vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tăng doanh thu và lợi nhuận.
Trong trường hợp nhà đầu tư không mua hết cổ phiếu dự kiến chào bán, đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho HĐQT tiếp tục tìm kiếm và phân phối số lượng cổ phiếu dư thừa này.
HĐQT Fecon cũng trình đại hội cổ đông thông qua việc nhà đầu tư tham gia đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai trong trường hợp số cổ phiếu mà nhà đầu tư mua vượt quá quy định về chào mua công khai.
Toàn bộ số cổ phần phát hành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 100% trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2021, nhưng thời điểm cụ thể sẽ được quyết định sau khi có sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.