Dân Việt

Quy hoạch điện VIII tiếp tục “lỡ hẹn” lịch trình Chính phủ

Thanh Phong 02/07/2021 16:59 GMT+7
Hiện tại, Đề án Quy hoạch điện VIII tiếp tục “lỡ hẹn” khi chưa thể trình Chính phủ trước ngày 15/6 theo yêu cầu của Phó thủ tướng Lê Văn Thành.

Nói về nguyên nhân tình trạng trên, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), đơn vị được giao chủ trì lập Đề án Quy hoạch điện VIII, cho biết hiện vẫn chưa thể trình đề án lên Chính phủ do "phải tính toán nhiều phương án quá".

Theo đó, trong thời gian tới, sau khi hoàn thành báo cáo, đơn vị này sẽ trình lãnh đạo Bộ Công Thương thông qua để lấy ý kiến các bộ, ngành và trình Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo, rà soát kỹ nội dung quy hoạch điện VIII, bao gồm giá điện, cơ cấu nguồn điện.

Theo nội dung chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị việc rà soát quy hoạch điện VIII phải bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đặt lợi ích quốc gia và dân tộc lên trên hết.

Quy hoạch điện VIII tiếp tục “lỡ hẹn” lịch trình Chính phủ - Ảnh 1.

Quy hoạch điện VIII vẫn chưa được Bộ Công Thương trình Chính phủ trong tháng 6/2021. (Ảnh: EVN)

Trong đó, đặc biệt chú ý đến chống tiêu cực trong xây dựng chính sách. Thủ tướng nhấn mạnh ai vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.

Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị chức năng cần lưu ý nghiên cứu, phân tích kỹ về giá điện, việc cân đối hợp lý về cơ cấu các nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo) và bảo đảm sự phù hợp giữa các vùng miền, tránh để lãng phí nguồn lực xã hội.

Được biết, Dự thảo đề án Quy hoạch điện VIII do Bộ Công Thương công bố lấy ý kiến, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam cần khoảng 128,3 tỷ USD vốn đầu tư để phát triển điện lực.

Cũng theo dự thảo, dự kiến tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2 GW (trong đó nhiệt điện than là 27%; nhiệt điện khí 21%; thủy điện 18%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác 29%, nhập khẩu khoảng gần 4%; thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng gần 1%).

Đến năm 2045 tổng công suất đặt của nguồn điện đạt gần 276,7 GW (trong đó nhiệt điện than là 18%; nhiệt điện khí 24%; thủy điện 9%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác trên 44%, nhập khẩu khoảng gần 2%; thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng 3%).

Cơ cấu nguồn điện cho thấy quy hoạch điện VIII khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện), từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. Đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển của trên thế giới.