Nhằm giúp bà con nông dân tỉnh Sơn La tiêu thụ nông sản trong mùa dịch Covid-19, Hội nông dân TP. Hải Phòng đã lên kế hoạch, chủ động kết nối, quảng bá, tiêu thụ nông sản theo chỉ đạo của Trung ương hội.
Ông Đỗ Đức Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân Hải Phòng cho biết, với mục tiêu giúp bà con nông dân không bị thương lái ép giá, Hội Nông dân Thành phố đã lập kế hoạch quảng bá, giới thiệu tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, không qua khâu trung gian, nông sản sẽ được tiêu thụ trực tiếp từ người sản xuất đến người tiêu dùng, không bị tăng giá bán.
Trong tháng 6 vừa qua, Hội nông dân Hải Phòng bán giúp tỉnh bạn tiêu thụ 15 tấn nông sản không lợi nhuận, lấy giá nào bán giá đấy. "Chúng tôi xác định quảng bá, tiêu thụ giúp tỉnh bạn là chính", ông Hòa cho hay.
Cụ thể, trong tháng 6/2021, Hội Nông dân TP. Hải Phòng đã giúp tiêu thụ nông sản cho tỉnh bạn Sơn La 3 đợt tại Hải Phòng.
Đợt 1, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm với người tiêu dùng Hải Phòng; Đợt 2, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp; Đợt 3, quảng bá, tiêu thụ nông sản trong các cơ quan hành chính.
Cả 3 đợt, các biện pháp y tế đều được áp dụng và tuân thủ nghiêm ngặt, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. Kết quả, Hội Nông dân Hải Phòng đã tiêu thụ được 15 tấn nông sản cho bà con Sơn La.
Chị Nguyễn Thị Thu- người dân phường Lê Lợi (Ngô Quyền, Hải Phòng) cho biết, mận Sơn La rất tươi ngon, giòn, ngọt dịu, dễ ăn, giá cả phải chăng, chỉ bằng phân nửa giá ở chợ. "Loại mận tươi ngon như này ở chợ bán giá là 30.000 đồng/kg. Mua được hàng ngon, bổ, rẻ lại giúp được bà con vùng sâu vùng xa, chúng tôi thấy rất vui"- chị Thu chia sẻ.
Cũng theo ông Đỗ Đức Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân Hải Phòng, nông sản Sơn La gồm mận, xoài… được người tiêu dùng Hải Phòng mua, thưởng thức, đánh giá phản hồi có chất lượng cao. Đặc biệt là quả xoài tròn Yên Châu có mùi vị thơm, ngon rất đặc trưng nên đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.
"Để tiêu thụ nông sản, tỉnh bạn Sơn La đã làm rất bài bản từ khâu sản xuất áp dụng kỹ thuật tiên tiến, quy trình sản xuất an toàn như VietGAP, GlobalGAP và sản xuất theo hướng hữu cơ. Người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng nên chúng tôi quảng bá tới người dân cũng thuận lợi" - Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hải Phòng cho biết.
Hiện, Sơn La có tổng diện tích cây ăn quả khoảng 87.520ha, sản lượng khoảng 448.630 tấn; Cục Bảo vệ Thực vật đã cấp 181 mã số vùng trồng với tổng diện tích 4.700ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu và có 37 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cùng 21 sản phẩm sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La đang gặp nhiều khó khăn; để giải quyết áp lực về thị trường tiêu thụ nông sản, tỉnh Sơn La đang triển khai đồng bộ các giải pháp từ khâu trồng, thu hoạch, bảo quản và chế biến.
Nhằm mở rộng mô hình kết nối, quảng bá sản phẩm nông sản hỗ trợ bà con nông dân các tỉnh và chính bà con nông dân Hải Phòng trong việc tiêu thụ nông sản, cách đây 2 năm, Hội Nông dân Hải Phòng đã mạnh dạn báo cáo thường trực Thành uỷ Hải Phòng xin chủ trương lập đề án thành lập Trung tâm kết nối và tiêu thụ nông sản an toàn và đã được Thành uỷ đồng ý.
Theo đề án, Hải Phòng sẽ thành lập 3 điểm kết nối tiêu thụ nông sản ở Thành hội nông dân Hải Phòng, huyện An Dương, huyện Thuỷ Nguyên và đang nghiên cứu thêm điểm ở quận Dương Kinh nhằm giới thiệu, kết nối quảng bá nông sản cho bà con nông dân các tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nghèo khó khăn sẽ được quan tâm làm trước…
"Vấn đề là phải hướng tới làm bài bản như tỉnh bạn Sơn La đã làm và đảm bảo công tác phòng chống dịch. Để làm được điều này rất cần sự chung tay của các cấp ngành và nhân dân", ông Đỗ Đức Hòa nói.
Theo ông Đỗ Đức Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân Hải Phòng thì hiện nay Hội sẽ hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ nông sản không lợi nhuận trong mùa dịch bằng việc kết nối, quảng bá và tiêu thụ trực tiếp từ người sản xuất đến người tiêu dùng mà không qua khâu trung gian.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"