Ước tính kết quả kinh doanh quý 2/2021 của SSI Research vừa công bố cho thấy, lợi nhuận nhiều NH đã tăng bằng lần so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân lãi lớn của các nhà băng trong quý 2 chủ yếu đến từ việc kéo giãn biên lãi ròng, đa dạng hóa nguồn thu và linh hoạt về chi phí.
Cùng với đó, mặt bằng lãi suất giảm với xu hướng lãi cho vay giảm chậm hơn lãi huy động đã giúp ngân hàng lãi đậm nhờ biên lãi ròng (NIM) được cải thiện.
Cụ thể, với Vietinbank (CTG), dự báo lợi nhuận trước thuế (LNTT) Q2/2021 ước đạt 5 nghìn tỷ đồng, tăng +10% so với cùng kỳ. Lũy kế 6T2021, LNTT đạt 13 nghìn tỷ đồng, tăng 74% so cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lần lượt là + 4,8% và + 3,4% so với đầu năm, NIM được cải thiện do lãi suất huy động thấp và nguồn tiền bổ sung từ phí trả trước của thỏa thuận bancassurance độc quyền được ký kết gần đây với Manulife.
Tuy nhiên, CTG chưa hạch toán khoản phí trả trước này vào lợi nhuận 6T2021. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu tăng và tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu trong quý 2 giảm so với Q1/2021.
Với Vietcombank (VCB), ước tính LNTT Q2/2021 đạt 6,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng khoảng 8,6% và tăng trưởng tiền gửi tăng không đáng kể so với đầu năm. Hệ số NIM trong Q2/2021 tiếp tục cải thiện lên khoảng 3,3% so với 3,16% trong Q1/2021. Hệ số CIR (Tỷ lệ chi phí trên thu nhập) ước tính là 33,5%, trong khi nợ xấu vẫn dưới 1% và chi phí tín dụng giảm so với quý trước. Tăng trưởng tín dụng trong 6T2021 của Vietcombank cũng cao hơn nhiều so với 6T2020, ở mức tăng 4,9% so với đầu năm.
Một "ông lớn" khác thuộc nhóm BIG 4 là BIDV (BID) cũng có ước tính LNTT trong Q2/2021 đạt 3,85 nghìn tỷ đồng (tăng 51% so với cùng kỳ), nhờ tăng trưởng tín dụng +7% so với đầu năm (cao hơn mức 2,35% trong 6 tháng đầu năm 2020) và NIM nới rộng so với cùng kỳ.
Ở nhóm các NHTM tư nhân, hàng loạt đơn vị cũng dự báo có kết quả kinh doanh vượt trội trong quý 2. Chẳng hạn, tại HDBank (HDB), mặc dù tăng trưởng tín dụng so với đầu năm dự kiến chậm hơn so với các NH khác do hạn mức tín dụng được cấp ban đầu thấp hơn, nhưng tăng trưởng so với cùng kỳ tương đối đáng kể, khoảng 19%, giúp tăng trưởng thu nhập lãi thuần ổn định ở mức 19-20% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, thu nhập từ phí tăng mạnh do HDB đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bancassurance kể từ Q4/2020. Do đó, LNTT Q2/2021 dự kiến đạt 2,4 nghìn tỷ đồng (tăng 45%).
Tương tự, tại MBBank (MBB), ước tính LNTT trong Q2/2021 đạt 4 nghìn tỷ đồng đến 4,5 nghìn tỷ đồng, tăng 37% - 50% so với cùng kỳ do tăng trưởng tín dụng và tiền gửi của ngân hàng mẹ tính đến hết tháng 5 đạt mức +10% và + 6% so với đầu năm 2021. Trong khi đó, nợ xấu được kiểm soát (dưới 1% tại ngân hàng mẹ) và NIM tiếp tục tăng.
Techcombank (TCB) cũng có ước tính LNTT có thể đạt 5,7 nghìn tỷ đồng trong Q2/2021, tăng 57,6% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng khoảng 11,9% so với đầu năm. Lãi suất huy động thị trường đã giảm xuống mức thấp kể từ Q3/2020 và vẫn duy trì ở mức thấp kể từ đó. Tuy nhiên trong môi trường này TCB đã tỏa sáng nhờ những lợi thế đáng kể thông qua lượng CASA phong phú, khả năng cung cấp nguồn vốn chi phí thấp và đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cho các nhà đầu tư đại chúng, giúp cải thiện NIM và thu nhập từ phí.
TPBank (TPB) cũng có ước tính LNTT sẽ đạt 1,58 tỷ đồng trong Q2/2021, tăng 54% so với cùng kỳ. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng tăng 11,5% so với đầu năm, cũng như tỷ lệ NIM duy trì ở mức 4,7%. Tuy nhiên, nợ xấu ở nhà băng này trong quý tăng so với quý trước.
Tại VIB, ước tính LNTT quý 2/2021 đạt 2 nghìn tỷ đồng (tăng 58% so với cùng kỳ).
Trong khi đó, tại VPBank (VPB), dự kiến sẽ có một bức tranh tương phản giữa kết quả của ngân hàng mẹ và FeCredit trong quý này. Ngân hàng mẹ có thể đạt LNTT cao từ 3,5 đến 4 nghìn tỷ đồng (tăng 66% đến 90% so với cùng kỳ). Trong khi đó, LNTT dự kiến sẽ giảm sâu đối với FeCredit do gánh nặng trích lập dự phòng lớn. Trên cơ sở hợp nhất, VPB vẫn có thể đạt LNTT khoảng 4,5 nghìn tỷ đồng (+ 23% so với cùng kỳ).
Một số NH khác như MBS, ACB… dự kiến cũng có LNTT vượt trội nhờ tăng trưởng tín dụng và NIM nới rộng so với cùng kỳ, thêm vào đó là hoạt động bancassurance vẫn phát triển mạnh. Chẳng hạn, tại ACB, LNTT Q2/2021 dự kiến tăng trưởng 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân lợi nhuận diễn biến ấn tượng được giải thích bởi tăng trưởng tín dụng (tăng 19-20% so với cùng kỳ) và NIM nới rộng. Đặc biệt, hoạt động bancassurance vẫn phát triển mạnh, với mức phí bảo hiểm tương đương hàng năm (APE) thuộc Top 3 trên thị trường.
Tính toán của FiinGroup mới đây cho thấy, sau khi tăng hai quý liên tiếp, biên lãi ròng của các ngân hàng có giảm nhẹ trong quý I/2021 so với mức đỉnh quý trước đó, nhưng vẫn ở mức 3,73% - cao thứ hai trong nhiều năm trở lại đây.
Không chỉ vậy, trong thời gian qua, tín dụng - mảng hoạt động cốt lõi của các ngân hàng - cũng có những diễn biến tích cực. Số liệu từ Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, tính đến ngày 21/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,47%, đồng nghĩa với các tổ chức tín dụng đã bơm ra nền kinh tế khoảng 504.000 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Với tình hình này, tín dụng ước tăng 5,5 - 6% trong nửa đầu năm nay, khi nhiều ngân hàng chưa hết 6 tháng đã dùng gần hết hoặc hết room tín dụng của cả năm và đang xin Ngân hàng Nhà nước cấp cho room mới, như OCB, Techcombank, VIB, MSB, ACB,… Ngay cả với những ngân hàng quy mô lớn như Vietcombank, VietinBank, tín dụng 6 tháng đầu năm cũng tăng ở mức khá cao, lần lượt ở mức 9% và 4,8%. Chính điều này đã tác động tích cực lên lợi nhuận 2 quý đầu năm nay.