Mới đây, anh Nguyễn Văn Cương (thôn Cây Rường, xã An Bình, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) tỉa bán số lượng ít cây gỗ dăm đã thu được 8 tấn gỗ, với giá bán từ 760.000-800.000 đồng/tấn.
Anh Cương tính toán, nếu cây đạt chu kỳ 10 năm trở lên khi thu hoạch năng suất có thể đạt 140 tấn/ha (giống keo cũ chỉ đạt khoảng 80 tấn/ha).
Được biết, gia đình anh Cương là một trong những hộ tham gia dự án "Áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh giống sử dụng là keo lai BV10, BV16, BV32 nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô" của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKN) phối hợp TTKN tỉnh Hòa Bình triển khai thực hiện từ năm 2016.
Cụ thể, năm 2016 trồng 38ha tại huyện Tân Lạc; 2017 trồng 42ha tại huyện Lạc Thủy. Chu kỳ kinh doanh 10-12 năm.
"Trồng rừng gỗ lớn, rừng nguyên liệu bằng giống cây keo lai nuôi cấy mô đang là xu hướng sản xuất kinh doanh hiệu quả và bền vững, góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của rừng trồng".
Ông Đỗ Đức Trường
Hiện, anh Cương trồng 2ha keo lai theo phương pháp nuôi cấy mô được 4 năm.
Qua theo dõi và so sánh hai diện tích rừng trồng thì nhận thấy tốc độ phát triển và sản lượng gỗ của cây keo lai mô thời gian trồng 4 năm đã bằng bằng cây keo cũ trồng thời gian 6 năm.
"Cây phát triển đồng đều, trọng lượng cây nặng hơn, sức chống chịu với thời tiết tốt hơn, ít đổ gãy khi có giông gió. Đặc biệt, cây phù hợp với những diện tích đất đồi bạc màu, hạn chế nước tưới mà trước đây anh đã trồng thử giống keo cũ không thành công" - anh Cương chia sẻ.
Theo đánh giá của TTKN tỉnh Hòa Bình, rừng keo gỗ lớn mọc nhanh được trồng với mật độ 1.330 cây/ha.
Cây trồng trong mô hình được áp dụng đồng bộ các kỹ thuật từ khâu lựa chọn lập địa, phát dọn thực bì, làm đất, bón phân theo kỹ thuật hướng dẫn.
Cây keo lai mô có ưu điểm được lấy mẫu từ cây bố mẹ khỏe mạnh, có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt ở ngoài thực địa và được thông qua cải thiện giống về di truyền.
Cây có tán tròn đều, góc phân cành lớn, thân cây chính có độ thon thẳng và không cong queo.
Với nguồn giống được bảo quản trong phòng kỹ thuật, khi được đưa vào trồng ngoài thực tế cây con ít bị sâu bệnh, sinh trưởng và phát triển nhanh.
Rút ngắn chu kỳ kinh doanh khoảng từ 4-6 năm cho gỗ làm nguyên liệu giấy, gỗ dăm, từ 8-12 năm cho gỗ lớn, gỗ xẻ, gỗ dân dụng đóng các đồ trang trí nội thất.
Sau 4 năm đưa vào trồng thử nghiệm, giống keo mới được người dân đánh giá rất cao, khả năng phát triển nhanh hơn so với các cây keo tai tượng đang được trồng tại địa phương (giống trồng nhân giống bằng hạt). Tỷ lệ sống đạt 98%, cây sinh trưởng tốt với chiều cao đạt trung bình từ 90-110cm/3 tháng.
Tử Nê và Phú Vinh là 2 xã của huyện Tân Lạc được lựa chọn thực hiện dự án, với quy mô 38ha, có 20 hộ gia đình tham gia.
Tại xã Tử Nê, gia đình ông Bùi Văn Minh tham gia dự án với diện tích 2ha được hỗ trợ 100% cây giống (giống keo lai BV10, BV16, BV32) và 50% phân bón, đồng thời được tập huấn kỹ thuật từ cách trồng, khoảng cách trồng, cách chăm sóc, bón phân cho từng giai đoạn trồng rừng.
"Tham gia dự án được hơn 4 năm, khi nhận giống keo nuôi cấy mô về trồng, tỷ lệ cây sống rất cao khoảng 90%, cây đã đạt chiều cao từ 10 - 12m, đường kính gốc 10 - 14cm. So với giống keo cũ thì keo lai mô sinh trưởng nhanh vượt trội gấp 1,5 - 2 lần" - ông Minh chia sẻ.
Theo ông Minh, thời gian trồng thành rừng gỗ lớn sau khoảng 10 năm sẽ cho thu hoạch, hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với giống keo cũ".
Ông Bùi Văn Dềnh (ở xóm Bin, xã Tử Nê), phấn khởi cho biết, ban đầu khi tham gia dự án, gia đình tôi cũng như các hộ dân khác trong xóm không khỏi băn khoăn, e ngại về hiệu quả của cây trồng mới này.
Tuy nhiên, sau 8 tháng bắt tay vào sản xuất, đến nay 1,6ha trồng keo đang trong thời kỳ sinh trưởng, phát triển tốt, chiều cao cây trung bình đạt 2-2,5m, đường kính gốc từ 4-5cm.
Người trồng keo rất yên tâm và kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần cải thiện đời sống cho gia đình.
Ông Đỗ Đức Trường - Giám đốc TTKN Hòa Bình cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, TTKN tỉnh đã phối hợp với các địa phương lựa chọn các hộ có đủ điều kiện về đất đai, lao động, kinh phí và tình nguyện tham gia thực hiện mô hình.
Cùng với đó là cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp tham gia chỉ đạo phát triển mô hình. Các gia đình tham gia dự án được hỗ trợ cây giống (gồm các giống keo lai mô BV10, BV16, BV32), phân bón, tập huấn kỹ thuật canh tác.
"Ngoài học lý thuyết trên lớp, các học viên còn được thực hành ngoài hiện trường, vì vậy hầu hết các hộ nông dân đã nắm bắt và tuân thủ thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật áp dụng đồng bộ từ khâu phát dọn thực bì, đào hố, lấp hố, bón lót và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây..." - ông Trường cho hay.