Hiệu quả cao
Vụ mùa năm nay, 50ha sầu riêng của HTX Cây ăn trái Thác Mơ ở thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước) cho sản lượng ước đạt hơn 1.000 tấn. Với mức giá bình quân dao động từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, người trồng sầu riêng của HTX thu lợi nhuận trung bình từ 400 - 500 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Tiến Đạt - thành viên HTX Thác Mơ cho biết, đây được xem là mức cao nhất trong tất cả các loại cây trồng. Nguyên nhân chính là đất bazan ở Bình Phước rất thích hợp cho sầu riêng phát triển. 1ha có thể cho năng suất 10 -15 tấn trái.
Cùng với quy trình canh tác sạch, chất lượng sầu riêng Bình Phước không thua kém các tỉnh khác. Cũng nhờ tạo được tiếng vang về chất lượng nên trong khi nhiều loại trái cây khác rớt giá thì sầu riêng của Bình Phước vẫn có giá cao. Ông Đạt cho biết, giá bán năm nay cao hơn vụ mùa năm trước từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Toàn tỉnh Bình Phước hiện có gần 3.000ha sầu riêng, trong đó có đến 1.500ha đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. TS Trần Minh Hải - Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 (TP.HCM) sau một chuyến khảo sát mới đây đã đánh giá: tương lai gần, sầu riêng sẽ là một trong những loại cây trồng có lợi thế cho Bình Phước.
Theo ông Nguyễn Lê Tuấn - Giám đốc HTX Thái Mơ, sầu riêng Bình Phước tuy "sinh sau đẻ muộn" so với các tỉnh khác nhưng luôn được thương lái săn đón. Sản lượng mà HTX làm ra bao nhiêu tấn cũng được thương lái gom đi tiêu thụ, thậm chí bán ngược xuống thị trường miền Tây.
Ông Tuấn cho biết, các thành viên HTX đang muốn mở rộng quy mô liên kết để gom được nguồn hàng lớn, chất lượng đồng đều. Khi có nguồn hàng lớn, HTX sẽ ký hợp đồng được với công ty lớn. "Khi đó trái sầu riêng càng có điều kiện để xuất khẩu và giá bán cũng ổn định hơn" - ông Tuấn nói.
Nhờ thu nhập khá nên huyện Phú Riềng cũng đang chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả sang sầu riêng. Năm 2020, ông Nguyễn Duy Hoàn (ở xã Phước Tân, huyện Phú Riềng) chuyển đổi toàn bộ diện tích 4ha cà phê sang trồng sầu riêng. Trên toàn bộ diện tích đang trồng, ông Hoàn có 1ha sầu riêng đã cho thu hoạch năm thứ 15; năng suất bình quân từ 20 - 25 tấn/ha. Mỗi năm ông Hoàn thu về từ 500 - 600 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Theo ông Hoàn, Covid-19 khiến thị trường nông sản gặp nhiều khó khăn thế nhưng sầu riêng vẫn giữ được chỗ đứng trên thị trường. Đến cuối vụ, giá sầu riêng giảm còn 35.000 - 40.000 đồng/kg, nông dân vẫn có lời.
Nâng giá trị cho sầu riêng
Ở thị xã Phước Long, ông Trương Văn Đảo đang sở hữu trang trại sầu riêng Ba Đảo, diện tích 10ha. Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, tiêu thụ nông sản bị ngưng trệ. Để tự cứu lấy mình, ông Đảo không ngần ngại đầu tư 10 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà máy cấp đông và kho lạnh cho sầu riêng. Theo ông Đảo, đặc điểm của sầu riêng là chín rất nhanh, không đông lạnh sẽ dễ hư hỏng. Nhưng nếu tách muối sầu riêng ra để cấp đông ở nhiệt độ âm 40 độ C thì vẫn giữ được chất lượng trái cây.
Nhờ cấp đông, ông không còn quá âu lo về đầu ra của sản phẩm mỗi khi thị trường biến động. Không chỉ giúp chủ động giải quyết đầu ra, hệ thống kho lạnh còn có phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, ông Đảo cũng cho biết, để đầu tư cho một hệ thống từ máy cấp đông đến kho lạnh, mỗi HTX phải tốn ít nhất 100 tỷ đồng.
Ông Đảo cũng đang là Chủ tịch HĐQT HTX Cây ăn trái Bàu Nghé, muốn đầu tư mở rộng hệ thống kho lạnh. HTX đang có hơn 200ha sầu riêng, trong đó có 100ha đang cho thu hoạch với sản lượng 1.500 tấn mỗi năm. Nguồn vốn đầu tư quá lớn là điều HTX đang băn khoăn.
Theo ông Đảo, chất lượng sầu riêng Bình Phước đã được thị trường đón nhận. Nhưng để mô hình đông lạnh phát huy hiệu quả trên diện rộng, các HTX sầu riêng trong đó có Bàu Nghé mong muốn được hỗ trợ để tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp. Khi đó thương hiệu càng được khẳng định và giá trị ngày càng cao.