Dân Việt

Đồng Nai: Thứ rau dại đọc tên kiểu gì cũng "nghe kỳ kỳ"-từ quà quê thành đặc sản phố thị

Hương Giang 10/07/2021 05:45 GMT+7
Khoảng vài năm trở lại đây, rau chại (có người gọi là rau chạy) trở thành đặc sản của người vùng khác khi ghé qua huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Có lẽ do chỉ mọc ở ven kênh rạch của vùng đất chua mặn nên rau chại có mùi vị mặn mòi khiến ai đã ăn qua rất khó quên.

Đồng Nai: Thứ rau dại đọc tên kiểu gì cũng "nghe kỳ kỳ"-từ quà quê thành đặc sản phố thị - Ảnh 1.

Anh Trương Văn Phước đang sắp xếp lại các bó rau chại.


Rau chại mọc nhiều ở khu vực các xã: Phước Khánh, xã Long Tân, xã Phú Đông (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Trước đây, vào mùa mưa, các bà, các cô thường rủ nhau đi hái về ăn. 

Rau chại chế biến khá đơn giản, chỉ cần luộc qua chấm với kho quẹt, mắm nêm, hoặc phi hành tỏi thơm cho rau vào đảo vừa chín tới, thêm chút gia vị là có món ăn hấp dẫn.

Rau chại-quà quê

Chị Mai Thị Hà, nhà ở quận 2 (TP.Hồ Chí Minh) kể: “Mỗi lần có dịp đi Nhơn Trạch, tôi đều ghé mua khoảng chục bó rau chại về chia cho bà con một nửa, còn lại lặt sạch để tủ lạnh ăn dần. Rau chại xào hành tỏi vừa chín tới, tôi có thể ăn cả đĩa không chán”. 

Cũng theo lời chị Hà, một lần ghé nhà hàng ở quận 3 (TP. Hồ Chí Minh) thấy họ mang ra món rau chại, ăn thấy ngon hỏi loại rau này mua từ đâu, được biết họ phải đặt hàng từ Nhơn Trạch. Thế là từ đó, mỗi lần đến Nhơn Trạch chị đều tìm mua bằng được rau chại đem về ăn và làm quà.

Còn ông Phan Văn Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, nói: “Mỗi lần về Nhơn Trạch công tác, tôi đều mua vài bó rau chại để vừa ăn vừa làm quà cho anh em trong cơ quan. Và ai cũng thích vì ngoài mùi vị thơm ngon, dễ làm rau chại còn là loại rau sạch trong tự nhiên”.

Đặc sản rau chại

Khu bán rau chại thực ra là những quán nhỏ ven đường 25B, đoạn vừa qua khỏi trung tâm hành chính huyện để đi về hướng phà Cát Lái. Khu vực này có gần 10 quán bán rau chại. Rau chại được bó thành bó chừng nửa ký/bó, xếp ngay ngắn trên các kệ, giá bán là 10 ngàn đồng/bó. Dù mua một bó hay mười bó giá cũng như nhau.
Chị Lại Thị Chi, chủ điểm bán rau chại ven đường 25B, cho biết: “Tôi chỉ bán ở khu vực này, thường từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều là hết. Khách mua rau đa số dân từ TP. Hồ Chí Minh qua hoặc người từ nơi khác đến mua về ăn và làm quà. Mỗi ngày tôi bán được 40-50 bó rau”. 

Rau chại thường bán chạy vào dịp cuối tuần và dịp lễ, vì thời điểm này dân TP.Hồ Chí Minh thường đi Vũng Tàu bằng đường tắt qua Nhơn Trạch, hoặc qua Khu du lịch Bò Cạp Vàng ghé mua.

Khoảng 2 năm nay, rau chại được người trong và ngoài tỉnh biết đến tìm mua nên hình thành một nhóm người chuyên đi hái rau chại bán cho các quán ăn trong huyện và một số đầu mối để đưa về bán lại cho khách từ TP.Hồ Chí Minh qua hoặc từ nơi khác đến.

Anh Trương Văn Phước, chủ quán nước có bán rau chại bên đường 25B, nói: “Có hôm vào ngày cuối tuần hoặc ngày lễ, tôi bán được gần 100 bó rau chại/ngày”. 

Ngoài rau chại, các quán này còn bán thêm một số loại rau, quả đặc sản hoặc dân dã khác của vùng Nhơn Trạch, như: khổ qua rừng, rau nhái, rau càng cua, kèo nèo, đậu rồng, măng tươi, măng muối chua, rau lang...

“Con phụ má bán quán gần 3 năm ở khu vực này, thấy khách mua rau chại, rau lang là nhiều nhất. Rau chại hái từ tự nhiên, còn rau lang thì trồng được, nhưng rau lang ở vùng này ngọn dài, non, ít lá, ăn rất ngon, nên có ngày con bán 30-40 bó” - bé Hoàng Thị Bích, con gái một chủ quán chuyên bán rau tại đây khoe.
Nhìn kỹ thấy đúng là các loại rau quê-rau chại ở vùng này ngọn tươi non, xanh mơn mởn hơn các vùng khác.

Có lẽ cũng do người bán khéo tay, biết chăm chút cẩn thận từng bó rau và chọn cách bó rau khá đẹp mắt (bó vừa phải và dựng thẳng để các ngọn rau tủa lên trên).

Do đó, người đi qua sẽ nhìn thấy những bó rau lang dân dã màu xanh non đặt cạnh rau chại đặc sản, ngọn quăn như tua mực có màu nâu, đều đang trở thành đặc sản của vùng.