Năm 2020, ông Nguyễn Duy Hoàn ở xã Phước Tân (huyện Phú Riềng, Bình Phước) chuyển toàn bộ 4ha cà phê sang trồng sầu riêng. Nhờ ở gần lòng hồ Thác Mơ, tầng đất dày, dinh dưỡng cao nên vườn sầu riêng của ông sinh trưởng nhanh, cho trái nhiều và chất lượng thơm ngon.
Từ 2 năm nay, ông Hoàn đã chuyển đổi phương thức canh tác từ phân thuốc hóa học sang sinh học để trồng sầu riêng sạch. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ trái sầu riêng sạch lại không như mong đợi.
Ông Hoàn cho biết, sầu riêng sạch có giá thành cao nhưng giá bán chưa phân biệt đáng kể so với sản phẩm thông thường.
Thị trường vẫn thiên về mẫu mã bên ngoài trong khi sầu riêng hữu cơ bị chê nhỏ hoặc méo. Vì thế, sầu riêng chăm sóc bằng phân bón hóa học vẫn bán được giá cao, thậm chí cao hơn sầu riêng hữu cơ do hình thức đẹp hơn.
Ở xã Phước Sơn (huyện Bù Đăng), ông Nguyễn Văn Hùng đang sở hữu vườn sầu riêng với diện tích hơn 80ha. Trong số đó có 30ha được ông chăm sóc theo quy trình đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Để có được giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, ông phải đầu tư ít nhất 200 triệu đồng tiền thuê tư vấn độc lập, gần 100 triệu đồng để xét nghiệm các mẫu đất, nước... Chưa kể kinh phí đầu tư sản xuất và phí cấp giấy chứng nhận, công sức và tiền của bỏ ra rất nhiều.
Thế nhưng, gần 2 năm sau có chứng nhận nhận, giá bán sầu riêng chuẩn quốc tế của ông Hùng cũng không khác các vườn sầu riêng bình thường.
Ông Hùng cho biết, nguyên nhân là vườn trồng của ông vẫn chưa có mã vùng trồng. Toàn bộ sản phẩm vẫn phải bán cho thương lái nhỏ lẻ đi thu gom.
Từ khi trồng đến khi có được chứng nhận, nông dân đã đi hơn 70% chặng đường để gây dựng thương hiệu cho riêng mình. Chỉ còn thiếu mã vùng là ông Hùng có thể xuất khẩu để có giá bán cao hơn.
Do chưa có mã vùng nên chưa thể xây dựng thương hiệu. Chưa có thương hiệu thì giá bán sầu riêng sạch với chưa sạch cũng bằng nhau. "Đây là một thiệt thòi lớn cho người có tâm huyết làm nông nghiệp sạch", ông Hùng nói.
TS. Trần Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác (thuộc Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II) cho biết, biến đổi khí hậu khiến diện tích cây ăn trái ở ĐBSCL bị ảnh hưởng do ngập mặn. Các tỉnh miền Đông Nam Bộ, trong đó có Bình Phước sẽ là vùng đất thay thế.
Mỗi năm Trung Quốc chi 10 tỷ USD để nhập khẩu trái cây. Trong đó có 2,3 tỷ cho mặt hàng sầu riêng. Nhưng mỗi năm, Việt Nam chỉ bán cho Trung Quốc được khoảng 11 triệu USD; chiếm 0,4%. Nghĩa là thị trường cho sầu riêng vẫn còn rất lớn.
Nhưng muốn vào được Trung Quốc, sầu riêng phải có thương hiệu, phải có mã vùng trồng, mã đóng gói.
Vì thế theo TS. Hải, trái cây Bình Phước nói chung và trái sầu riêng còn rất nhiều việc phải làm từ liên kết chuỗi, xây dựng mã vùng trồng cho đến nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại.
Ông Lã Quốc Thái, chuyên viên Phòng NNPTNT huyện Phú Riềng cho biết, đã có một số doanh nghiệp sẵn sàng bao tiêu sản phẩm sầu riêng trên địa bàn.
Tuy nhiên, phần lớn sầu riêng chưa có thương hiệu, chưa được truy xuất nguồn gốc. Muốn xuất khẩu sầu riêng phải thông qua doanh nghiệp trung gian hoặc mượn thương hiệu của các nước khác.
Mã số vùng trồng sẽ là điều kiện quyết định sự thành công của việc xuất khẩu trái sầu riêng. Huyện Phú Riềng đang triển khai xây dựng đăng ký mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái chủ lực ở địa phương.
Thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc. Nhưng một khó khăn nữa là Việt Nam vẫn chưa đạt được nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng với Trung Quốc.
"Đây là điều mà nông dân lẫn ngành nông nghiệp rất mong muốn giữa hai nước sớm đạt được thỏa thuận", ông Thái bày tỏ.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, để xuất khẩu trái cây chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, yêu cầu bắt buộc là sản phẩm phải được sản xuất từ vùng trồng và được đóng gói tại cơ sở do Bộ NNPTNT cấp mã số, được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.
Tính đến năm 2020, Việt Nam chỉ mới có 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Nhiều mặt hàng trái cây khác rất có tiềm năng, trong đó có sầu riêng vẫn chưa tiếp cận được thị trường tỉ dân này.
Còn theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), để đàm phán xuất khẩu chính ngạch được một loại trái cây nào đó phải tốn rất nhiều thời gian. Nếu nhanh cũng phải 3 năm, có trường hợp phải mất hơn chục năm.
Với trái sầu riêng, Việt Nam và Trung Quốc vốn đã thực hiện những bước cuối cùng trong tiến trình đàm phán. Những hồ sơ, thủ tục để đi đến ký kết Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch cũng đã chuẩn bị.
Tuy nhiên, mọi việc phải đình lại từ khi dịch bệnh bùng phát từ năm 2020. "Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương cũng như Tổng cục Hải quan đang rất nỗ lực đàm phán nhưng vì kẹt Covid-19 nên mọi việc bị chậm lại", ông Tùng nói.