Ngày 5/7, UBND TP.HCM đã phát đi văn bản gửi Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống khai thác cát trái phép, kinh doanh, vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp.
Theo đó TP.HCM đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung một số điều đối với một số hành vi vi phạm tại Nghị định về Quy định xử phạt hành vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa (Nghị định số 132/2015 của Chính phủ).
Cụ thể tại điều 12 về Vi phạm quy định về thiết bị, dụng cụ an toàn của phương tiện, UBND TP.HCM đề nghị bổ sung thêm hành vi: Không lắp đặt thiết bị định vị và camera giám sát hành trình trên phương tiện khi tham gia vận chuyển khoáng sản.
Bổ sung hình thức xử phạt bổ sung tịch thu máy móc, thiết bị khai thác tự ý lắp, gắn lên phương tiện (các máy móc không đúng với hồ sơ kỹ thuật phương tiện) vào điều 15: Vi phạm quy định về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện.
UBND TP.HCM cũng đề nghị Chính phủ nâng mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về khai thác cảng, bến thủy nội địa, vi phạm quy định về hoạt động của phương tiện trong phạm vi cảng, bến thủy nội địa, vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện.
Tùy từng hành vi vi phạm cụ thể mà mức phạt do UBND TP.HCM đề xuất tăng gấp đôi, hoặc tăng hơn 2-5 triệu đồng so với mức phạt hiện hành. Ví như đề nghị tăng tiền phạt từ 10 – 20 triệu đối với vi phạm về khai khác cảng, bến thủy nội địa (mức hiện tại chỉ 5-10 triệu)…
Còn đối với hành vi vi phạm quy định về hoạt động của phương tiện trong phạm vi cảng, bến thủy nội địa, UBND TP.HCM đề nghị bổ sung thêm hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, chứng chỉ lái phương tiện từ 1-2 tháng.
Riêng đối với các phương tiên vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, UBND TP.HCM đề nghị hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của phương tiện từ 1-2 tháng.
UBND TP.HCM cũng đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung quy định theo hướng bắt buộc tất cả các phương tiện khi tham gia vận chuyển khoáng sản phải gắn thiết bị định vị và camera giám sát hành trình. "Vì đây là biện pháp cần thiết để cơ quan chức năng quản lý phương tiện, là cơ sở để xem xét, xử lý các hành vi vi phạm hành chính, góp phần đảm bảo an toàn trật tự giao thông đường thủy", đại diện UBND TP.HCM cho biết lý do để đưa ra đề xuất trên.