Đây là một tập thơ quan trọng của Nguyễn Thành Phong, đánh dấu mốc chuyển mình, đổi khác, so với những tập thơ trước của anh. Thơ Nguyễn Thành Phong khởi đi từ vòm cổng Parabol của Đại học Bách khoa Hà Nội, nơi anh là một sinh viên đã cùng bạn bè lập ra một nhóm thơ.
Thơ anh trước đây có một bài mà tôi hay nhắc, hay đề nghị anh đọc trước bạn bè lạ quen khi giới thiệu anh là nhà thơ. Đó là bài anh viết khi trở lại Tây Bắc, nơi anh có một tuổi thiếu thời theo bố mẹ từ đồng đất Thái Bình lên đồng rừng Sơn La sống. Cậu trai lớn lên về xuôi học đại học, làm báo làm thơ ở thành phố, chợt một ngày nhớ quay nhớ quắt những kỷ niệm tuổi nhỏ bỏ lại nơi rừng suối miền cao. Anh thấy mình “ăn phải gạo thị thành như ăn phải bả” khiến mình mê lú quên đường về. Và nhà thơ trong người đàn ông hiện tại cất lên một câu hỏi day dứt hối hận: “Nếu bây giờ ta trở lại Tây Bắc / Em có còn nhận mặt ta không?” Hai chữ “nhận mặt” rất dày vò đau đớn. Bởi Em có thể sẽ quay mặt coi Anh là người xa lạ và từ mặt Anh.
Câu hỏi trong câu thơ trên của Nguyễn Thành Phong tôi muốn nâng lên hỏi cho cả thơ và nhà thơ nhân đọc tập thơ mới này của anh. “Thơ có còn nhận mặt ta không?” một khi nhà thơ quay mặt, ngoảnh mặt với đời sống của con người, của chúng sinh, và của chính mình. Nguyễn Thành Phong có lẽ không ngờ rằng câu thơ thời tuổi trẻ của mình lại vận vào mình để bắt anh phải đi tìm câu trả lời cho mình và cho thơ mấy chục năm qua.
ĐÊM NGỒI NGÃ BA SÔNG
Tác giả: Nguyễn Thành Phong
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2021
Số trang: 170 (khổ 15x23cm)
Số lượng: 1000
Giá bán: 145.000
Đó là hành trình nhận mặt đất nước, nhận mặt nhân dân. Và đó cũng là hành trình nhà thơ đi tìm mặt mình. Điều này có một nhà thơ đã thấy ra từ rất sớm. Đó là nhà thơ Hoàng Hưng khi từ năm 1994 ông đã có tập thơ “Người đi tìm mặt”. Tôi có liên tưởng này để muốn nói rằng rốt ráo rồi người thơ người văn nào muốn xứng với danh hiệu mình được gọi/được mang thì cũng phải có mặt mình trong cuộc sống của nhân quần. Có mặt, đừng để bị mất mặt!
Hãy đọc vào bài thơ được lấy làm tên tập và cũng được để ngay đầu tập thơ này của Nguyễn Thành Phong. “Đêm ngồi ngã ba sông” - nhà thơ đã tìm được một cách đối thoại với hữu hạn và vô cùng. Dòng sông là dòng nước, nước chảy trôi cuốn theo mọi sự thăng trầm hưng phê ở đời. Cổ kim đông tây đều gặp nhau ớ thái độ trầm tư luận bàn về lẽ nhân sinh khi nhìn nước chảy. Người nhìn sông nhìn nước mà thấm thía lẽ đời là người đã thấm tự mình vào mình những nổi trôi của kiếp người. Tất cả đều bị cuốn trôi hết theo dòng thời gian. Bao triều đại nối nhau thảy đều thành cát bụi. Nhưng người dân thì mãi còn qua bao triều đại.
Đêm ta ngồi giữa ba dòng sâu
Nghe nước thở mấy ngàn năm vẫn thở
Nghe nước kể chuyện những đời người
Cay đắng và vinh quang
Kiếp sống nhọc nhắn lòng cứ thắm tươi
Ngẫm ra sự hiền minh nước chảy đó nhà thơ tự hỏi mình: “Ta sống vậy đã là như sống / Hay phải sống làm sao?” Một câu hỏi trước sông nước, trước đất trời. Nhưng là trước mình.
Để từ đó Nguyễn Thành Phong thoát mình trong thơ. Không còn những vần điệu réo rắt. Không còn những cảm xúc nồng nã. Không còn những câu chữ lối mòn. Cả chín phần của tập thơ mới này anh đã đi từ sống thực, chiêm nghiệm thực, đến thơ thực. Hãy đọc vào phần VI thơ của người bỗng dưng bị mất tự do mới biết chuyện dài thâu đêm của người bị giam cầm. Đấy là xuất phát từ cảnh ngộ hoạn nạn riêng của nhà thơ. Nhưng từ cảnh ngộ chung của nhân dân, của đất nước Nguyễn Thành Phong cũng đã có thơ quyết liệt và bi thương. “Sao vẫn còn người Việt ra đi?” - lại thêm một câu hỏi nhức nhối nhà thơ đặt ra.
Đi, đi suốt làm thành số phận
Khắp địa cầu đâu cũng dấu chân ta
Ngực lặng cúi trong cơ hàn xa khuất
Mắt trĩu buồn đau đáu vạt sương sa...
Sao người Việt mình cứ mãi ra đi
Đi, đi suốt, bao giờ thì dừng lại?
Chỉ một chữ “thì” thôi nhà thơ đã gieo nặng như đá tảng một câu hỏi như không có câu trả lời. Buồn lắm! Đau lắm! Những câu thơ hỏi thẳng và nói thẳng!
Tôi thấm những bài thơ thế sự thời sự như thế của Nguyễn Thành Phong. Và tôi còn thích những bài thơ của anh phát hiện vẻ đẹp đời thường ở nơi bất thường như khi anh viết về lính đảo Trường Sa. Nhiều người ra thăm đảo làm thơ theo cảm hứng sử thi ca ngợi lòng yêu nước và tinh thần giữ nước của người lính nói riêng, của dân ta nói chung. Bản thân tôi sau hai lần ra Trường Sa cũng cảm hứng viết thơ như vậy. Thơ Nguyễn Thành Phong viết khi ra thăm đảo cũng có bài theo mạch đó. Nhưng khi anh viết “Trường Sa làng mình” thì quả là phát hiện và sáng tạo.
Trưa ngồi quanh gốc phong ba
Ríu ran bàn chuyện cửa nhà nông tang:
-Lợn nái vừa đẻ bầy con
Lứa gà đang ấp, vịt đàn sinh sôi
Ngửa mặt ngóng gió trông trời
Mong cho mưa xuống để tôi thả bò
Rồi đi giồng đậu giồng cà
Hoa gạo không xuống vẫn trả hạt vừng...
Bằng những câu thơ dân dã này nhà thơ đã chạm vào được mạch nguồn sâu xa bền chặt của lòng yêu nước Việt Nam. Khi Trường Sa đã hoá làng mình thì đất nước ta trường tồn.
Và như vậy, “Đêm ngồi ngã ba sông” là tập thơ đã cho người đọc được tận mặt nhà thơ Nguyễn Thành Phong. Đọc tập thơ này bạn sẽ nhận mặt được một nhà thơ đã thấu hiểu mình khi đã đi trọn một vòng hoa giáp đời người.
Ta đã sống như bao người đi trước
Đầy nhọc nhằn tin cậy với mê say
Ngày cuối năm đi giữa trời mưa bụi
Ta ảo mờ một hạt nước đang bay...
Ấn tượng tập thơ còn nặng thêm với thiết kế sách của nhà nhiếp ảnh Dương Minh Long cùng bìa sách và phụ bản minh họa của họa sĩ Trần Thắng. Một ấn phẩm thơ đẹp.
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.
Mộc Châu, 6/7/2021