Đọc sách cùng bạn: Người đi nhặt chuyện du văn

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 18/06/2021 11:05 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi đưa tới bạn cuốn sách có tên "Miền sau cánh cửa" của tác giả Trần Nhật Minh.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Người đi nhặt chuyện du văn - Ảnh 1.

Các bài viết trong tập sách này ở dạng ghi chép, tản văn. Bài viết mở đầu lấy tên chung cho cả tập ghi lại hồi ức của tác giả về căn nhà cha mẹ mình, về tuổi thơ mình. Miền sau cánh cửa đây là hướng vào trong, vào một không gian gia đình ở trong một ngôi nhà, từ đó hướng ra phố phường Hà Nội, hướng về làng quê họ hàng và hướng tới những vùng đất xa. Vì thế tác giả mới đặt tên sách là "Miền sau cánh cửa" chứ không phải là "Đằng sau cánh cửa".

Hướng vào trong, tác giả nhớ tới chiếc roi của Cha phạt con ngày bé để bây giờ đã lớn đôi khi vẫn muốn được cha phạt vài roi để 'tỉnh người mỗi lúc u mê." (tr. 9); nhớ cái giá sách trong nhà giờ bị mọt phải ngồi dỡ ra mà ghê thay bầy mối mọt đã "ăn mòn nhiều trang viết để đời" và lo thay những tâm hồn cũng có thể bị mối mọt ăn vì thiếu sách, không đọc sách.

Hướng ra phố phường, tác giả gặp một Hà Nội bình dị với những con người lặng lẽ mà sâu xa, với những phong vị của phở Hà Nội, bia đầu ô, sen Tây Hồ luôn níu lòng người quay về để hoài niệm và tiếc nuối. "Tôi đi qua những đám đông loay hoay kiếm tìm sự tao nhã. Hà Nội sẽ ra sao nếu thiếu vắng mùa sen. Và sẽ như thế nào khi những đám đông cứ ùa về rẫy lên sen, núp bóng sẽ để lưu giữ hình ảnh thanh xuân của mình…" (tr. 57).

Hướng về làng quê, tác giả về bên phần mộ ông nội nằm gần con sông làng, về thấm lại giọt mồ hôi làng đổ xuống quê cha đất tổ, về vấn vít với ngọn khói làng bay lên tờ những ngôi mộ để thấy "đời mỗi người như sợi khói, có sợi dài sợi vắn, có sợi đậm sợi nhạt." (tr. 70).

MIỀN SAU CÁNH CỬA

Tác giả: Trần Nhật Minh

Nhà xuất bản Văn Học, 2020

Số trang: 252 (khổ 14,5x20,5)

Số lượng: 1000

Giá bán: 98.000

Hướng tới những vùng đất xa, tác giả là nhà báo, làm việc tại Đài tiếng nói Việt Nam, đã có nhiều dịp trải mình trên các hành trình cuộc sống. Anh đã tới chợ Thổ Tang, lên Sapa mù sương, về biển Nam Định, vào miền Tây Nam Bộ, xuống đất mũi Cà Mau. 

Anh đã đến Bắc Kinh, Myanmar, Nhật Bản. Những bài viết của anh qua những chuyến đi ghi lại ấn tượng, cảm xúc của mình về những khung cảnh đất trời riêng biệt và nhất là những con người đã gặp đã sống để lại nhiều cảm xúc, trải nghiệm đời người. Nhìn từ phía này thì "Miền sau cánh cửa" là cái nhìn hướng ra ngoài, từ cánh cửa  nhà mình nhìn ra đất nước, ra thế giới.

Ba mươi tám bài trong tập sách là những ghi chép tản mạn như thế. Chúng là những bài báo, dễ đọc và cũng dễ lướt qua, nếu… Nếu như chúng không được neo lại bằng cái tình và cái viết của tác giả. Lan tỏa xuyên suốt trong các bài viết của Trần Nhật Minh ở đây là sự hoài niệm, thương nhớ, tiếc nuối, lo âu cho những vẻ đẹp đang bị tàn phai trong cảnh vật, trong cách sống, trong nhân tình thế thái đời nay. Xem lễ hội Tây Nguyên giữa Sài Gòn anh "mơ hồ cảm nhận những gì đang thay đổi, phá vỡ trong tôi những giấc mơ trong trẻo." (tr. 89) khi những váy áo dân tộc đã bị biến tấu khác lạ. 

Đi chuyến phà cuối trên sông Mã nhìn cây cầu mới xây em gái dân tộc cưỡi xe máy vút qua, anh bâng khuâng em có còn để tóc dài hong gió như mỗi lần đi phà ngày trước khiến cho "Những thoáng phà qua sông, nghiêng hết bao nhiêu ánh mắt làm con phà chợt chao đi…" (tr. 141). Câu văn sóng sánh như thơ mà nặng như nước. Cái tình của tác giả níu được người đọc cùng chia sẻ, đồng cảm. Nó khiến những bài "du văn" – viết theo những chuyến đi, đậm thêm sức nặng của văn chương và tình người.

Níu người đọc lại trang viết của Trần Nhật Minh còn là cách viết của anh. Cả tập sách bàng bạc chất thơ của những hồi ức, kỷ niệm. Nhiều câu văn như thơ, và có những bài viết có thể đọc như bài thơ văn xuôi. Tác giả có dụng công chọn chữ dùng chữ, đặt câu theo hình ảnh, nhịp điệu, để buông ngân trong lòng độc giả những cảm xúc vấn vít lắm khi mơ hồ mà câu văn không nói hết được. Bài "Lênh đênh" (tr. 135) là như vậy. 

Từ một xóm vạn chài sống đời lênh đênh sông nước anh nghĩ về đời người đời sông. Và câu kết làm lời người cha dặn con đã là một chiêm nghiệm sống: "Khi ta thả xuống nước một con thuyền, ta đã tạo cho nó một cuộc sống. Nó cũng có thân phận riêng. Kể từ đó, nó biết lắng nghe tiếng nói của con người trong nỗi niềm sông nước." (tr. 138). Bài "Những chuyến xe đò" (tr. 167 - 171) có thể phát triển thành một truyện ngắn với nhân vật người thiếu phụ trên một chuyến xe đò miền Tây. "Tôi" trong bài hẳn nhiên là tác giả, nhưng người thiếu phụ này đã được nhìn qua con mắt của "tôi" người kể chuyện. Khi mới lên xe "tôi" tranh thủ ngắm nhìn trong giây lát thấy đó là một phụ nữ "Đẹp nhưng buồn, đôi mắt to không chớp dõi thẳng vào khoảng không phía trước. Điều gì đón đợi chị nơi bến cuối hay là chị vừa bỏ lại sau lưng những lưu luyến mới đây thôi giờ đã là ký ức…

Có vẻ tâm trạng của nhân vật giống như "người đàn bà ngồi đan" trong thơ Ý Nhi. Đến trạm dừng chân dọc đường, "tôi" thấy: "Dưới quầng sáng mỏng tang dưới gốc cây già, hình như chị khóc thầm với chiếc điện thoại trên tay. Chị đang đọc những dòng tin nhắn thì phải. Chiếc áo khoác mỏng không đủ che cái lạnh trái mùa." Cứ thế chuyến xe đi trên thực địa mà như trôi trong một màn sương bảng lảng mơ hồ. Trần Nhật Minh nói đúng, đó là sự bất ngờ thú vị trong những chuyến xe tưởng như cứ lặp lại đơn điệu giữa điểm đi và điểm đến. "Sẽ mất đi thi vị nếu mỗi chuyến xe cứ trôi đi thật nhanh mà không neo lại chút gì đó bâng khuâng." Chút bâng khuâng đó làm nên chất thơ cho tập sách này của anh.

Đi rồi để trở về. Miền sau cánh cửa ở phía ngoài là những chuyến đi. Miền sau cánh cửa ở phía trong là sự đoàn tụ. Trần Nhật Minh để mấy bài cuối tập sách nói cái sự về sau sự đi, về để thấy mình đã thay đổi, về để biết mình phải sống thong dong, chậm rãi, sống bình thản với mọi tốc độ. Đi rồi về để thấu hiểu được ý nghĩa chữ KHAI viết lối tượng hình bằng hai cánh cửa. Cửa mở do tự lòng mình, tâm mình mà ra. Để rồi từ đó Trần Nhật Minh "lại tiếp tục có mặt để đi nhặt những câu chuyện kể mãi, không bao giờ dứt." (tr. 197)

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội 18/6/2021

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem