Chiều ngày 7/7/2021, Bộ LĐTBXH đã tổ chức họp báo công bố quyết định Số 23/2021/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bắt đầu từ ngày mai 8/7, Quyết định 23 sẽ có hiệu lực thi hành.
Nhiều điểm mới trong hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19
Ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, dịch Covid-19 đã tác động tới hàng triệu lao động, hàng trăm nghìn doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng. Trước thực trạng đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Để thực hiện Nghị quyết 68, ngày 7/7 Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định 23 nhằm quy phạm hóa việc thực hiện biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của chính phủ. Quyết định gồm 11 chương, 46 điều.
"Nhiều điểm mới được nhắc tới trong Nghị quyết 68 như đối tượng: Bổ sung đối tượng trẻ em, người mang thai, nghệ sĩ hạng IV, giao hỗ trợ đối tượng lao động tự do cho các địa phương", ông Thanh nói.
Về mức hỗ trợ thấp nhất là 1,5 triệu đồng/người và 50 nghìn đồng/ngày, tùy từng đối tượng.
Về những điểm mới của Nghị quyết 68 và Quyết định 23 ông Thanh cho biết, đầu tiên quy định giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo đó, người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng, chống Covid-19. Người lao động vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ như bình thường (Ví dụ: Chính sách hỗ trợ tiền mặt; đào tạo nghề; hỗ trợ nuôi con nhỏ…).
Về Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Quyết định 23 có nhiều điểm mới.
Cụ thể nới lỏng điều kiện so với Nghị quyết 42/NQ-CP và Nghị quyết 145/NQ-CP, chỉ cần giảm 15% số lao động thuộc diện tham gia BHXH là được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian tạm dừng đóng theo Nghị quyết 68 là 6 tháng. Dài hơn so với nghị quyết 154 trước đây 3 tháng.
Thủ tục đơn giản hơn so với các trường hợp đề nghị tạm dừng đóng thông thường đang được quy định tại nghị định 115/2015/NĐ-CP và thông tư 59/2015/TT-LĐTBXH thay vì phải qua 2 bước là cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan BHXH thì nay chỉ phải gửi đến duy nhất một địa chỉ là cơ quan BHXH. Thời gian xử lý cũng được cắt giảm xuống còn 5 ngày thay vì 25 ngày như trước đây.
Hồ sơ cũng đơn giản hóa rất nhiều so với các đợt dịch trước, từ 3 thành phần hồ sơ còn 1 thành phần hồ sơ. Hệ thống mẫu biểu cũng đơn giản, thuận tiện hơn (giảm 50% thông tin phải kê khai).
Nội dung thứ 3 là chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho lao động. Theo đó, quyết định cũng nâng mức hỗ trợ từ 1 triệu đồng/người lên 1,5 triệu đồng/người. Thời gian hỗ trợ tối đa là 6 tháng với mức tiền hỗ trợ tối đa là 9 triệu đồng/lao động.
Điều kiện hưởng hỗ trợ của doanh nghiệp cũng được cắt giảm tối đa, người lao động, doanh nghiệp tự kê khai và có trách nhiệm với việc kê khai.
Về chính sách hỗ trợ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Lao động trong dạng này được hỗ trợ từ 1.855.000 đồng đến 3.710.000 tùy thuộc thời gian nghỉ việc, giãn việc.
Với lao động đang mang thai, hoặc đang phải nuôi con nhỏ (dưới 6 tuổi) thì sẽ được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người (hỗ trợ 1 người chăm sóc duy nhất).
Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng BHTN. Lao động thuộc diện này được hỗ trợ 1 lần là 3.710.000 đồng/người.
Ngoài ra chính sách cũng quy định hỗ trợ nhiều đối tượng mới như: Trẻ em; nghệ sĩ; hướng dẫn viên du lịch. Ngoài ra Quy định 23 cũng quy định cụ thể về mức hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc tại các doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH nói: Tới giờ này người dân đang ngóng từng ngày để làm sao đưa Nghị quyết vào cuộc sống, đặc biệt người lao động tự do. Những ngày qua hình ảnh những cháu bé đi cách ly; hàng dài lao động xếp hàng nhận bữa cơm miễn phí, người dân TP.HCM xếp hàng dài mua nhu yếu phẩm để chuẩn bị tinh thần cho cuộc chiến mới… khiến nhiều người cảm động, chua xót.
"Dịch bệnh vẫn còn kéo dài, sẽ có nhiều lĩnh vực bị ảnh. Do đó, ai, cơ quan nào địa phương nào chậm triển khai hỗ trợ là có lỗi với dân. Cơ quan nào đơn vị nào địa phương nào để xảy ra trục lợi chính sách là có tội với dân", ông Dung nhấn mạnh.
Ông Đào Ngọc Dung lo lắng dịch bệnh sẽ còn kéo dài. tác động của dịch bệnh sẽ còn sâu rộng, khó lường. Tại các tỉnh phía Nam, có 21 công ty xổ số bị dừng hoạt động. Hơn 100 lao động bán vé số mất việc Hàng nghìn lao động là xe ôm công nghệ giảm sâu thu nhập… họ đang rất cần được hỗ trợ.
Tại 3 tỉnh, thành phố lớn là: Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM số lượng lao động đã chiếm hơn 30% lực lượng lao động bị ảnh hưởng trong cả nước.
"Bởi vậy, không chỉ Bộ LĐTBXH mà rất nhiều cơ quan như BHXH; Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam, văn phòng Chính phủ… đã làm việc ngày đêm, cố gắng chạy thật nhanh để ban hành quyết định và thực hiện hỗ trợ sớm nhất cho lao động", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định số 23 các thủ tục được đơn giản tối đa. Thời gian và điều kiện đều được giảm đến mức có thể. Bộ LĐTBXH sẽ không ra văn bản thêm, nếu có chỉ trả lời, giải đáp thắc mắc của địa phương.
"Điều kiện thủ tục, hồ sơ đơn đã giản rồi, nhưng thời gian cũng được rút ngắn. Chưa có một gói hỗ trợ nào được làm nhanh, làm mạnh như vậy. Phải nói đây là gói hỗ trợ đột phá, táo bạo", Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Giải đáp những thắc mắc của báo, đài về đối tượng hỗ trợ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định câu chuyện hỗ trợ với nhóm nghệ sĩ hạng IV là cần thiết. Đây là nhóm lao động có mức lương rất thấp chưa tới 2 triệu đồng/người. Sự tích lũy cũng không có vì thế cuộc sống rất khó khăn. "Mọi người cứ nói nghệ sĩ giàu, nhìn vậy nhưng không phải vậy, vì có nhiều nghệ sĩ rất khó khăn. Gói hỗ trợ lần này chỉ hướng tới nhóm đó", Bộ trưởng nói.
Về hỗ trợ nhóm lao động tự do, Bộ trưởng cho rằng, nếu giao cơ chế để địa phương hỗ trợ địa phương sẽ được tự chủ. Bản thân địa phương cũng có thể cân đối dựa trên nguồn lực và có sự thống kê, giám sát kỹ. Hiện nay, TP. HCM bỏ hơn 200/800 tỷ để hỗ trợ lao động tự do. Quan điểm hỗ trợ lần này là Chính phủ đưa ra sàn tối thiểu, còn tối đa do địa phương xử lý. Lao động tự do di chuyển tới đâu thì hỗ trợ tới đó.