Lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được hỗ trợ tới 9 triệu/người tiền đào tạo lại nghề

Thùy Anh Thứ tư, ngày 07/07/2021 06:09 AM (GMT+7)
Thực hiện Nghị quyết 68, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho người lao động bị thất nghiệp, mất việc, ảnh hưởng do dịch Covid-19. Theo đó, mức hỗ trợ tối đa là 9 triệu đồng/người/khóa.
Bình luận 0

Điều kiện để lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được hỗ trợ đào tạo lại nghề?

Chiều qua (6/7), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP.

Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết: Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động là 1 trong 12 chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Gói chính sách này có tổng kinh phí là 4.500 tỷ đồng, nguồn từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai họp trực tuyến triển khai việc đào tạo lại cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Ảnh: TC

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai họp trực tuyến việc đào tạo lại cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Ảnh: TC

Điều kiện để nhận hỗ trợ đào tạo nghề là: Doanh nghiệp phải đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động (LĐ) thuộc đối tượng tham gia BHTN từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ. Doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020. Thời gian hỗ trợ trong vòng 6 tháng, thời gian nộp hồ sơ từ ngày 1/7/2021 - tới ngày 30/6/2022.

Ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, trước đó, năm 2020, Bộ LĐTBXH cũng đã có kiến nghị cho triển khai chương trình đào tạo lại cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng chưa được Quốc hội chấp thuận. Lần này, Nghị quyết 68 của Chính phủ đã đồng ý cho triển khai đào tạo lại lao động, đồng thời nghị quyết cũng quy định đơn giản hóa tới mức tối đa điều kiện và thủ tục thực hiện.

Về hồ sơ xét duyệt đào tạo lại nghề cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19  gồm có: Văn bản đề nghị của doanh nghiệp kèm theo doanh thu chứng minh giảm doanh thu 10% so với cùng kỳ; Mẫu khai thay đổi cơ cấu tổ chức, áp dụng công nghệ; Phương án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và xác nhận của BHXH tỉnh.

"Để thực hiện, điểm quan trọng nhất là doanh nghiệp phải có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động", ông Khánh nhấn mạnh.

Về mức hỗ trợ, Nghị quyết 68 quy định cụ thể, hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng với 1 lao động. Thời gian học tối đa là 6 tháng, số tiền hỗ trợ tối đa là 9 triệu đồng. So với các khoản hỗ trợ đào tạo nghề trước đây thì gói hỗ trợ này là không hề nhỏ. Nguồn kinh phí sẽ được lấy trực tiếp từ nguồn kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp do BHXH trực tiếp chi trả. Việc phê duyệt mức hỗ trợ sẽ do lãnh đạo Sở LĐTBXH quyết định.

"Chính phủ giao Bộ LĐTBXH trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định triển khai các nội dung quy định về chính sách hỗ trợ theo trình tự, thủ tục rút gọn. Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc: Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách".

Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Không có giới hạn lĩnh vực ngành nghề nhận hỗ trợ đào tạo lại

Là đơn vị trực tiếp triển khai, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đặt ra các câu hỏi, thắc mắc về đối tượng, ngành nghề được hỗ trợ. 

Đại diện trường Cao đẳng cơ điện và xây dựng Bắc Ninh kiến nghị cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trực tiếp tại phân xưởng của doanh nghiệp để vừa phòng dịch, vừa chủ động sản xuất.

Trả lời các câu hỏi của các trường, và địa phương ông Trương Anh Dũng khẳng định: Việc đào tạo lại nghề theo Nghị quyết 68 không hạn chế lĩnh vực nghề nghiệp, loại hình doanh nghiệp. Miễn là việc đào tạo liên quan đến cơ cấu lại tổ chức hoặc ứng dụng công nghệ mới.

Điều kiện để DN nhận gói hỗ trợ lao động là phải sụt giảm doanh thu 10% so với cùng kỳ năm trước. Lao động phải có thời gian tham gia BHXH và chịu ảnh hưởn bởi dịch Covid-19. Ảnh: T.V

Điều kiện để DN nhận gói hỗ trợ lao động là phải sụt giảm doanh thu 10% so với cùng kỳ năm trước. Lao động phải có thời gian tham gia BHXH và chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: T.V

Lưu ý về mức hỗ trợ, ông Dũng cho biết, kinh phí hỗ trợ theo thực tế thời gian từng khóa học. Học ngắn hỗ trợ ngắn. Trường hợp khóa đào tạo không đủ ngày tháng thì được tính theo nguyên tắc: Dưới 15 ngày tính là 1/2 tháng, từ đủ 15 ngày trở lên tính là 1 tháng. Đối với khóa đào tạo nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ là 9 triệu đồng/người thì phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động tự chi trả.

 "Đây là cơ hội để các cơ giáo dục nghề nghiệp khẳng định thương hiệu, uy tín trong việc đào tạo kỹ năng nghề để lao động thích ứng với việc thị trường lao động đang có sự thay đổi lớn vì dịch Covid-19. Đồng thời, đây cũng là hướng đi mới để trường nghề chủ động liên với các doanh nghiệp trong việc đào tạo lại nghề nhằm tái cơ cấu sản xuất, thực hiện chuyển đổi số trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp", Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem