Dân Việt

TP.HCM: Người dân chen chân trong siêu thị, mua hàng tiền triệu trước giãn cách xã hội

Hồng Phúc 08/07/2021 15:55 GMT+7
Dù không đông nghẹt như hai hôm trước nhưng lượng người đổ về mua sắm tại các siêu thị vẫn khá đông. Quầy trứng, thịt tiếp tục hết hàng cục bộ.
TP.HCM: Người dân vẫn chen chân trong siêu thị, mua cả triệu tiền hàng - Ảnh 1.

Từ sáng đến trưa 7/7, nhiều người vẫn đổ về các siêu thị tại TP.HCM để mua sắm thực phẩm, hàng hóa các loại. Từ 0h ngày mai, TP.HCM sẽ thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 16 nên nhiều người cho biết, họ đi mua sắm nhiều hơn, trung bình mỗi hóa đơn hơn cả triệu đồng tiền hàng để dùng cho nửa tuần, hạn chế ra khỏi nhà trong thời gian đó.

TP.HCM: Người dân vẫn chen chân trong siêu thị, mua cả triệu tiền hàng - Ảnh 2.

Siêu thị Emart (quận Gò Vấp), một trong những “điểm nóng” đông nghẹt người hai ngày qua tại TP.HCM sáng nay không còn cảnh xếp hàng dài chờ đến lượt vào mua sắm. Đến cận trưa, khu vực thanh toán vẫn rất vắng, mỗi quầy chỉ khoảng 2-3 khách chờ đến lượt, chứ không phải nối đuôi xếp hàng dài chờ 2-3 tiếng như hôm trước.

TP.HCM: Người dân vẫn chen chân trong siêu thị, mua cả triệu tiền hàng - Ảnh 3.

Dù vậy, bên trong siêu thị, khu vực rau củ quả, thịt heo, thịt bò và thủy hải sản các loại vẫn rất đông người. Với đầy ắp xe đẩy, di chuyển qua khu vực này khá khó khăn.

TP.HCM: Người dân vẫn chen chân trong siêu thị, mua cả triệu tiền hàng - Ảnh 4.

Nghe siêu thị phát loa thông báo để đảm bảo mua sắm an toàn, khách phải giãn cách 2 mét, anh Hoàng Anh (quận Gò Vấp) lắc đầu vì khó mà làm được. Tuy nhiên, anh nói may mắn hôm nay không quá đông như những ngày trước. Thấy quầy thu ngân của siêu thị khá vắng, anh quyết định mua nhanh rồi về.

TP.HCM: Người dân vẫn chen chân trong siêu thị, mua cả triệu tiền hàng - Ảnh 5.

Không nườm nượm khách đến mua nhưng một kệ thịt heo các loại trống không. Một số kệ thịt khác vẫn còn nhưng cũng bắt đầu vơi dần.

TP.HCM: Người dân vẫn chen chân trong siêu thị, mua cả triệu tiền hàng - Ảnh 6.

Khách ngạc nhiên khi thấy chưa đầy 10h, quầy thịt đã bắt đầu vơi. Nhân viên thông báo hết thịt ba rọi nên nhiều người chuyển sang các loại thịt khác. Mua với số lượng lớn, nhiều người yêu cầu nhân viên cắt khoảng 2-3 kg.

TP.HCM: Người dân vẫn chen chân trong siêu thị, mua cả triệu tiền hàng - Ảnh 7.

Những vỉ trứng cuối cùng còn lại trên kệ. Nhân viên gọi điện cho bộ phận kho, chuẩn bị mang hàng thêm. Theo các siêu thị, việc hết hàng này chỉ xảy ra cục bộ, do số lượng người mua tăng đột biến cùng một thời điểm, việc vận chuyển đưa hàng lên kệ không được tức thì. Thực tế, các hệ thống bán lẻ đều có nguồn hàng dự trữ, không lo thiếu.

TP.HCM: Người dân vẫn chen chân trong siêu thị, mua cả triệu tiền hàng - Ảnh 8.

Trong khi đó, quầy rau củ rất dồi dào. Chưa có hiện tượng trống hàng. Nhân viên cũng liên tục đi đến các quầy này để châm thêm.

TP.HCM: Người dân vẫn chen chân trong siêu thị, mua cả triệu tiền hàng - Ảnh 9.

Bà Thư (quận Gò Vấp) mua nhiều rau xanh hơn thịt. Bà nói giá rau tại siêu thị rẻ hơn, ngon hơn so với chợ. “Sáng nay, tôi đi chợ trễ nên rau xanh hết sạch, giá lại tăng vọt, không mua được gì. Vào đây thấy hàng còn nhiều nên mua rất dễ”, bà nói.

TP.HCM: Người dân vẫn chen chân trong siêu thị, mua cả triệu tiền hàng - Ảnh 10.

Đồ hộp, thịt hộp các loại cũng trống kệ. Nhân viên cũng liên tục thêm hàng. So với những đợt giãn cách trước, lần này, người tiêu dùng chủ yếu mua thực phẩm, rau xanh, thịt cá thay vì “ôm” mì gói, bún miến như trước.

TP.HCM: Người dân vẫn chen chân trong siêu thị, mua cả triệu tiền hàng - Ảnh 11.

Nhiều cửa hàng thực phẩm như Bách Hóa Xanh, Vissan, Satrafoods, Hà Hiền… người dân cũng xếp hàng dài chờ đến lượt mua sắm. Ghi nhận cho thấy, so với các ngày trước, hàng hóa tại các cửa hàng này cũng dồi dào hơn.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết với năng lực dự trữ và cung ứng của các hệ thống phân phối, các doanh nghiệp bình ổn thị trường, TP đủ lượng hàng cung ứng và các điểm bán phân phối hàng hóa, đảm bảo duy trì ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

"Đề nghị người dân không tập trung đông người mua sắm tích trữ hàng hóa, không đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch và hãy cùng đồng hành trách nhiệm với TP để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn", ông Phong khẳng định.