"Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh"
Những câu thơ trong lời hát ru thuở nhỏ của bà, của mẹ, hẳn đã khiến bao người, dù cách xa cả ngàn cây số, vẫn mong một lần được đặt chân đến xứ Lạng thân thương…
Phố Kỳ Lừa là một địa điểm mà ai đặt chân tới TP.Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) cũng muốn đến một lần. Bởi con phố này không chỉ là nơi buôn bán sầm uất nổi tiếng mà còn là một địa danh văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức người dân xứ Lạng, từ xa xưa cho đến tận ngày nay…
Phố nhỏ nổi tiếng
Nếu bạn chưa đến Lạng Sơn, mà chỉ tìm kiếm thông tin trên mạng internet thì cái tên phố Kỳ Lừa, sẽ là cụm từ nổi tiếng nhất của địa danh này. Nhiều người sẽ tưởng tượng đây là một con phố lớn, rộng dài và là phố chính của TP. Lạng Sơn. Nhưng thực ra, Kỳ Lừa lại là một con phố nhỏ thuộc phường Hoàng Văn Thụ (TP.Lạng Sơn). Ngược về lịch sử hình thành phố Kỳ Lừa, chúng tôi tìm thấy tài liệu về người có công lập ra phố nổi tiếng này là Tả Đô đốc, Hán Quận Công Thân Công Tài, đời Hậu Lê. Hiện giờ đền thờ ông được nhân dân lập ngay ở cuối phố gọi là đền Tả Phủ.
Nửa năm làm công dân của xứ Lạng tôi mới thấy, có lẽ Lạng Sơn là thành phố bình lặng nhất mà tôi đã sống hay đặt chân tới. Bởi tôi chưa khi nào thấy người dân ở đây vội vàng. Cuộc sống rất tuần tự, bình lặng... Chiều đến, chỉ 5 giờ là hầu như không ai nói đến công việc nữa. Các cửa hàng, cửa hiệu của Lạng Sơn cũng đóng cửa sớm hơn bất cứ nơi buôn bán nào tôi từng biết. Nhưng Kỳ Lừa lại rất khác... Từ sáng tới đêm, ở đây, lúc nào cũng gặp cảnh bán mua tấp nập. Từ những mớ rau, quả trứng nơi vườn nhà của đồng bào đến hàng hóa thương mại của bà con tiểu thương, cứ ra Kỳ Lừa, giờ nào cũng có.
Tháng 10/2020, UBND TP.Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) khai trương Phố đi bộ Kỳ Lừa. Phố đi bộ Kỳ Lừa hoạt động từ 18 - 24 giờ thứ Sáu và thứ Bảy hàng tuần. Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm các trò chơi dân gian, thưởng thức các tiết mục văn hóa - văn nghệ, các món ẩm thực đặc sắc... của xứ Lạng.
Bà Nông Thị Bính (54 tuổi, thôn Phai Duốc, xã Mai Pha TP.Lạng Sơn) mang hơn chục bó rau, và một mớ quả cà pháo từ vườn nhà ra Kỳ Lừa bán. Bà Bính chia sẻ: "Rau, cà mình khắc làm ở vườn nhà thôi, làm được tới đâu thì mang bán, mà chỉ mang ra phố Kỳ Lừa mới bán được thôi. Vì người dân Lạng Sơn cũng có thói quen, đi qua đây mua rau lặt vặt rồi". Bà Bính chia sẻ thêm, từ nhà bà ra tới phố Kỳ Lừa cũng đi gần chục cây số. "Tiền bán rau chỉ được vài sschục nghìn thôi, nhưng mà vui vì còn được ra chợ bán hàng. Mà bán hàng do chính mình làm ra đấy chú ạ!"-bà Bính vui vẻ.
Ở Lạng Sơn, phố Kỳ Lừa còn nổi tiếng với những quán ăn. Người Lạng Sơn cũng có khác đôi chút với những đô thị khác, bữa cơm gia đình không nhất thiết phải phụ nữ nấu ở nhà, mà tìm thấy ngay ở những quán ăn. Cũng đủ vị cả, rau luộc, cà muối, thịt rang, cá kho... Ở đây, việc cả gia đình đi ăn cơm quán hết sức bình thường, chứ không phải có sự kiện gì quan trọng thì người ta mấy dắt nhau ra quán. Chính vì thế những quán cơm như: Anh Thắng, Kim Sơn… lúc nào cũng có bàn cho gia đình ngồi, chứ không phải chỉ dành cho khách ăn độ đường ghé lại.
Chị Thanh, chủ quán cơm ngay đầu phố Kỳ Lừa cho biết: "Ở đây, chúng tôi bán hàng đủ 3 bữa, từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm, lúc nào khách đến ăn cũng được. Khu phố ẩm thực này, ngoài những quán ăn vặt như bún, phở, vịt quay, thì lúc nào các bạn đến ăn cơm cũng có các món nổi tiếng của Lạng Sơn như Khau Nhục, ngồng cải xào…".
Nói đến phố Kỳ Lừa cũng phải nhắc tới những sản phẩm thương mại ở nơi này. Do đặc điểm của vùng đất biên giới nên các sản phẩm ở đây từ chiếu trúc, đồ điện tử, gia dụng… đều là hàng Trung Quốc. Ở Kỳ Lừa, tiểu thương chủ yếu bán buôn về các tỉnh miền xuôi. Để phục vụ khách đến lấy hàng, ngay đầu phố, người ta bố trí hẳn một bãi xe có sức chứa hàng chục xe ôtô lớn để khách lấy hàng về xuôi.
Anh Hoàng Văn Hải, chuyên bán đồ điện tử ở phố Kỳ Lừa cho biết: "Nếu không vì dịch Covid - 19 thì khách lên lấy hàng đông lắm! Cuối tuần phố đi bộ mở bán lẻ cho khách du lịch cũng tốt. Nhưng giờ khách xa thì chủ yếu là đóng hàng gửi xe đi, nhưng làm thế không thích bằng được mua bán trực tiếp với nhau".
Rộn ràng hội pháo...
Phố Kỳ Lừa được người Lạng Sơn và cả nước biết tới, không chỉ có cảnh tấp nập bán buôn, mà còn là một điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo. Đền Tả Phủ thờ Hán Quận Công Thân Công Tài có hội từ ngày 22 - 27 tháng Giêng âm lịch, mà dân Lạng Sơn vẫn gọi là đền Đầu Pháo.
Ông Hoàng Văn Chiến (61 tuổi) là hộ kinh doanh ở phố Kỳ Lừa đã hơn 40 năm, cho biết: "Hội Tả Phủ có tục đốt pháo, chiếc đầu pháo bay thăng thiên lên trời. Đúng hôm hội pháo, nhà ai cũng làm một mâm cơm cúng ở ngoài trời, để cầu may mắn. Nhà nào năm đó được đầu pháo rơi vào thì cả năm có phần may mắn hơn nữa. Đặc biệt, vào ngày hội chính, bà con các dân tộc, Tày, Nùng ở các huyện xa như Văn Lãng, Văn Quan, Bình Gia… hẹn nhau về đi hội rất đông. Sắc màu áo chàm, cũng những câu hát si hát lượn làm cho phố Kỳ Lừa có một sự thu hút rất lạ kỳ…".
Cũng ở phố kỳ Lừa, có nhà tưởng niệm nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ ở số 50. Đây là ngôi nhà mà đồng chí Hoàng Văn Thụ ở trọ từ năm 1923- 1927. Hiện tại, đang được để làm nhà lưu niệm, để thế hệ trẻ tỉnh Lạng Sơn tìm đến học tập tinh thần yêu nước, của người chiến sĩ cách mạng ưu tú, người con xuất chúng của quê hương Lạng Sơn.
Đến với Kỳ Lừa là đến với những nét sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của bà con xứ Lạng. Giữa không khí trong lành, xanh mát của vùng biên cương, sắc áo chàm với những câu hát si, hát lượn ân tình hẳn sẽ khó phai trong lòng du khách, khi một lần đặt chân đến địa danh nổi tiếng này...
(Còn nữa)