Báo chí cách mạng Việt Nam ngoài chức năng thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn có chức năng quan trọng là phản biện, giám sát xã hội; phát hiện và đưa ra ánh sáng những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật.
Chức năng này được nêu rõ trong Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật Phòng, Chống tham nhũng. Thực tế, thời gian qua đã cho thấy đã có nhiều vụ án đã được khởi tố từ thông tin các phóng viên, các cơ quan báo chí cung cấp cho cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền đã được luật hóa. Người dân có quyền khiếu nại, tố cáo các tổ chức, cá nhân thuộc mọi lĩnh vực, trong đó có hoạt động báo chí. Việc khiếu nại, tố cáo này thể hiện tính dân chủ, bình đẳng giữa quyền và nghĩa vụ trong xã hội của cá nhân, tổ chức.
Các phóng viên, các cơ quan báo chí có bị khiếu nại, tố cáo là bình thường theo luật định. Đối với các cơ quan báo chí, các phóng viên có nhiều ý kiến phản biện, điều tra đến tận cùng sự thật để phản ánh thì việc bị phản ứng, khiếu nại (có thể đúng hoặc sai) là khó tránh khỏi.
Vấn đề đặt ra: Trước tình huống bị khiếu nại, tố cáo, các cơ quan báo chí, các phóng viên, nhà báo cần tiếp nhận và xử lý như thế nào?
Trước hết cần xác định việc khiếu nại tố cáo là quyền của công dân, của các tổ chức, do đó cần bình tĩnh, tôn trọng các ý kiến khiếu nại tố cáo để giải quyết một cách thỏa đáng theo quy định của pháp luật.
Tiếp đến, cần cẩn trọng phân tích khách quan, xác định sự đúng, sai của các nội dung khiếu nại, tố cáo để có phương án xử lý đúng đắn, hợp tình, hợp lý.
Giả sử trong trường hợp nếu báo chí thông tin hoặc nhận định không chính xác, gây thiệt hại cho các tổ chức cá nhân phải thành thực và nghiêm túc khắc phục cũng như chịu trách nhiệm theo luật định.
Nếu thông tin và nhận định chính xác thì rõ ràng cần phải kiên quyết bảo vệ quan điểm, công tâm, nhân văn, có lý và có tình. Nếu thông tin và nhận định có chi tiết đúng, có chi tiết sai, cần xác định rành rõ đúng ở đâu sai phần nào, sai đến đâu chịu trách nhiệm, khắc phục đến đó.
Thực tiễn cho thấy việc tổ chức, cá nhân khiếu nại, tố cáo các phóng viên, các cơ quan báo chí là "lợi" nhiều hơn "hại".
Và điều quan trọng, văn hóa là nền tảng. Phản biện, khiếu nại hay tố cáo là điều rất đỗi bình thường nhưng rất cần thiết phải tuân thủ đúng pháp luật và có văn hóa.
Thế Sơn
Nếu các tác phẩm báo chí có thông tin và nhận định đúng, có mục đích thật trong sáng, việc bị khiếu nại, tố cáo sẽ là cơ hội làm rõ hơn nội dung đã được báo chí phản ánh, mang lại sự tích cực nhiều hơn, bài viết có sức lan tỏa và tác động tốt đến dư luận xã hội nhiều hơn.
Khi tổ chức, công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo sẽ buộc các phóng viên, các tòa soạn luôn luôn cẩn trọng, tuân thủ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp; phải tự hoàn thiện mình nhiều hơn về kỹ năng, nghề nghiệp và đạo đức làm báo. Đó là cái được đối với phóng viên, nhà báo.
Nếu khiếu nại, tố cáo của công dân là chính xác còn là điều tốt cho các phóng viên, nhà báo và các cơ quan báo chí. Đó không chỉ là liều thuốc để 'test' thử đúng/sai mà quan trọng là biết để cầu thị, sửa chữa, khắc phục.
Nếu không có phản biện của bạn đọc, của xã hội, bất kỳ ai không riêng gì phóng viên, nhà báo cũng có thể 'tự ru ngủ mình' và vượt quá giới hạn phạm vi, quyền hạn.
Về phía các cơ quan báo chí, khi tiếp nhận khiếu nại không chỉ hành xử đúng luật mà trên hết, dù trong bất kỳ tình huống nào cũng phải là chỗ dựa vững chắc cho phóng viên, nhà báo của mình.
Có như vậy các phóng viên, nhà báo của cơ quan báo chí mới yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ phản biện, dấn thân đấu tranh chống tiêu cực.
*Bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả công tác trong lĩnh vực báo chí và nghiên cứu pháp luật về báo chí.