Bước qua cái tuổi 50, gương mặt thân hình của ông Bùi Văn Dũng (Hoằng Thắng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) như người đã ngoài 60 tuổi. Ông già trước tuổi có lẽ một phần cũng do phải lao tâm, khổ tứ, vật vã mưu sinh với nghề thổi kèn, đánh trống đám ma.
Ông Dũng kể: "Công việc của mấy anh em tôi làm chẳng kể ngày đêm. Lúc nào có đám, khách gọi là lên đường. Có khi đang ngủ, 1-2 giờ sáng khách gọi cũng phải dậy, lật đật mặc quần áo rồi ông lên đường đi luôn".
Công việc của đội kèn trống phục vụ đám ma tưởng chừng như đơn giản, nhưng thực tế lại rất mệt mỏi. Bình thường mọi người chỉ đi làm tầm 6-8 tiếng đồng hồ là được nghỉ, nhưng ông Dũng 1 ngày làm việc tới 18 tiếng thậm chí là 20 tiếng liên tục. Có khi cả đêm ngồi phục vụ kèn trống, khóc mướn, tối muộn 2-3 giờ sáng lại tế nên không có thời gian ngủ. Giấc ngủ nếu có cũng chỉ chập chờn, ngủ gà gật trên bàn nước, hay chiếu trải dưới hiên nhà tầm 30 phút đến 1 tiếng.
"Trời nắng nóng, cầm chiếc kèn thổi nhiều giờ, đôi khi thổi đến kiệt sức, cạn cả hơi. Nhiều hôm mệt anh em trong đội kèn chống làm còn chẳng thiết ăn, chỉ làm lon nước ngọt uống cầm hơi làm việc", ông Dũng nói.
Nhiều người tâm sự, ngồi đám ma nghe tiếng kèn trống 1-2 tiếng đã đau đầu rồi, những người làm nghề phải nghe cả ngày. Mệt mỏi, nhưng đã là công việc thì phải làm.
Cả đội của ông Dũng có 5 người. Người đánh trống, người thổi kèn, người gõ mõ, người đánh đàn cò, người kéo nhị... mỗi người một việc, tiền công thì cả nhóm nhận chung rồi chia nhau.
Thông thường, tiền trả cho đội kèn trống phục vụ 1 đám ma trong 1,5 ngày rơi vào khoảng 4,5 -5 triệu đồng. Tiền này chưa bao gồm công thuê người dẫn chương trình, thuê loa đài, tiền thuê thầy cúng, tiền mượn người khóc hộ.
"Tính ra, sau 1 đến 1,5 ngày làm việc, chúng tôi mỗi người đút túi được khoảng 800.000 đến 1 triệu đồng. Thu nhập tuy không nhiều, nhưng là cao so với nhiều công việc khác. Khoản tiền đó cũng xem như là đủ ăn tiêu ở vùng quê này", ông Dũng kể.
Dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế, nhiều ngành nghề, lao động bị tác động dẫn tới mất việc, nghỉ việc, thế nhưng nghề đánh trống, thổi kèn, khóc thuê tại đám ma lại ít chịu tác động. Ông Dũng lý giải: "Ở vùng này không có người nhiễm, nên đời sống bà con gần như không bị ảnh hưởng. Chúng tôi làm việc bình thường. Lượng khách tới viếng có thể hạn chế, ít hơn nhưng đám ma nào cũng cần có đội thợ kèn trống, khóc thuê vì thế anh em tôi vẫn đi làm".
Tranh thủ lúc nghỉ ngơi hiếm hoi, anh Nguyễn Văn Tuân, 47 tuổi (Hoằng Thắng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) một thành viên chuyên kéo nhị, khóc thuê trong nhóm tâm sự: "Cái nghề này nó cũng kén người lắm, không phải ai muốn là làm được. Nhiều khi phải thức đêm, thức hôm, khóc lóc vật vã, ỉ ôi. Khóc mướn nhưng mà phải khóc như thật, mình khóc mình nghe phải cảm động được thì người nghe mới cảm động. Khóc hay người ta mới thưởng thêm tiền, khóc không hay sau này cũng không ai muốn mướn nữa".
"Có đêm, tôi khóc cả chục cuộc, khóc nhiều sáng hôm sau cổ khản đặc nói còn chả ra hơi, phải ngậm muối, ngậm thuốc cho nó đỡ rát", anh Tuân kể lại.
Tiền khóc mướn được người thuê trả tùy tâm. Ít thì 20-30.000 đồng, nhiều thì 50-100 có khi là 200.000 đồng. Người khóc có sẵn bài, cứ thế khóc, chứ không phải vì tiền nhiều hay ít mà khóc ít, khóc nhiều.
Anh Tuân tâm sự, mỗi thợ khóc cũng phải đút túi cả chục bài khóc. Ví dụ: Khóc ông nội, khóc ông ngoại, khóc bà, khóc anh, khóc bố, khóc mẹ... mỗi bài có một nội dung khác nhau, người khóc cũng phải luyến láy, thêm bớt cho phù hợp. Một bài thường khóc từ 5 -10 phút.
"Có đám ma thì đi làm, rảnh thì tập tành cật lực, từ âm điệu “giọng khóc” sao cho sầu thảm, bi ai, đến cách kéo nhị, trống phách sao cho đúng nhịp. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế để làm được nghề khóc mướn, tôi phải luyện tập, thực hành cả chục năm. Cũng có nhiều người xin làm nhưng làm được mấy hôm thì nghỉ vì học mãi vẫn không được, đành bỏ nghề”, anh Tuân kể lại.
Sau nhiều năm làm nghề, đội thợ của ông Dũng, anh Tuân cũng có chút tiếng tăm, vì thế giờ đây nhiều khi khách gọi "Xua đi không hết".
"Có tháng cao điểm, chúng tôi tiếp nhận từ 15-18 đám ma mời đến làm dịch vụ. Có lúc cao điểm, 1 ngày 2 đám, anh em chúng tôi còn phải chia nhau đi phục vụ", ông Dũng kể.
Ngẫm lại, tuổi đã lớn, công việc vất vả nên ông Dũng cũng muốn tuyển thêm 2-3 người vào đội kèn trống. Thế nhưng tuyển mãi chẳng được. Người có tài thì không muốn làm vì chê công việc vất vả "kém sang", người muốn làm thì không biết đánh trống, thổi kèn, khóc mướn…
"Đành rằng làm nghề là để kiếm cơm, nhưng làm nghề gì cũng phải có cái tâm. Làm nghề phục vụ người chết, càng phải nhiệt tình, tâm huyết hơn cả. Nếu không có cái tâm, không vì nghề thì không thể gắn bó", ông Dũng nhắn nhủ.