Sau nhiều năm tìm tòi, khởi nghiệp không thành, mới đây anh Lê Văn Xuân (36 tuổi) ở tiểu khu 3 thị trấn Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào làm mô hình trồng dưa kim hoàng hậu trong nhà màng. Thành quả đạt được không ngờ, sau 3 vụ, anh thu về hàng trăm triệu đồng.
Anh Xuân nhớ lại: "Đầu năm 2020, khoảng tháng 3 tôi bắt đầu tìm hiểu và được Công ty Lam Sơn Thanh Hóa chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất dưa hoàng hậu kim quy trong nhà màng. Lúc đầu cũng khá lo lắng vì kiến thức không có, vốn ít, lao động thiếu... nên chỉ sợ phá sản".
Đầu tư làm gần 2.000m2 nhà màng trồng dưa lưới cần khoảng hơn 700 triệu đồng. Anh được tỉnh hỗ trợ 50% chi phí để làm mô hình điểm. Số tiền còn lại gần 300 triệu đồng nhưng anh Xuân vẫn không có đủ. Lúc này anh đã phải xoay xở, vay mượn rất nhiều nơi.
"Cũng may lúc đó, tôi được Ngân hàng chính sách huyện Thiệu Hóa cho vay 70 triệu đồng. Có khoản tiền nhỏ tôi gộp vào mua phân bón, giống... nguồn vốn thực sự quý, đến đúng lúc gia đình tôi đang khát vốn nhất", anh Xuân tâm sự.
Anh Xuân cũng cho biết trung bình mỗi vụ anh thu được từ 5 -7 tấn, nếu tính giá dưa trung bình khoảng 30.000 đồng/1kg thì anh cũng thu về khoảng 150 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư, anh thu lãi khoảng 50-60 triệu đồng/1 vụ. Một năm trồng được 3 vụ, như vậy với gần 2.000m2 dưa nhà màng anh thu được khoảng 150-170 triệu đồng tiền lãi.
"Sau 3 vụ dưa, tới nay tôi đã trả gần hết nợ. Tôi mong muốn sẽ được vay thêm vốn để nâng diện tích trồng dưa lên gấp đôi", anh Xuân chia sẻ thêm.
"Từ đầu năm 2015 đến 30/6/2021, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa đã cho vay được 882,8 tỷ đồng, với hơn 20.000 lượt khách hành vay vốn. Trong đó, cho vay các cơ sở sản xuất kinh doanh được 332 lượt khách hàng với tổng số tiền 31,9 tỷ đồng, cho vay thông qua hộ gia đình được hơn 7.000 hộ với tổng số tiền là 253,7 tỷ đồng, cho vay trực tiếp người lao động gần 13.000 lao động với tổng số tiền là 597,3 tỷ đồng. Dư nợ chương trình cho vay Hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đến ngày 30/6/2021 đạt 576 tỷ đồng với gần 12.000 khách hàng".
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa
Mong muốn tăng nguồn vốn vay
Ông Lê Văn Hoàn - Phó chủ tịch Hội Nông dân Thị trấn Thiệu Hóa, đơn vị nhận ủy thác cho vay vốn từ Ngân hàng chính sách huyện Thiệu Hóa cho biết, thị trấn có tổng cộng 13 nhà màng trồng dưa lưới kim hoàng hậu. Nhiều lao động làm mô hình này đã tận dụng được nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm.
Ông Hoàn cho biết thêm việc vay vốn ưu đãi không chỉ tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho gia đình anh Xuân mà còn giúp tạo việc làm tăng thu nhập cho hàng chục hộ dân tại thị trấn. Hiện tại có 20 nông dân địa phương là lao động thời vụ, (khoảng 5 tháng/năm) tại các nhà màng trồng dưa. Thu nhập của lao động đạt 150-200.000 đồng/1 ngày công. 1 tháng lao động có mức tiền lương từ 4,5 -5,5 triệu đồng.
"Mô hình trồng dưa kim hoàng hậu góp phần khẳng định sự ưu việt trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời góp phần hình thành nên vùng sản xuất chuyên canh của huyện. Đặc biệt góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân", ông Hoàn nói.
Ông Nguyễn Duy Thủy - Phó giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thiệu Hóa cho biết, hiện tại phòng đang thực hiện cho vay vốn tạo việc làm theo Nghị định 74 của Chính phủ.
Tổng dư nợ là 29.085 tỷ với 555 khách hàng còn dư nợ. Phòng giao dịch tập trung cho vay vốn ở các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong đó có mô hình trồng nhà màng làm dưa kim hoàng hậu, trồng dưa chuột baby, trồng rau củ quả sạch.
Ngoài ra ngân hàng chính sách cũng dùng nguồn vốn để cho vay sản xuất chăn nuôi thủy hải sản nước ngọt như: Nuôi baba; chăn nuôi tôm... Mô hình thứ 3 đó là mô hình cho vay để tạo việc làm, duy trì phát triển làng nghề truyền thống như: Làng nghề đúc đồng, làng nghề sản xuất bánh đa.
"Hiện tại tất cả dự án ngân hàng cho vay phát huy kết quả tốt. Nguồn vốn đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người vay, đồng thời còn tạo thêm được nhiều việc làm mới cho lao động địa phương", ông Thủy nói.
Ông Thủy nhận định, thời gian qua do tác động của dịch Covid-19, lao động thất nghiệp mất việc làm ở thành phố tăng lên. Điều này khiến cho nhiều lao động quay trở lại quê hương chăn nuôi, mở rộng sản xuất. Ngân hàng chính sách nắm bắt được điều này và tập trung nguồn lực để hỗ trợ lao động vay vốn giải quyết việc làm. Cơ bản nguồn vốn cho vay đang phát huy hiệu quả trong việc tạo việc làm cho nông dân, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
2/3 dân số của huyện Thiệu Hóa là làm nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 1,4%, hộ cận nghèo là 7,8%. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cũng giảm qua các năm vì thế chương trình vay hộ nghèo được dự báo sẽ giảm dần.
"Mong muốn lúc này của chúng tôi là được tăng nguồn vốn vay giải quyết việc làm vì nhu cầu vay vốn của lao động để tạo việc làm, nhất là việc làm cho nông dân giờ đây đang rất lớn. Những năm gần đây nguồn vốn vay không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân", ông Thủy nói.