Bất chấp cái nắng nóng như thiêu đốt của ngày hè, và cái nóng tới bỏng tay khi ngồi tráng bánh đa cạnh những nồi hơi, hàng trăm lao động ở thôn Đắc Châu 1 vẫn miệt mài làm việc. Ngoài lý do làm việc có thêm thu nhập, người dân còn cố gắng làm việc để giữ bằng được cái nghề truyền thống của ông cha.
Trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hàng triệu lao động bị ảnh hưởng, hàng nghìn lao động bị mất việc thì tại làng nghề sản xuất bánh đa - Thôn Đắc Châu 1 (xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) người dân vẫn sống tốt nhờ nghề.
Một ngày làm việc của anh Đỗ Như Sức (48 tuổi) thôn Đắc Châu 1, xã Tân Châu (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) bắt đầu từ 4h sáng. Đều đặn, hàng ngày vào giờ này anh bắt đầu dậy tráng bánh, sau đó phơi bánh, mang bánh đi gửi, quay lại ủ bột, xay bột... là tới 9-10 giờ tối.
Anh Sức cho biết, tráng bánh đa là nghề gia truyền của ông bà để lại. Làng nghề Đắc Châu có hơn 200 hộ sản xuất bánh đa, bánh đa nem. Thu nhập nghề mang lại không quá cao, khoảng 6-7 triệu đồng/người/tháng nhưng đủ nuôi sống anh gia đình và tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương.
"So với công việc khác, công việc tráng bánh đa vất vả, cho thu nhập không cao, nhưng được cái ổn định, được làm việc tại nhà nên có thời gian chăm sóc con cái. Dù khó khăn nhưng làm miết từ nhỏ tới giờ thành quen, giờ bảo bỏ nghề cũng không bỏ được", anh Sức nói.
Anh Sức kể, để có một cái bánh đa, lao động phải làm việc qua nhiều công đoạn. Công đoạn đầu tiên là chọn gạo, nguyên liệu vừng hoặc bột sắn. Tiếp đó, ngâm gạo, xay bột. Qua khâu xay bột sẽ đến khâu lọc bột, rồi mới tới khâu tráng bánh. Sau khi tráng bánh cho lên khay, lao động sẽ mang phơi dưới trời nắng từ 4-6 tiếng. Tiếp sau đó là thu bánh và quạt bánh. Công đoạn nào cũng vất vả, đòi hỏi kỹ thuật rất cao.
"Gạo được chọn phải là giống gạo khô không dẻo. Bột xay xong phải được để lắng đọng, lọc qua sau đó cho lên nồi hơi tráng bánh. Bánh đa tráng cần dày, đều tay để bột không bị vón cục. Hơn nữa để bánh đa thơm ngon, người tráng phải pha chế tỷ lệ bột phù hợp. Bánh được làm từ 100% bột gạo sẽ mềm, giòn, thơm ngon hơn so với bánh có pha bột sắn", anh Sức kể.
Bánh đa vì thế cũng rất đa dạng, có loại chỉ 2.500 đồng nhưng có loại 9.000 đồng/1 cái. Việc sản xuất hàng được dựa trên phiếu đặt hàng của khách trước đó.
Thiếu vốn, cần nhân lực mở rộng sản xuất bánh đa
Công việc tuy vất vả nhưng bù lại thu nhập lao động tốt, hàng làm ra tới đâu bán hết tới đó, thậm chí còn không đủ hàng bán cho khách.
Anh Sức cho biết, hiện nay mỗi ngày anh tráng khoảng 1.000 chiếc bánh đa nhưng không đủ phục vụ khách. Ngày cao điểm có thể làm tới 1.500 chiếc. Khách đặt khá nhiều nhưng công suất tối đa chỉ được chừng đó.
Anh Sức kể, vừa qua để phục vụ sản xuất, anh vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội. Số tiền đó được anh đầu tư vào mua máy móc, nguyên liệu như: gạo; bột sắn; vừng... để tích sản xuất.
"Trước đây tôi tráng bánh bằng nồi gang, than tổ ong nên công suất kém, ảnh hưởng tới sức khỏe. Giờ đây thì dùng nồi hơi nên công suất cũng đã tăng lên gấp đôi. Trong khi đó nhu cầu đặt bánh đa của khách tăng mạnh. Nếu có tiền tôi mong muốn sẽ mở rộng thành xưởng sản xuất, thuê thêm lao động làm việc".
Tuy nhiên, nếu muốn nâng công suất thì anh Sức buộc phải vay thêm vốn, mở rộng sản xuất, đầu tư thêm con người. Nguồn vốn tích lũy lâu nay đã được anh Sức tái đầu tư hết.
Ông Lê Văn Hạnh (45 tuổi) thôn Đắc Châu 1 cũng là một trong những hộ làm bánh đa lớn của thôn. Ngoài làm bánh đa, ông Hạnh còn là người phát minh ra nồi hơi.
Ông Hạnh kể: "Tôi là người đầu tiên sáng chế ra chiếc nồi hơi. Nồi hơi của tôi được dùng để tráng bánh, nấu phở, nấu ăn trong bếp ăn công nghiệp... sản phẩm vừa có độ bền tốt, đảm bảo vệ sinh, lại an toàn và tốt cho sức khỏe".
Dù cả nhà chỉ có 2 lao động chính nhưng vợ chồng ông Hạnh vẫn làm được cả nghìn chiếc bánh đa, và 1 tháng ông làm được chục chiếc nồi hơi.
"Nắng nóng hai vợ chồng tôi quay như chong chóng, hết làm bánh phơi, đóng túi mang đi gửi cho khách xong chiều tới lại ngồi làm nồi, sàng gạo, làm sạch khung phơi bánh... chung tôi làm cả ngày không hết việc. Có ngày làm tới 10-13 tiếng, hai vợ chồng thấm mệt nên cũng không muốn ăn uống gì nữa", ông Hạnh kể.
Nhìn cơ thể gầy gò, gương mặt nhăn nheo, đẫm mồ hôi, đôi bàn tay khô rớm máu vì gò sắt... mới hiểu được một phần sự vất vả mà vợ chồng ông và những người làm nghề bánh đa đối mặt. Tuy vậy, dù có nhiều khó khăn, nhưng ai cũng mong muốn được bảo tồn giữ vững làng nghề làm bánh đa Đắc Châu 1.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"
Vui lòng nhập nội dung bình luận.