Đoàn công tác của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã đi khảo sát và có buổi làm với xã Pả Vi của huyện Mèo Vạc. Với những nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, đến nay Pả Vi là xã đầu tiên và duy nhất của huyện Mèo Vạc về đích nông thôn mới.
Tại buổi làm việc, báo cáo với đoàn công tác của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, ông Lê Văn Quý, Bí thư Đảng ủy xã Pả Vi cho biết, ngay sau khi có Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã xây dựng Kế hoạch tổ chức học tập quán triệt và xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết.
Cấp ủy xã Pả Vi chỉ đạo, lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước trọng tâm là phong trào thanh niên khởi nghiệp, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
Đến nay, xã Pả Vi cơ bản không còn hộ thiếu đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, (trung bình 6%/năm). Nhiều khâu sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, tổng diện tích gieo trồng của xã Pả Vi đạt hơn 737 ha, đạt 81,24% kế hoạch; 12 hộ nghèo và cận nghèo triển khai cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu; tổng đàn gia súc đạt gần 5.000 con; 4 HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất trong nông nghiệp được thành lập; nhiều mô hình phát triển kinh tế do hội viên nông dân tham gia và làm chủ như: Nuôi bò sinh sản và vỗ béo, nuôi lợn thịt, trồng rau sạch.
Hệ thống đường giao thông ở xã Pả Vi cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hóa của nhân dân; 100% số thôn có đường bê tông…
Xã đã thực hiện đạt 19/19 tiêu chí trong nông thôn mới và được UBND tỉnh Hà Giang công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2020.
Cũng tại buổi làm việc, bà Vương Ngọc Hà, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc cho hay, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã giúp một huyện nghèo, còn nhiều khó khăn như Mèo Vạc từng bước giúp nâng cao đời sống kinh tế của người dân ở "miền núi đá" cải thiện theo hướng ngày càng tốt hơn.
Với đặc thù về địa hình, bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Mèo Vạc còn đang gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ nông dân. Trong đó, gian nan nhất là vấn đề dự trữ nước và đường giao thông. Bên cạnh đó, Mèo Vạc là huyện có tỷ lệ người dân sử dụng điện thấp nhất trong tỉnh Hà Giang và toàn quốc. Đây là một khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của huyện trong những năm qua.
"Người dân rất muốn phát triển du lịch, tuy nhiên do thiếu nguồn nước, không có hệ thống hồ dự trữ. Có thời điểm phải nhờ tới công an phòng cháy chữa cháy dùng xe chuyên dụng để đưa nước lên cho đồng bào sử dụng" - bà Hà trăn trở.
Đối với vấn đề giáo dục, bà Hà cho biết, hiện nay, chỗ ở bán trú cho học sinh chưa được kiên cố, mặc dù chính quyền, thầy cô giáo đã rất nỗ lực. Tỷ lệ học sinh chưa học đến cấp 2 trên địa bàn huyện cũng còn rất nhiều.
Trên cơ sở khảo sát thực tế và báo cáo của địa phương, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đề nghị huyện Mèo Vạc và xã Pả Vi tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy sản xuất cho người dân trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đặc biệt, người đứng đầu tổ chức Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 26 cần thẳng thắn nêu lên những vấn đề còn tồn tại, hạn chế và có giải pháp kịp thời khắc phục, tháo gỡ tại cơ sở.
Cùng với đó, huyện Mèo Vạc, xã Pả Vi cần phát huy tốt vai trò, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, từ đó thu hút nông dân tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tăng gia sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
Địa phương cần quan tâm, hỗ trợ kỹ thuật cho người nông dân phát triển kinh tế vườn hộ gắn với phát triển du lịch dựa vào những tiềm năng, thế mạnh.
Đối với các đề xuất của huyện Mèo Vạc, đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nghiêm túc tiếp thu và sẽ kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền, để từng bước giải quyết khó khăn cho người dân.
Đoàn công tác của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam làm việc với xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc) về thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. (Clip: Minh Ngọc).
Chiều cùng ngày, đoàn công tác của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã đi khảo sát thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang).
Báo cáo với đoàn công tác, ông Lý Tà Đành, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Nặm Đăm cho biết, ngay sau khi có Nghị quyết số 26 - NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chi bộ, Ban quản lý thôn đã tổ chức học tập, quán triệt và cụ thể hóa từng nội dung trong Nghị quyết số.
Trong đó, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, đưa giống ngô, lúa lai có năng xuất cao vào sản xuất. Hiện nay tổng diện tích gieo trồng 105ha, sản lượng lương thực đạt 367,3 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 800kg/người/năm.
Đoàn công tác của T.Ư Hội NDVN làm việc với thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ) về thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Clip: Minh Ngọc.
Hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn có bước phát triển. Các chương trình kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn, chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, thủy lợi được triển khai thực hiện đồng bộ, các công trình đưa vào sử dụng, phát huy được hiệu quả.
Đối với công tác giảm nghèo, hiện toàn thôn không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm.
Đặc biệt, theo ông Đành, người dân thôn Nặm Đăm đã thay đổi tư duy, tiến hành đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn như: HTX trồng, sơ chế, chế biến dược liệu; nhiều hộ dân chuyển đổi nghề sang làm du lịch homestay.
Bên cạnh kết quả đạt được, ông Đành cho rằng, sản xuất hàng hóa tại địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ. Nhận thức về phát triển kinh tế của một số hộ gia đình chưa đầy đủ, có tính trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trơ, đầu tư của Nhà nước.
Về đề xuất, kiến nghị với đoàn công tác của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, thay mặt toàn thể nhân dân trong thôn, ông Đành đề nghị BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam có chính sách hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cho hội viên nông dân để tiếp tục phát triển kinh tế một cách bền vững.
Thay mặt đoàn công tác, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW của thôn Nặm Đăm.
"Câu chuyện cho con cá và cái cần câu chúng ta đã nói tới rất nhiều. Trước kia chúng ta cho cá không phù hợp, rồi sau đó cho cần câu thì cũng chưa ổn. Ở đây mô hình của thôn Nặm Đăm là một trong những mô hình tiêu biểu, cấp ủy, chính quyền vừa cho cần câu, vừa cho con cá và cho cách thức câu" - Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn khẳng định.
Chủ tịch Lương Quốc Đoàn và Đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục khảo sát thực tế tại cơ sở, làm việc với các huyện, tỉnh Hà Giang nhằm có những đánh giá tổng quát về kết quả thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn, khu vực...