Trong thời gian thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, Thành phố sẽ tận dụng thời gian "vàng" để tiến hành triển khai hoạt động tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 song song cùng với hoạt động xét nghiệm tầm soát và điều tra truy vết trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trong tháng 7, theo dự kiến ban đầu, Thành phố sẽ nhận được 1 triệu liều vaccine từ nguồn tài trợ của Hoa Kỳ theo cơ chế Covax và 100.000 liều AstraZeneca từ nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản.
Nhóm được ưu tiên tiêm đợt này là "những người dễ bị tổn thương" và nằm trong các vị trí nguy cơ rất cao và nguy cơ cao trên địa bàn quận huyện, bên cạnh các nhóm theo nghị quyết 21.
PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong đợt tiêm chủng này, thành phố sẽ phân bổ vaccine về các quận huyện để triển khai.
Thành phố dự kiến tổ chức khoảng 630 điểm tiêm chủng tại 312 phường, xã. Mỗi điểm sẽ tiêm 120 người một ngày, trong các khung giờ 8-13h và 15-20h hàng ngày trong suốt thời gian triển khai, để đảm bảo giãn cách. Thành phố cũng chỉ định một số bệnh viện đủ điều kiện để tiêm cho các nhóm mắc bệnh mạn tính và có nguy cơ.
Bộ Y tế cũng đã yêu cầu TP.HCM cần tổ chức tiêm vaccine Covid-19 hợp lý, không để người dân phải ra khỏi nhà nhiều và tránh tập trung đông người.
Việc tiêm chủng được thực hiện tại các trạm y tế xã, phường, các cơ sở y tế (bệnh viện, trung tâm y tế...) và cần bố trí tiêm vaccine theo các khung giờ khác nhau để đảm bảo giãn cách xã hội và giảm thời gian chờ đợi cho người dân.
Bên cạnh đó, thành phố cần tổ chức nhiều điểm tiêm nhỏ với các xe tiêm lưu động.
Bộ Y tế điều tới TP.HCM 30 xe tiêm lưu động đặc chủng có sẵn thùng đựng vaccine theo đúng quy cách bảo đảm an toàn và chất lượng của vaccine, bàn tiêm... Các xe này sẽ đi đến từng hẻm, tiêm hết hẻm này thì sang hẻm khác.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người đi tiêm, Bộ Thông tin - truyền thông đã cho ra đời ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" để những người có nhu cầu tiêm đăng ký online, theo dõi phản ứng và quản lý sức khỏe sau tiêm.