Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT), đến nay, mới chỉ có khoảng 10.000/40.000 xe chở khách dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) của TP.Hà Nội (bao gồm các loại xe limousine, xe taxi, xe taxi công nghệ) đã hoàn thành cấp đổi phù hiệu.
Việc cấp đổi phù hiệu này là thực hiện theo quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/1/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôt ô. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp, chủ phương tiện kinh doanh vận tải gặp nhiều khó khăn.
Liên quan tới vấn đề trên, trao đổi với PV Dân Việt về việc có xử phạt xe chậm đổi phù hiệu đối với các xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ ngày 1/7/2021, phù hiệu cấp cho xe hợp đồng có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) theo Nghị định 86 sẽ không còn hiệu lực.
Do đó, Sở GTVT Hà Nội đã tuyên truyền và tạo điều kiện cho các đơn vị vận tải triển khai cấp lại phù hiệu cho các phương tiện kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đơn vị vận tải chưa thực hiện cấp lại.
Vị đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, nguyên nhân dẫn tới việc các đơn vị chậm đổi phù hiệu phương tiện là do dịch Covid-19, nhiều phương tiện đang phải tạm dừng hoạt động, việc có tiếp tục tham gia kinh doanh vận tải hay không phải chờ khi nào dịch Covid-19 được kiểm soát.
Đến nay, Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng phương án, chuẩn bị các điều kiện cần thiết trong trường hợp việc cấp, đổi phù hiệu tăng đột biến đến 1.000 phù hiệu/ngày cũng giải quyết được. Sở GTVT cũng bố trí thêm cán bộ, mở thêm các điểm dán phù hiệu tập trung.
Về việc có xử phạt các phương tiện chậm đổi phù hiệu, vị này chia sẻ, Sở GTVT Hà Nội không quyết định được mà chỉ có thể kiến nghị TP.Hà Nội, Bộ GTVT đề xuất lên Chính Phủ.
"Chỉ khi được Chính Phủ cho phép lùi, lúc đó Sở GTVT Hà Nội mới cho phép lùi, còn hiện tại vẫn phải thực hiện theo Nghị định. Xe nào vi phạm vẫn phải xử lý nghiêm", đại diện Sở GTVT Hà Nội cho hay.
Ông Bùi Danh Liên - chuyên gia lĩnh vực vận tải cho rằng, Nghị định 10 quy định về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Mục đích của việc dán phù hiệu trên xe giúp cơ quan quản lý Nhà nước dễ dàng quản lý các loại xe trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải. Đơn cử, nhìn vào một chiếc phù hiệu, có thể dễ dàng nhận ra chiếc xe ô tô này thuộc công ty nào, hoạt động theo loại hình vận tải gì, thời hạn hoạt động của chiếc xe đó đến bao giờ...
"Do đó, việc nhiều lái xe hợp đồng dưới 9 chỗ chưa đổi phù hiệu theo quy định là vi phạm những quy định mà Nghị định yêu cầu. Cần phải xử lý nghiêm những lái xe sử dụng phù hiệu hết hạn để kinh doanh", ông Liên nói.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sản lượng và doanh thu vận tải hành khách trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt từ 20-30% so với trước dịch; trong đó vận tải hàng hóa có sản lượng và doanh thu ước đạt khoảng 70-80%.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, thống kê trên hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình cho thấy tỷ lệ phương tiện hoạt động bình quân trên toàn quốc trong tháng 5/2021 chỉ đạt khoảng hơn 50%.
Hiện có khoảng trên 90% số doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện và tổ chức hoạt động vận tải. Từ ngày 1/4/2020 đến nay đã có 4 đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát, phương tiện hoạt động cầm chừng hoặc phải dừng hoạt động, doanh nghiệp không có doanh thu để chi trả tiền lương lái xe, đóng bảo hiểm xã hội, nộp các khoản thuế cũng như trả gốc, lãi tiền vay ngân hàng.
Nếu dịch Covid-19 kéo dài, phương tiện tiếp tục phải ngừng hoạt động, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải sẽ lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị phá sản.