Tính đến chiều 12/7, 166 chợ truyền thống tại TP.HCM đã tạm đóng cửa do liên quan các ca mắc Covid-19 hoặc do địa phương đánh giá không đủ tiêu chí an toàn để hoạt động. Như vậy, số chợ tạm ngưng hoạt động chiếm tỷ lệ 71%, TP.HCM chỉ còn 68 chợ, nhiều quận không còn chợ nào.
Trước tình hình này, Sở Công Thương TP.HCM vừa có công văn hỏa tốc đề nghị TP.Thủ Đức, các quận huyện, đơn vị quản lý chợ truyền thống rà soát, chấn chỉnh, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ trên địa bàn.
Sở Công Thương hướng dẫn áp dụng "thẻ ra vào chợ" nhằm kiểm soát, phân chia, điều phối số lượng người đến chợ và phục vụ việc truy xuất thông tin, hỗ trợ công tác khoanh vùng, truy vết được nhanh chóng.
Theo đó, các địa phương căn cứ điều kiện thực tế, tình hình cung ứng hàng hóa để phân chia tần suất đi chợ, cách 2 ngày/lần hoặc cách 3 ngày/lần. Mỗi hộ gia đình sẽ được phát 10 hoặc 15 thẻ vào chợ/30 ngày. "Thẻ ra vào chợ" có giá trị sử dụng 1 lần/1 chợ bất kỳ trên địa bàn phường, xã trong TP.Thủ Đức, quận, huyện.
Đối với phường, xã không có chợ hoặc có chợ nhưng đã tạm đóng, địa phương phải giao trách nhiệm cụ thể cá nhân, cơ quan thông tin đến người dân mạng lưới cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm trên địa bàn, thời gian hoạt động, đầu mối liên lạc, các kênh mua sắm trực tuyến để nắm bắt thông tin để dễ mua bán.
Đồng thời, liên hệ các đầu mối cung ứng hàng hóa (Saigon Co.op, SATRA, Bách Hóa Xanh…), tiếp nhận thông tin về nguồn hàng cung cấp thông tin cho người dân trên địa bàn đăng ký nhu cầu mua sắm; chuyển thông tin đăng ký cho các đơn vị cung ứng chuẩn bị đơn hàng.
Ngoài kiểm soát bằng "thẻ ra vào chợ", các chợ phải yêu cầu quét mã QR đến và đi bằng ứng dụng "Vietnam Health Declaration" và các ứng dụng khác phù hợp theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
Phong tỏa các cửa phụ, lối đi phụ tại các chợ nhằm phân luồng di chuyển cho khách đi chợ giữa các khu vực, các ngành hàng trong chợ theo hướng một chiều từ khi vào chợ cho đến khi ra khỏi chợ; điều tiết lượng khách mua hàng tại cùng một thời điểm.
Đồng thời, rà soát, bố trí khu vực để giãn cách vị trí giữa các tiểu thương, tận dụng các khu vực trống trong chợ như khu kinh doanh thức ăn, sân chợ… để tổ chức khu vực kinh doanh phù hợp; theo đó, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc, giao dịch hàng hóa. Cùng với đó, chia ngày đến chợ theo ngày chẵn lẻ nhằm giãn cách vị trí và có thể bảo đảm việc phục vụ người dân khi có tình huống khẩn cấp.
Sở Công Thương TP.HCM khuyến khích các thương nhân tổ chức bán hàng trực tuyến, bán hàng qua điện thoại, chuyển hàng trực tiếp đến các đầu mối tiêu thụ.
Nghiên cứu các mô hình đã triển khai hiệu quả tại một số nơi như các đoàn thể Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên… tổ chức "đi chợ thay", "đi chợ online"... và các hình thức phù hợp khác để hạn chế tình trạng tập trung đông người tại chợ.