Mới đây, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã gửi văn bản "kêu cứu" đến Thủ tướng Chính phủ. Theo Hiệp hội này, từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, nhiều DN thành viên đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm dừng hoạt động. Đợt dịch lần thứ 4 đang diễn ra cho thấy quy mô cũng như mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với 3 đợt dịch trước cộng lại, khiến rất nhiều DN hội viên đã đến giới hạn của mức chịu đựng. Nhiều DN đến hạn trả gốc và lãi ngân hàng nhưng không có khả năng trả đúng hạn.
Trong bối cảnh này, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid. Trong đó, có đề nghị giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện hữu của DN 2%/năm trong ít nhất 1 năm, đồng thời, giảm lãi suất cho các khoản vay mới thêm từ 1,5-2%/năm.
Tình cảnh trên hiện đang là "mẫu số chung" của các DN trong bối cảnh dịch Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến ngày càng phức tạp. Tại buổi hội nghị mới đây với lãnh đạo TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ, đã than thở: "Các DN du lịch dù cố kiểu gì cũng phải dần… 'thải' người lao động. Đây là quãng thời gian đau xót khi hàng chục nghìn lao động có kinh nghiệm, có chất xám bị đẩy ra đường".
Theo ông Kỳ, số người lao động của DN làm việc tại công ty ông hiện chỉ còn 50/1.750 người, còn lại ở nhà. Trong bối cảnh đó, các gói hỗ trợ của Chính phủ lại khó tiếp cận.
"Bản chất các DN lữ hành không thể mang chất xám nhân sự đi thế chấp được khi không có tài sản đảm bảo, không đủ tài sản để vay, dẫn đến việc DN du lịch đóng cửa gần hết vì kiệt quệ…", ông Kỳ lý giải.
Một số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, sức tàn phá khủng khiếp của đại dịch lần thứ 4 này ảnh hưởng nặng nề thế nào. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 70.200 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó bao gồm 35.600 đơn vị tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7% và 9.900 công ty hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Như vậy, trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Còn theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong số các DN giải thể, DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng ngưng hoạt động nhiều nhất với 90,9%, quy mô 10-20 tỷ là 5%, và doanh nghiệp quy mô 50-100 tỷ đồng gần 1%.
Ngoài ra, gần 200 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng cũng tạm ngừng kinh doanh, tăng 44,3% so với năm 2020.
Đặc biệt, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý 2 là gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 ngàn người so với quý trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 2 là 2,62%, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 3,36%. Đại dịch đã làm tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị tăng cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua.
Vì thế, mới đây Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68 đưa ra 12 chính sách hỗ trợ người lao động, DN khó khăn do đại dịch với gói hỗ trợ có giá trị khoảng 26.000 tỷ đồng với lãi suất 0%, được kỳ vọng sẽ giúp cho nhiều DN vực dậy sau đại dịch.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều DN, hộ kinh doanh, những điều kiện của gói 26.000 tỷ đồng dù được "nới lỏng" hơn, nhưng vẫn loại các DN, đặc biệt là các DN nhỏ, siêu nhỏ… "từ vòng gửi xe". Bởi, một quy định của gói vay này vẫn là không áp dụng cho các DN có nợ xấu.
"Tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua đã khiến phần lớn DN kiệt quệ, nhiều khoản vay khó trả, nợ cũ chồng nợ mới. Giờ chỉ cho DN không có nợ xấu vay, thì đa phần các DN đều không đáp ứng được", ông Trần Minh Phi, giám đốc công ty TNHH xây dựng - thiết kế - thi công An Phi (huyện Bình Chánh), chia sẻ.
Liên quan đến việc gói vay 26.000 tỷ loại các DN có nợ xấu khỏi danh sách đối tượng vay vốn, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính, nhận định, gói hỗ trợ này mục đích sau cùng không phải là nhắm đến DN mà là nhắm đến người lao động. Trong trường hợp này, người lao động không có trách nhiệm với việc DN của họ có nợ xấu. Tuy nhiên, do điều khoản những DN đang có nợ xấu ngân hàng thì không được tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, nên người lao động sẽ không được hưởng.
"Đây thực sự là một bất công đối với những lao động làm việc tại các DN này. Với điều khoản này, tốt nhất nên loại bỏ, nhằm hỗ trợ cho người lao động", ông Hiếu nói.
Tất nhiên, không phải là vô lý khi Chính Phủ ra điều kiện này, bởi trong quá khứ DN đã không trả nợ được, bây giờ cho vay thêm thì có thể sẽ đi vào vết xe cũ. Song, để tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động, theo ông Hiếu, có nhiều giải pháp để giải quyết liên quan để tháo gỡ.
Chẳng hạn, đó là bắt buộc các DN phải cam kết bằng mọi cách trả nợ cho Chính phủ, trả cho gói 26.000 tỷ; phải có một chương trình, chẳng hạn như tất cả các số tiền mà DN có thể trả ra, thì phải ưu tiên trả cho gói 26.000 tỷ trước, trước khi trả nợ cho NH hoặc các bên cho vay khác.
"Phải đi kèm điều kiện này, cũng giống ở Mỹ, một DN phá sản thì không bắt buộc phải phá sản ngay mà DN này đi vào một chương gọi là tái cơ cấu. Khi đó, các DN được vay thêm của NH để kinh doanh, khi có lợi nhuận thì họ sẽ trả cho NH đầu tiên. Chúng ta cũng nên dùng cơ chế như thế, cho Dn có nợ xấu vay nhưng cam kết khi có tiền trả thì phải ưu tiên trả cho Chính phủ, cho gói 26.000 tỷ trước", ông Hiếu đền nghị.
Hoặc, trường hợp DN đã có nợ xấu ngân hàng nếu cho vay thêm nhưng lo ngại họ không có khả năng trả, thì ít nhất nên tạo điều kiện đối với các DN đang có nợ xấu nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn - quá hạn từ 90 ngày đến 180 ngày) được phép cho vay. Còn nợ xấu nhóm 4 (nợ nghi ngờ - 180 ngày đến 360 ngày) và nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn - từ 360 ngày trở lên) có thể loại khỏi gói hỗ trợ.
Nhắc lại gói cho vay 16.000 tỷ đồng hỗ trợ DN trả lương cho người lao động vào năm 2020, vị chuyên gia này đánh giá gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng rất yếu kém, chỉ giải ngân được 0,26% với con số khiêm tốn 245 đơn vị vay vốn gần 42 tỷ đồng. Vì vậy, gói hỗ trợ xem như thất bại.
"Năm nay Chính phủ tiếp tục đưa ra gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng với mục đích tương tự như gói cũ. Vấn đề cốt lõi là làm sao năm nay những thủ tục hành chính đỡ rườm rà hơn, và phải thay đổi rất nhiều để DN dễ dàng tiếp cận", TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ thêm.
Phải chấp nhận "đau" để sàng lọc DN yếu kém
"Việc hỗ trợ trong lúc này không nên cào bằng, vì cào bằng thì Nhà nước không có nguồn lực. Việc hỗ trợ phải có tính kinh tế thị trường, nếu không sẽ làm mất nguồn lực, mất sức cạnh tranh. Trở về với các DN đang có nợ xấu, rõ ràng đây là các DN yếu kém, và nếu hỗ trợ thì rõ ràng là kinh tế phi thị trường. Chỉ nên hỗ trợ để đảm bảo nền kinh tế vững, ổn định và phát triển.
Nói chung lý tưởng nhất là hỗ trợ tất cả nhưng chắc chắn Chính phủ không đủ nguồn nên chỉ hỗ trợ ở mức đảm bảo cho các hoạt động nền tảng và phát triển được giữ vững, để sau dịch sẽ tiếp tục phát triển. Còn nếu hỗ trợ cho cả các DN nợ xấu thì không bao giờ đủ, nên hỗ trợ theo một cách khác, đó là các giải pháp giúp vực dậy DN bằng các giải pháp tái cấu trúc. Việc đó sẽ đòi hỏi sự mất mát, hy sinh… " - TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế.