Tham gia cuộc họp là các Sở, ngành liên quan cùng các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn.
Theo thống kê từ Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, khoảng 10 ngày gần đây, giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh bắt đầu có biến động, chủ yếu là tôm thẻ nguyên liệu.
Cụ thể tôm thẻ loại 20 con/kg giảm từ 217.000 đồng/kg xuống còn 208.000 đồng/kg, tùy từng kích cỡ có mức giá giảm khác nhau, bình quân giảm khoảng 10.000 đồng/kg. Riêng giá tôm sú tăng 5.000 đồng/kg ở hầu hết các kích cỡ; dao động từ 155.000đ - 220.000 đồng/kg.
Theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau, tình hình dịch bệnh trong những ngày gần đây không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động giao thương. Giá tôm sú tăng là do hiện nay đã hết mùa thu hoạch khiến nguồn cung hạn chế. Trong khi đó, giá tôm thẻ giảm một phần là do người nuôi tôm lo sợ nên tăng cường thu hoạch, khiến nguồn cung vượt quá cầu tại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Theo ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh, tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa tác động nhiều đến hoạt động của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản. Và hiện tại, các yếu tố thị trường đầu ra đang tăng trưởng trở lại. Nguyên nhân khiến giá tôm biến động phần nhiều vẫn là do tâm lý hoang mang của người nuôi tôm cũng như các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm.
"Chi phí logistic bắt đầu có những cải thiện theo chiều hướng thuận lợi cho doanh nghiệp. Chỉ khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội thì các doanh nghiệp mới gặp nhiều khó khăn. Bởi nếu những tháng qua, để xuất hàng thì các doanh nghiệp chỉ cần 1 ngày để vận chuyển đến TP.HCM, nhưng hiện tại thì đang gặp nhiều ách tắc và phải cần đến 2, 3 ngày", ông Bằng thông tin.
Ông Ngô Minh Hiển - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Năm Căn dự báo xu hướng giá tôm sú sẽ tăng từ nay đến cuối năm. Yếu tố thị trường cũng có nhiều thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu. Riêng tại công ty, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu đã tăng khoảng 130% so với cùng kỳ.
Hoạt động xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là xuất khẩu tôm là một trong những mũi nhọn kinh tế đặc biệt quan trọng. Hàng năm đều đem về cho địa phương khoảng 1 tỷ USD.
Do đó, để thực hiện được "mục tiêu kép" trong hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản, tránh nguy cơ bị "đứt gãy" chuỗi sản xuất đặc biệt quan trọng này, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã đề ra phương châm "3 tại chỗ" gồm: Sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ.
Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị từng doanh nghiệp rà soát lại điều kiện phòng chống dịch, nhất là khu vực nhà ăn, chỗ ở tập thể... Từ đó, các đơn vị cần chủ động triển khai các phương án, càng nhanh càng tốt dưới sự hỗ trợ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và ngành chức năng liên quan.
"Trước mắt, tỉnh sẽ hỗ trợ và thực hiện thí điểm phương án đã nêu với Công ty Cổ phần Thuỷ sản Cà Mau. Ngoài ra, có thể tính đến phương án tận dụng các cơ sở trường học có vị trí nằm gần nhà máy để bố trí cho công nhân...", ông Lê Văn Sử thông tin.
Nói về vấn đề báo cáo về giá giữa các cơ quan chức năng có sự khác biệt, chưa có sự thống nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương phối hợp các ngành liên quan tiếp tục tìm hiểu, so sánh giá thu mua bình quân của doanh nghiệp tại nhà máy và giá của đại lý thu mua tôm tại ao nuôi. Từ đó tìm hiểu xem có hay không việc thương lái lợi dụng tình hình dịch bệnh hoặc khó khăn của doanh nghiệp để trục lợi.
Đồng thời, ông Lê Văn Sử cũng yêu cầu các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nhằm trấn an tâm lý lao động trong chính doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần khuyến cáo người dân không nên thu hoạch tôm khi chưa đạt kích cỡ, tránh trường hợp bị ép giá.
Ngoài ra, cần kịp thời thông tin đến người dân và doanh nghiệp diễn biến, nhu cầu thị trường, giá cả để chủ động trong sản xuất... Đặc biệt, theo thông tin từ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản thì hiện các đơn hàng xuất khẩu vẫn còn rất nhiều.