Báo cáo cập nhật về ngành Logistics của Chứng khoán SSI vừa công bố cho biết, xuất khẩu sang thị trường Mỹ/Âu là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do giá cước vận tải châu Á - Mỹ/Âu tăng mạnh.
Và hầu hết các công ty phải chịu chi phí vận chuyển gia tăng dù là một phần hay toàn bộ, bất kể theo điều kiện FOB hay CIF.
Cụ thể, theo nghiên cứu của SSI Research, chi phí vận chuyển đến các thị trường Mỹ/Âu đã tăng gấp 2-3 lần trong năm qua. Theo đó, hầu hết các công ty ở Việt Nam nhập khẩu theo điều kiện CIF và xuất khẩu theo điều kiện FOB, trong đó các công ty xuất khẩu theo điều kiện FOB không phải chịu phí vận tải trực tiếp nhưng phải chia sẻ chi phí vận chuyển gia tăng bằng cách giảm giá bán bình quân.
Do đó, các công ty xuất/nhập khẩu có tỷ lệ xuất nhập khẩu cao tới các thị trường Mỹ/Âu sẽ chịu giá bán bình quân/tỷ suất lợi nhuận thấp hơn do ảnh hưởng này.
"Tác động mạnh nhất khi giá cước tăng cao là những ngành có giá trị hàng hóa thấp như thủy sản và nông nghiệp. Tuy nhiên, kết quả nhìn chung vẫn khả quan do giá trị xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2021" - các chuyên gia của SSI Research, nêu.
Tuy nhiên, ở lĩnh vực nhập khẩu ít bị ảnh hưởng hơn do 82% tổng kim ngạch nhập khẩu đến từ châu Á, tại đây giá cước vận tải trong khu vực tăng với tốc độ thấp hơn nhiều, chỉ tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Song, với một số nguyên liệu sản xuất nhập khẩu như: đậu nành (100% từ Châu Mỹ), ngô (80% từ Châu Mỹ), bông (78% từ Châu Mỹ), thức ăn chăn nuôi (70% từ Châu Mỹ) và sữa (40% từ châu Âu và châu Mỹ) cũng bị ảnh hưởng.
"Chúng tôi thấy các công ty nhập khẩu nguyên liệu từ châu Âu/Mỹ (như VNM, QNS, DBC) cũng chịu mức giá cao hơn. Ngoài ra, chúng tôi ước tính đối với VNM, chi phí vận chuyển chiếm khoảng 1% -2% trong giá CIF nguyên liệu đầu vào, do đó tác động đến tỷ suất lợi nhuận sẽ hạn chế so với các ngành xuất khẩu khác", chuyên gia của SSI Research, cho biết.
Theo các chuyên gia của SSI Research, giá cước có thể đạt đỉnh vào Q4/2021, sau đó sẽ điều chỉnh nhẹ vào nửa đầu năm 2022. Giá cước có thể giảm đáng kể trong năm 2023 khi nguồn cung tàu mới đi vào hoạt động, nhưng duy trì ở mức cao hơn mặt bằng trước dịch Covid-19.
"Xem xét quan hệ thương mại Mỹ -Trung năm 2018 làm ví dụ, chúng tôi cho rằng cuộc đàm phán sẽ kéo đài ít nhất 3 tháng. Điều này có thể gây ra một số thách thức ngắn hạn cho các công ty xuất khẩu Việt Nam trong những tháng cuối năm 2021 do chi phí vận chuyển dự kiến sẽ đạt đỉnh.
Về dài hạn, việc điều chỉnh chi phí vận chuyển về mức hợp lý hơn sẽ giải tỏa áp lực lên tỷ suất lợi nhuận xuất khẩu và bù đắp một phần mức thuế quan tăng thêm…", các chuyên gia của SSI Research, kỳ vọng.
Còn theo Drewry, giá cước bình quân có thể tăng 23% trong năm nay và có thể giảm nhẹ khoảng 9% trong năm 2022 do nhu cầu trở lại mức bình thường, trong khi giá cước dài hạn dự kiến sẽ vẫn cao hơn mức trước dịch Covid-19, vì các hãng vận tải có nhiều kinh nghiệm hơn trong quản lý nguồn cung và tăng hợp tác.
"Các ngành liên quan nên theo dõi xu hướng giá này và đưa ra các chiến lược đối phó với vấn đề chi phí logistic đang gia tăng. Ví dụ, điều này có thể được thực hiện bằng cách thiết lập các nhà máy ở trong/gần các thị trường chính hoặc gia tăng tính kinh tế theo quy mô. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể ký kết với các hợp đồng dài hạn để giúp đảm bảo giá cước ổn định hơn và chi phí logistic được xác định trước. Chúng tôi kỳ vọng các công ty sẽ thực hiện các chiến lược này trong thời gian tới", chuyên gia SSI Research khuyến nghị.
Đặc biệt, SSI Research cũng khuyến cáo các DN lưu ý với cáo buộc của Mỹ về việc Việt Nam đang định giá thấp đồng tiền VND trong giai đoạn 2019-2020, bởi chính quyền Biden đang xem xét các mức thuế bổ sung có thể có đối với Việt Nam.
"Nếu áp các mức thuế bổ sung, chúng tôi kỳ vọng mức thuế chỉ ở mức một chữ số vì dữ liệu USTR cho thấy VND đang được định giá thấp hơn không quá 10% trong giai đoạn 2019-2020", chuyên gia của SSI Research, kỳ vọng.