Có rất nhiều cây chè cổ thụ tuổi đời trên dưới 100 năm. Đặc biệt có những cây chè Shan tuyết hoang dã cổ thụ hơn 900 năm tuổi. Vùng chè Shan tuyết ở Hà Giang đặc biệt quý giá về phẩm cấp, được tôn vinh là danh trà số một của đất Việt...
Cách nay chưa lâu lắm, Lễ hội Văn hóa trà và Hội chợ Thương mại - Khuyến nông được tổ chức tại thành phố Hà Giang. Các tỉnh miền núi khu vực: Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh, có cả nước bạn Trung Quốc cũng tham gia lễ hội quảng bá sản phẩm.
Đúng là một không gian trà đầy ấn tượng. Một thế giới trà Việt Nam được thu nhỏ. Nào là trà Mỹ Lâm, Tân Trào (Tuyên Quang), Tân Cương (Thái Nguyên), Shan tuyết Lũng Phìn (Hà Giang), Suối Giàng (Yên Bái), Mộc Châu (Sơn La), Lâm Đồng (Đà Lạt)...
Chủng loại rất phong phú: Trà rời, trà đóng hộp, trà túi lọc... mẫu mã đẹp, tiện lợi. Quy mô lễ hội hơn 300 gian hàng giới thiệu trà và trên 250 bàn trà. Bàn trà nào tôi cũng vào uống thử. Cái sự kỳ diệu của trà quả là hết chỗ nói, mặc dù đây không phải là không gian uống trà, chỉ là uống để biết hương vị của từng loại trà.
Giữa tiết trời cuối Đông lạnh giá, thưởng thức một tách trà nóng thật thú vị. Quả là có lý, khi cha ông ta ngày xưa, coi uống trà là một thú chơi thanh đạm, nhiều công phu, trong ấm trà ngon người ta còn nhận thấy những giá trị triết lý. Có bóng dáng của tiền nhân hiện về.
“Người sành điệu có thể thưởng ngoạn đồng thời vị ngọt ung dung của Khổng Tử, chất chát âm thầm của Lão Tử, mùi hương thanh khiết lâng lâng của đức Thích Ca Mầu Ny”. Qua hương vị của tách trà lan tỏa, hình như có tiếng thơ ngân vọng, thú uống trà vào mỗi buổi sớm cũng là để giữ cho tâm hồn thanh cao...
Ở một góc khiêm tốn giáp với Quảng trường 26.3, có một tấm biển nhỏ treo trước quầy hàng: Chè Shan tuyết Lũng Phìn! Tôi từ tốn thưa với người trông coi gian hàng: Xin cụ cho cháu thưởng thức trà Lũng Phìn, nghe nói ngon lắm!
Cụ già mặc áo tà pủ, đội mũ nồi đen cười: Xin mời chú! Hóa ra cụ là chủ gian hàng, người Mông ở thôn Cán Pẩy Hở, xã Lũng Phìn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang).
Cụ cẩn thận tráng ấm, tách bằng nước sôi, tay nhúm từng cánh chè rời, nhìn bề ngoài có vẻ hơi thô bỏ vào ấm, rót nước sôi cho ngập những cánh chè, lắc đều, rót ra, cụ bảo đây là động tác “làm lông” chè. Thực tế là để cho chè ngấm nước, rồi đổ đi phần cặn lắng, sau đó mới rót nước sôi vào ấm, để chừng dăm phút, rồi cụ trịnh trọng rót ra từng tách nhỏ.
Nước màu hổ phách rất thơm, có vị đắng nhạt, ngọt hậu trong khoang miệng thật dễ chịu. Ấm trà rất lâu tàn, tôi thật sự ngạc nhiên về hương vị đặc trưng của sản phẩm này. Tôi biết, đây là đặc sản của Lũng Phìn, không có nhiều, gia đình cụ có trên 100 cây chè cổ thụ.
Do mọc tự nhiên ở vùng núi đá, cao hơn mặt nước biển từ 1.600 - 1.800 m, giá lạnh quanh năm nên cây chè phát triển chậm, mỗi năm cho thu hoạch bốn lứa, gia đình cụ không đủ chè để bán ngoài thị trường, chỉ dành cho gia đình và bớt lại cho những người thân quen.
Tôi nhâm nhi, ngây ngất trong hương vị trà Lũng Phìn, không muốn sang bàn trà khác nữa. Lúc này tôi chợt nhớ câu chuyện về trà Lũng Phìn.
Vào đầu năm 1990 của thế kỷ XX, hồi đó Tuyên Quang, Hà Giang còn là một tỉnh Hà Tuyên. Chè Shan tuyết Hà Giang một trong những sản phẩm chè Hà Tuyên, được quảng bá, giới thiệu tại Hội chợ Thương mại quốc tế tại Pari, có một cựu binh người Pháp khi dạo qua gian hàng, thấy quảng cáo chè Shan tuyết Hà Giang, ông liền ghé vào xin được thưởng thức.
Uống xong ông khẳng định chắc chắn đây là chè Lũng Phìn. Người trông coi gian hàng rất ngạc nhiên bởi đó chính là chè Lũng Phìn. Qua câu chuyện mới biết, năm 1945, người lính già này trong đội quân viễn chinh của Pháp, có thời gian hoạt động ở địa bàn Lũng Phìn.
Sau hơn nửa thế kỷ đi qua, hương vị chè ấy làm ông nhớ mãi, đây cũng là kỷ niệm không dễ gì quên trong đời người. Đúng là miếng ngon nhớ lâu...
Xa xưa, chè Hà Giang đã nổi tiếng khắp Việt Nam, nào là trà móc câu, trà mạn, trà Cao Bồ, Thông Nguyên, Lũng Phìn... Riêng trà Trảm Mã thì ít ai biết đến, nghĩa là để có sản phẩm này phải hy sinh một con ngựa...
Quy trình được thực hiện như sau: Con ngựa để đói từ đêm trước, phải là con ngựa đực, trưởng thành khỏe mạnh. Sáng hôm sau khi mặt trời chưa lên, họ cho con ngựa uống khoảng 10 lít nước muối pha loãng, chừng 20 - 30 phút mọi cặn bã trong bộ phận tiêu hóa của nó được đẩy ra ngoài hết. Lúc này mới bắt đầu cho ngựa ăn lá chè, không phải chè đã hái sẵn, con ngựa được đưa đến nương chè tươi tốt, ăn những búp mập mạp còn ướt sương đêm, thỉnh thoảng người chăn thả lại cho nó ăn thêm một ít lá sả.
Khi đã no căng bụng, con ngựa được dắt về nghỉ ngơi, chừng ba giờ đồng hồ để tiêu hóa, thẩm thấu dịch vị... sau đó con ngựa bị giết mổ.
Họ lấy toàn bộ số chè trong dạ dày ra, rải đều trên lá ráy cho se lại, ép thành bánh rồi đưa lên hấp cách thủy. Kết thúc công đoạn này, toàn bộ số chè đó được hong ra chỗ thoáng mát (không có ánh nắng mặt trời).
Công đoạn tiếp theo, người ta cẩn thận gỡ ra từng sợi chè, sao tẩm trên chảo gang, dùng than gỗ nghiến. Một lượng nước gừng non được vẩy đều cho đến khi chè khô kiệt, rải toàn bộ số chè này lên nền đất sạch để hút ẩm... cuối cùng là ép khuôn thành bánh hoặc đóng thỏi gói trong giấy bạc bảo quản.
Trà Trảm Mã để càng lâu càng quý. Mỗi lần làm như vậy chỉ được từ tám lạng đến một cân trà khô. Trà Trảm Mã bắt đầu từ Cao Bồ, Phìn Hồ, sau này mới đến Lũng Phìn.
Trà Trảm Mã là loại chè độc nhất vô nhị của Việt Nam, uống vào sáng mắt, rất có lợi cho việc tiêu hóa và bồi bổ sức khỏe.
Hiện giờ không còn loại trà này nữa vì sản phẩm làm ra quá cầu kỳ, tốn kém. Những năm 1980 của thế kỷ trước, Hà Giang còn có loại “Chè chốt” do chiến sỹ biên phòng thu hái từ những cây chè cổ thụ ở độ cao từ 1.700 m trở lên, búp mơn mởn như ngọn rau muống, mỗi cây cho 300 kg/lần hái.
Tận dụng thời gian nhàn rỗi, những người lính tỉ mẩn sao âm ỉ trên than Nghiến, cánh chè phủ một lớp tuyết trắng thơm phức, gọi là chè tuyết, nước màu vàng nhạt, uống mãi không chán...
Những người có thói quen dùng trà hẳn không quên lời cổ nhân: Nhất Thái, nhì Tuyên, tam Yên, tứ Phú. Đó là sự xếp hạng về chất lượng, phẩm cấp của bốn vùng chè nổi tiếng cả nước: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ.
Còn hiện giờ thứ bậc ấy đã có sự thay đổi, đặc biệt vùng chè Shan tuyết Hà Giang đã được Hội Chè thế giới ITC và Hiệp hội chè Việt Nam xác nhận là là vùng chè hữu cơ lớn nhất Việt Nam, chất lượng chè Hà Giang không thua kém trà Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước khác, rất được ưa chuộng ở Ấn Độ, các quốc gia Trung Đông thuộc khối EU, lượng xuất khẩu tăng hàng năm...
Chè Shan tuyết Hà Giang sinh trưởng, phát triển trong môi trường tự nhiên, đồng bào chăm sóc bằng nguyên liệu hữu cơ sạch, không dùng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích do vậy đã tạo nên thứ trà đặc sản quý hiếm...
Dọc dãy núi Tây Côn Lĩnh mát mẻ quanh năm, ánh sáng mặt trời vừa phải, rất thích hợp để cây chè Shan sinh trưởng, phát triển. Cây chè tập trung ở các huyện Bắc Quang, Quản Bạ, Vị Xuyên, Xín Mần, Hoàng Su Phì và thành phố Hà Giang, tạo nên một vùng chè đặc sản khổng lồ.
Cây chè Shan cho thu hoạch bốn vụ trong năm. Cái quý của trà Shan là đồng bào chế biến thủ công, qua nhiều công đoạn, sao tẩm, ủ hương rất tỉ mỷ, công phu. Giá thành tuy khá cao nhưng được người tiêu dùng chấp nhận. Đồng bào Mông, La Chí, Tày, Dao... biết rõ giá trị của cây chè Shan tuyết không chỉ là cây giảm nghèo, nhiều hộ đã giàu lên từ nó.