Tiêu thụ chậm, giá cả khó lường
Cập nhật giá gia cầm tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ ở Thường Tín (Hà Nội), chúng tôi nhận thấy giá các mặt hàng gà, vịt vẫn đang có xu hướng giảm sâu. Ông Lê Thanh Bình - Trưởng Ban quản lý chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ cho biết, mấy ngày gần đây, Hà Nội xuất hiện đợt dịch mới, các nhà hàng, quán ăn lại phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng (bán hàng mang về) khiến việc tiêu thụ gà, vịt của bà con càng khó khăn hơn.
Từ 14/7, Hà Nội đã triển khai triển khai 22 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa ngõ lớn ra vào Thủ đô. Tại chợ đầu mối, tổ công tác liên ngành cùng với ban quản lý chợ cũng đã lập chốt kiểm soát phương tiện, tiến hành test nhanh Covid-19 miễn phí cho tất cả các khách hàng, tiểu thương ra vào chợ.
"Cùng với việc tháo gỡ khó khăn trước mắt, về lâu dài, ngành gia cầm cần mở rộng thị trường tiêu thụ cả nội địa và xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần kiểm soát lượng thịt gà nhập khẩu giá rẻ bằng các biện pháp, hàng rào kỹ thuật".
Ông Nguyễn Thanh Sơn
Theo ông Bình, việc kiểm tra, test nhanh đều được các cán bộ chuyên môn làm rất chuyên nghiệp, nhanh gọn đảm bảo việc buôn bán tại chợ luôn diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, thời điểm này khách đến chợ mua gà, vịt rất hạn chế, các gian hàng gia cầm tại đây bị ế ẩm rất nhiều.
Giá vịt thịt ngày 14 và 15/7 tại chợ đầu mối cao nhất mới đạt 43.000 đồng/kg hàng đầu, giá gà trắng bán chậm ở mức trên 30.000 đồng/kg hàng non; giá gà lông trắng bố mẹ dao động trên dưới 45.000 - 47.000 đồng/kg; gà Ai Cập bán 70.000 đồng/kg; gà ta Sơn Tây loại 1 bán 100.000 - 105.000 đồng/kg...
"Những ngày tới, nếu tình hình dịch vẫn còn kéo dài sẽ càng khiến cho việc tiêu thụ cũng như giá cả các mặt hàng gia cầm khó lường hơn" - Trưởng ban quản lý chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ dự đoán.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Phạm Nhưng, thương lái thu mua vịt ở các vùng Hà Nội, Hà Nam chán nản nói: Dù việc thiết lập các chốt phòng chống đại dịch của Hà Nội không gây khó khăn cho hoạt động buôn bán nhưng sức tiêu thụ vịt, gà yếu nên các thương lái vừa mua hàng của bà con vừa run. Thời điểm này các lái chỉ dám lấy hàng cầm chừng, vừa phải để tránh thua lỗ.
Người nuôi dè dặt tái đàn
Sau nhiều ngày tăng giá và chững ở mức cao, hai ngày trở lại đây, giá vịt thịt bất ngờ quay đầu giảm sâu làm cho nhiều người nuôi không kịp trở tay. Cập nhật giá mặt hàng này tại trại ở các vùng Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc..., chúng tôi thấy giá vịt đã giảm còn dưới 40.000 đồng/kg, có nơi bà con chỉ bán được vịt với giá 35.000 - 36.000 đồng/kg.
Ông Phạm Văn Mạnh - chủ trại vịt hơn 2.000 con ở Chương Mỹ (Hà Nội) cho rằng: Nếu giá vịt về mức 35.000 đồng/kg thì gần như người nuôi không có lãi mà thậm chí có hộ bắt đầu bị thua lỗ. Bởi hiện tại chi phí đầu vào, giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức cao, kèm theo tình trạng hao hụt đầu con lớn đã làm cho giá thành chăn nuôi bị đội lên nhiều hơn trước.
"Năm nay gia đình tôi chăn nuôi bết bát quá! Các lứa vịt đầu năm liên tục thua lỗ, giờ trông cả vào đàn vịt mới để gỡ lại vốn mà cũng khó. Cứ đà này sắp tới chúng sẽ giảm đàn giống xuống để chăn cầm cự thôi" - ông Mạnh ngậm ngùi nói.
Dù giá một số mặt hàng gia cầm đang giảm nhưng theo nhận định của một số chuyên gia chăn nuôi, trước tình trạng người nuôi vẫn dè dặt tái đàn như hiện nay có khả năng sang quý III và IV/2021, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, nguồn cung các sản phẩm gia cầm sẽ thiếu hụt sẽ đẩy giá các sản phẩm thịt gia cầm, trứng rục rịch tăng theo.
Theo tính toán của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, so với cùng kỳ năm 2020, tổng đàn gia cầm cả nước hiện đã giảm khoảng 36,26%, từ 512,690 triệu con nay xuống còn 326,769 triệu con.
Trong đó, tổng đàn gà từ 409,500 triệu con xuống còn khoảng 266,175 triệu con, giảm 35%; vịt từ 86,563 triệu con xuống còn 60,594 triệu con, giảm 30%; sản lượng trứng từ 16,681 tỷ quả xuống còn 13,345 tỷ quả, giảm 20%.
Một số doanh nghiệp, trang trại, trại gia cầm ở các tỉnh buộc phải giảm quy mô sản xuất, hoặc tạm ngừng tái đàn vì sản xuất, kinh doanh thua lỗ.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam khẳng định: Đối với giá các sản phẩm gia cầm, dự báo đang có chiều hướng tăng và có thể sẽ tăng cao vào thời điểm từ nay đến tháng 9/2021. Nguyên nhân chính là do nhu cầu tăng, nguồn cung giảm, vì lượng con giống đưa vào chăn nuôi thương phẩm trong quý I/2021 giảm so với quý IV/2020, lượng thức ăn gia cầm giảm khoảng gần 10%.
Ông Sơn cho biết, việc thiếu hụt nguồn cung gia cầm có thể dẫn đến tới nguy cơ nhập khẩu các sản phẩm thịt gà đông lạnh gia tăng. Từ năm 2019 đến nay, gà nhập khẩu chiếm khoảng 20% tổng lượng gà tiêu thụ trong nước. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới người chăn nuôi mà còn có tác động đến an ninh thực phẩm.
Mới đây, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã gửi văn bản đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần có các biện pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi và chiến lược lâu dài về chủ động sản xuất các nguyên liệu thức ăn cơ bản. Theo đó, kiến nghị cắt giảm 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và các loại phí, lệ phí khác để góp phần kìm hãm đà tăng giá thức ăn chăn nuôi.