Nhiều hộ nông dân giỏi có quy mô sản xuất lớn, thu nhập từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm, cá biệt có những hộ thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm.
Từ hiệu quả của phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, trên địa bàn huyện Hiệp Hòa đã có nhiều tấm gương nông dân đi đầu, gương mẫu vượt qua khó khăn, thử thách, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để quyết tâm vươn lên, phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả; trở thành những hộ SXKD giỏi.
Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Văn Tứ (ở thôn Sơn Quả 1, xã Lương Phong). Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, đến nay anh Tứ đã là chủ của trang trại nuôi lợn siêu nạc khép kín. Mỗi năm cho thu lãi tiền tỷ và trở thành người chăn nuôi lớn nhất trên địa bàn huyện Hiệp Hòa.
"Nhiều mô hình SXKD giỏi phát triển mạnh cả về quy mô số lượng, chất lượng, cho hiệu quả kinh tế, thu nhập cao hơn so với giai đoạn trước, vừa đảm bảo môi trường, tạo công ăn việc làm cho hội viên nông dân".
Bà Nguyễn Thị Mạnh Hiền
Anh Tứ chia sẻ: "Ban đầu gia đình tôi chỉ chăn nuôi nhỏ với mấy chục con lợn. Sau khi được lãi lớn ở lứa lợn siêu nạc đầu tiên. Năm 2010, tôi quyết định thế chấp vay ngân hàng trên 500 triệu đồng cộng với số tiền tích cóp trong nhiều năm để thành lập trang trại, mua ruộng của bà con để dồn điền đổi thửa, quy hoạch khu chăn nuôi cách xa khu dân cư, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường".
Đến nay, trang trại nuôi lợn của anh Tứ có xây 6 chuồng khép kín có hệ thống làm mát vào mùa hè, trung bình trên 300 con/chuồng. Anh Tứ đang duy trì nuôi 210 lợn nái, 1.200 lợn thương phẩm.
Trò chuyện với PV Báo NTNN, bà Nguyễn Thị Mạnh Hiền - Chủ tịch Hội ND huyện Hiệp Hòa cho biết, xác định phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là trọng tâm trong hoạt động các phong trào của Hội. Trong 5 năm qua Hội ND huyện đã chỉ đạo Hội ND cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ, hội viên nông dân thực hiện có hiệu quả phong trào.
Trong giai đoạn 2016 - 2021, số hộ đăng ký hộ SXKD giỏi các cấp là trên 15.000 hộ, tăng bình quân là trên 1%/năm. Trong đó, số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi các cấp đến năm 2020 là 13.916 hộ, bằng trên 90% số hộ đăng ký. Các cơ sở có số hộ đăng ký và đạt danh hiệu "Nông dân SXKD giỏi" cao là xã Đông Lỗ, Lương Phong, Danh Thắng, Hoàng Lương, Mai Đình, Ngọc Sơn, thị trấn Thắng…
"Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, xuất hiện nhiều hộ, mô hình có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, thu hút hàng chục, hàng trăm lao động, thu nhập hàng năm từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng" - bà Hiền chia sẻ.
Để hỗ trợ phong trào phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng, 5 năm qua Hội ND huyện Hiệp Hòa đã triển khai thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo phong trào; chuyển mạnh từ hình thức tuyên truyền, vận động sang hoạt động tư vấn, quảng bá, xây dựng thương hiệu nhãn mác sản phẩm theo chuỗi giá trị, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, dạy nghề... tạo điều kiện giúp các hộ nông dân sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất.
Đáng chú ý, trong 5 năm 2016-2021, các cấp Hội ND đã phối hợp tổ chức được 3.118 lớp cho 10.212 lượt nông dân tham dự; tổ chức 21 cuộc hội thảo với 1.235 lượt nông dân dự, tổ chức 18 mô hình điểm trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, đặc biệt là mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Phối hợp mở được 32 lớp dậy nghề cho 1.345 con, em đội ngũ cán bộ Hội ND trong toàn huyện...
Đặc biệt, trong công tác hỗ trợ vay vốn tạo thêm nguồn lực hỗ trợ phong trào hoạt động. Hiện nay, Hội ND huyện đã nhận ủy thác từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp là 8,6 tỷ đồng, cho 30 dự án vay, với số hộ vay là 245 hộ.
Bên cạnh đó, vận động hội viên đóng góp trên 1 tỷ đồng, cho 255 hộ hội viên, phát triển sản xuất. Tiếp tục phối hợp với Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NNPTNT xây dựng được 231 tổ tiết kiệm vay vốn, với 5.870 thành viên vay, dư nợ gần 400 tỷ đồng...
"Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn, nông dân liên kết để tham gia thực hiện Cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa tập trung. Nhiều mô hình SXKD giỏi phát triển mạnh cả về quy mô số lượng, chất lượng, cho hiệu quả kinh tế, thu nhập cao hơn so với giai đoạn trước, vừa đảm bảo môi trường" – bà Hiền cho biết.