Dân Việt

Tăng tới gần 1.000%, cổ phiếu “zombie” TGG thực sự hồi sinh?

Quốc Hải 16/07/2021 12:15 GMT+7
Dù bị nhà đầu tư xếp loại “zombie” trên thị trường, nhưng cổ phiếu TGG của Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang liên tục tăng trần, bất chấp việc cổ phiếu này mới bị đưa vào diện kiểm soát để bảo vệ nhà đầu tư…

Bắt đầu từ ngày 7/6/2021, cổ phiếu TGG bị xếp vào diện kiểm soát. Nguyên nhân, do Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.

Dù vậy, TGG vẫn có hàng chục phiên liên tiếp tăng trần, đẩy TGG vượt lên mệnh giá, đạt mức giá "đỉnh" 13.200 đồng/CP, tăng tới gần 1.000% so với hồi đầu năm, dù toàn sàn chứng khoán có thời điểm trong trạng thái… rực lửa.

Tăng tới gần 1.000%, cổ phiếu “zombie” TGG thực sự hồi sinh hay là… - Ảnh 1.

Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang hồi mới niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE năm 2018 (Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn)

Tăng bất thường…

Cụ thể, trước đó ngày 31/5, HoSE đã quyết định đưa cổ phiếu TGG của Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang vào diện kiểm soát từ ngày 7/6. Phản ứng với quyết định này, đóng phiên giao dịch ngày 31/5, TGG đạt mức giá 5.310 đồng/CP. Mức giá này chỉ là mức "trà đá" trên thị trường, nhưng nếu so với thời điểm đầu năm 2021, TGG chỉ ở mức giá 1.170 đồng/CP, thì hiện giá cổ phiếu ở phiên giao dịch 31/5 đã tăng tới… 450%.

Tuy nhiên, đà tăng của TGG không dừng lại trước thông tin trên. Trong giai đoạn từ 7/6 trở đi, cổ phiếu TGG liên tục tăng trần. Theo quan sát, trong 30 phiên giao dịch (từ 7/6 đến nay), cổ phiếu TGG có tới… 26 phiên tăng giá, trong đó có 15 phiên tăng trần. Đà tăng trần liên tục của cổ phiếu TGG khiến mã chứng khoán này từ mức giá "trà đá" trở về mức mệnh giá và vượt mức mệnh giá (10.000 đồng/CP).

Tính đến hiện tại, cổ phiếu TGG đang giao dịch quanh vùng giá 13.000 đồng/CP, tăng khoảng gần 150% so với cách nay 1 tháng (thời điểm mới bị đưa vào diện kiểm soát, ngày 7/6). Còn nếu so với thời điểm đầu năm, khi cổ phiếu TGG chỉ ở mức 1.170 đồng/CP thì đà tăng của cổ phiếu TGG đã lên tới khoảng 1.000%.

Đáng chú ý, TGG tăng mà không có một thông tin tích cực nào hỗ trợ, kể cả kết quả kinh doanh. Trong khi đó, TGG từng có "vết" về việc làm giá cổ phiếu ngay hồi đầu năm 2021.

Cụ thể, vào tháng 1/2021, kết quả kiểm tra của UBCKNN cho thấy một cá nhân tên Nguyễn Thị Thanh Hương đã thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu TGG. Theo đó, do hành vi dùng tới 19 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu TGG, bà Hương đã bị UBCKNN xử phạt 550 triệu đồng.

Tăng tới gần 1.000%, cổ phiếu “zombie” TGG thực sự hồi sinh hay là… - Ảnh 2.

Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang (Ảnh chụp website doanh nghiệp)

Về kết quả kinh doanh của TGG, BCTC của TGG cho thấy DN này đang ở tình trạng kinh doanh thua lỗ. Theo đó, năm 2020 công ty lỗ 44 tỷ đồng, và quý 1/2021 tiếp tục lỗ thêm 344 triệu đồng, trong khi doanh thu cũng chỉ ghi nhận 34 triệu đồng.

Giải trình về kết quả kinh doanh, phía Công ty cho biết, nguyên nhân là trong quý xuất phát từ việc doanh thu hoạt động xây lắp và thi công chưa phát sinh, cùng với ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Chưa kể, giá cả vật liệu xây dựng biến động mạnh, đặc biệt giá thép xây dựng phi mã cũng khiến TGG không thể phát sinh doanh thu thương mại…

Trong khi đó, một thông tin được cho là khả quan tác động đến đà tăng của cổ phiếu TGG là việc DN này được M&A vào hệ sinh thái Louis của doanh nhân Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Louis Agro (hiện nay là Louis Holdings).

Cụ thể, mới đây Louis Holdings như trở thành cổ đông lớn (nắm 5,11% vốn), đồng thời, dự kiến góp thêm vốn vào TGG của Louis Holdings (mua khoảng 10 triệu cổ phiếu) và các lãnh đạo của Louis Holdings (Ông Đỗ Thành Nhân đăng ký mua 2,2 triệu cổ phiếu, ông Vũ Ngọc Long – Tổng Giám đốc Louis Holdings đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu) trong đợt phát hành tối đa 28 triệu cổ phiếu TGG sắp tới, đã giúp cổ phiếu TGG có chuỗi tăng liên tiếp và đạt mức "đỉnh" như hiện tại.

Băn khoăn với "sức khỏe" tài chính của TGG

Đến thời điểm 31/03/2021, TGG ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn ở mức 59 tỷ đồng, xấp xỉ hồi đầu năm. Giá trị hàng tồn kho vẫn giữ ở 15 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý 1/2021 của TGG cho thấy, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của TGG lên tới hơn 43,1 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là dự phòng cho khoản phải thu liên quan đến Công ty Xây dựng Trường Giang về việc chuyển nhượng toàn bộ gần 3,9 triệu cổ phiếu mà TGG nắm giữ tại Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Kim Bôi về công ty này. Ngoài ra, TGG còn phải trích lập khoản phải thu khó đòi từ Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản Hoàng Gia.

Lưu ý rằng, chủ sở hữu của Công ty Xây dựng Trường Giang và Công ty Hoàng Gia đều là ông Nguyễn Cảnh Dinh, cựu Chủ tịch HĐQT của TGG.

Số liệu từ báo cáo tài chính còn ghi nhận khoản phải thu 1,5 tỷ đồng với ông Phùng Văn Xuân, 313 triệu với ông Nguyễn Cảnh Dinh; công ty CP đầu tư phát triển 299 với gần 7,3 tỷ đồng; Công ty Xây dựng Trường Giang 13,4 tỷ đồng; công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản Hoàng Gia 5,37 tỷ đồng. Cùng với các khoản tạm ứng cho bà Nguyễn Thị Đông 500 triệu; ông Lê Tiến Tuyển 1,87 tỷ đồng.

Ngoài các khoản phải thu khó đòi, báo cáo tài chính của TGG cũng thể hiện rõ sự mất cân đối về dòng tiền đầu tư, thể hiện qua việc các khoản đầu tư tài chính chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản với hơn 56%, trong khi tỷ trọng dòng tiền phục vụ hoạt động kinh doanh chính là xây lắp và chi phí sản xuất xây dựng dở dang chưa đến 20%. Trong đó, chi phí sản xuất dở dang chủ yếu nằm ở 2 dự án là "Trang trại chăn nuôi lớn theo hướng công nghiệp" tại Hòa Bình, Hà Nội (giá trị 29,4 tỷ đồng) và "Khu du lịch nghỉ dưỡng Ao Giời - Suối Tiên" tại Phú Thọ (giá trị 2,9 tỷ đồng), nhưng cả 2 dự án này đều đang tạm ngừng triển khai do chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý.

Chưa kể, trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, đơn vị kiểm toán DFK Việt Nam đã nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp khi doanh thu giảm sút, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm nặng, nhất là sự xuất hiện của nhiều yếu tố không chắc chắn trong hoạt động kinh doanh liên quan đến khả năng thanh toán và các chỉ số tài chính yếu kém.