Dân Việt

Nhân viên tín dụng “khổ” vì đòi nợ, ngân hàng rầm rộ bán nợ xấu từ vài triệu tới vài tỷ

H.Anh 18/07/2021 13:31 GMT+7
Sau khi dịch vụ đòi nợ thuê bị "khai tử", các ngân hàng tích cực tái cơ cấu hoạt động thu hồi nợ. Đáng chú ý, nợ xấu cá nhân, tiêu dùng được ngân hàng rầm rộ rao bán.

Nhân viên tín dụng "khổ" vì đòi nợ, ngân hàng rầm rộ rao bán nợ xấu cá nhân, tiêu dùng

Theo phản ánh của nhân viên tín dụng tại một ngân hàng thương mại tại khu vực Cầu Giấy, Hà Nội: việc thu hồi nợ gặp khó khăn, nợ xấu đến từ nhóm khách hàng cá nhân, tiêu dùng có chiều hướng gia tăng.

Rà soát các khoản vay của các cá nhân do anh quản lý đã chuyển sang nợ xấu để tiếp tục hối thúc khách hàng trả nợ, nhân viên này cho biết hiện anh đang có khoản vay 65 triệu đồng có khả năng mất vốn cao do một cựu nhân viên của một tập đoàn nhà nước vay vào năm 2019.

Tại thời điểm đó, khách hàng vay tín chấp bằng thẻ lương, tuy nhiên, sau vài tháng vị khách hàng này "bỗng dưng" bị đuổi việc vì lý do cá nhân.

Để xoay xở khi chưa tìm được công việc mới, vị khách hàng này chạy Grab để kiếm tiền trả nợ. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, thu không đủ chi khách hàng mất khả năng trả nợ.

Nhân viên tín dụng “khổ” vì đòi nợ, ngân hàng bán nợ xấu từ vài triệu tới vài tỷ - Ảnh 1.

Dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm, nhân viên phụ trách hợp đồng bị chuyển thành nợ xấu thì phải tự thúc giục, đòi nợ. (Ảnh: NLD)

Liên lạc với khách hàng qua điện thoại không được, nhân viên tín dụng này tìm đến nhà khách hàng thì "đụng" ngay xã hội đen cũng đến đòi nợ. Tính đến nay, khoản nợ này đã lên tới gần trăm triệu đồng, gồm cả nợ gốc, lãi và tiền phạt

"Trước đây có nhờ bên thứ ba liên hệ đòi nợ giúp. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2021 tới nay, dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm, nhân viên phụ trách hợp đồng bị chuyển thành nợ xấu thì phải tự thúc giục, đòi nợ. Nếu không đòi được phải báo cáo để trích rủi ro và sẽ đánh vào KPI. Nhiều khoản nợ đòi nhiều lần nhưng không có kết quả, cũng rất mệt mỏi", nhân viên tín dụng cho hay.

Đây cũng không phải là trường hợp cá biệt, theo phản ánh của các ngân hàng việc thu hồi nợ thời gian gần đây gặp khó khăn, đặc biệt là sau khi dịch vụ đòi nợ thuê "khai tử".

Vì vậy, thời gian qua các ngân hàng đều cơ cấu lại hoạt động thu hồi nợ. Không chỉ rao bán nợ xấu của các tổ chức, nợ xấu cá nhân, nợ từ cho vay tiêu dùng từ vài triệu cho tới hàng chục tỷ đồng cũng được các ngân hàng rầm rộ rao bán.

Đơn cử như tại Vietinbank, vừa qua ngân hàng thông báo bán một loạt khoản nợ của các khách hàng cá nhân. Các khoản vay này đều diễn ra từ năm 2011, đến nay sau 10 năm nợ gốc và lãi đã tăng gấp nhiều lần.

Cụ thể, có vị khách hàng vay 10 tỷ đồng từ tháng 7/2011. Đến tháng 6/2021, tức sau gần 10 năm, tổng nợ gốc và lãi đã lên tới trên 28 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là 10 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn là 12,29 tỷ đồng và nợ lãi quá hạn là 5,77 tỷ đồng. Số nợ gốc và lãi của khoản vay này tương đương lãi suất khoảng 10,9%/năm.

Đáng nói, mặc dù các khoản nợ này có tài sản bảo là bất động sản song nếu ước tính theo giá trị khoản nợ vay, để thu hồi 100% nợ gốc và lãi, giá bán của các bất động sản này phải cao gấp nhiều lần giá trị thị trường hiện tại.

Thậm chí, giá bán của một chung cư cũ (được khách hàng làm tài sản thế chấp cách đây 10 năm) lên tới 250 triệu/m2 nếu ước tính theo giá trị khoản nợ cần thu hồi (cả gốc và lãi).

Trước đó, một ngân hàng cũng từng gây chú ý khi công khai bán 9 khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ. Mỗi khoản nợ (gồm gốc, lãi và lãi phạt) rất nhỏ, chỉ từ 1,5 - 17 triệu đồng, tổng giá trị 9 khoản chỉ hơn 83 triệu đồng.

Nhân viên tín dụng “khổ” vì đòi nợ, ngân hàng bán nợ xấu từ vài triệu tới vài tỷ - Ảnh 3.

Một ngân hàng cũng từng gây chú ý khi công khai bán 9 khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ. (Ảnh: LT tổng hợp)

Ngân hàng rao bán nợ xấu cá nhân, nợ vay tiêu dùng có khả thi?

Theo các chuyên gia, việc ngân hàng rao bán các khoản nợ khó đòi là cần thiết nhằm đảm bảo đồng vốn hoạt động thay vì phải mất công theo dõi, quản lý và tổ chức nhân lực cho việc đòi nợ với hiệu quả không cao. Hơn nữa, có những tổ chức có điều kiện, khả năng, chuyên môn để đi thu những khoản nợ đó.

"Hiện các ngân hàng không còn thuê dịch vụ đòi nợ nên chuyện đi bán nợ cho vay tiêu dùng, cá nhân là điều dễ hiểu. Việc các ngân hàng rao bán nợ cũng phản ánh nhu cầu sớm hình thành thị trường này ở Việt Nam, gồm cả nợ bình thường và nợ xấu. Hiện nay, các khoản nợ xấu hầu hết được bán cho VAMC và các tổ chức tín dụng, trong khi, việc mua bán này còn nhiều hạn chế và đối tượng mua bán lại hạn hẹp", TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho hay.

Nhân viên tín dụng “khổ” vì đòi nợ, ngân hàng bán nợ xấu từ vài triệu tới vài tỷ - Ảnh 4.

Việc các ngân hàng rao bán nợ cá nhân, nợ vay tiêu dùng cũng phản ánh nhu cầu sớm hình thành thị trường này ở Việt Nam (Ảnh: LT)

Đồng tình, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhìn nhận, việc rao bán các khoản nợ trên chỉ là một cách "lách" của dịch vụ đòi nợ thuê khi dịch vụ này đã bị cấm. Hầu hết các công ty đòi nợ thuê sau khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực không giải thể mà chuyển đổi hoạt động sang mua bán nợ để hợp pháp hóa.

"Ngân hàng đã dùng nhiều biện pháp mà không đòi được nên buộc phải bán. Tuy nhiên, việc thu hồi được cả gốc và lãi phạt là điều không tưởng, nếu bán được thì may lắm cũng chỉ bằng 50% tiền nợ gốc" - luật sư Đức nói.

Về phía ngân hàng, lãnh đạo VietinBank cũng thừa nhận, dù lớn hay nhỏ, những khoản nợ này đều có thể chuyển nhượng. Việc công khai để những ai có nhu cầu và đủ điều kiện theo yêu cầu của pháp luật sẽ tham gia. Bởi mua - bán nợ được xếp vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Trước dư luận cho rằng, rất khó có thể thu hồi cả gốc lẫn lãi, vị này cho biết: "Có khoản có thể thu được đủ, có khoản phải chấp nhận không thu đủ được như giá chào bán. Bản thân ngân hàng cũng có những đối tác phát triển hoạt động tín dụng theo quy định của pháp luật. Khi mua, các đối tác họ cũng phải đánh giá lợi ích tổng thể của họ".