Đến tham quan mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại cơ sở anh Lỗ Văn Trường (1985) tại địa chỉ số 233, đường Phước Thắng, phường 12, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi khu nhà màng trắng ngà, mái được che bằng tấm ni long, bao kín xung quanh là lưới cước.
Bên trong nhà màng là những hàng dưa lưới trĩu quả đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch.
Tiếp chúng tôi dưới ánh nắng hè oi ả, anh Trường cho biết vì đam mê làm nông nghiệp công nghệ cao, nhất là mô hình trồng cây ngắn ngày trong nhà màng nên anh dành thời gian tìm hiểu qua bạn bè và tham quan học tập các mô hình hiệu quả trong tỉnh.
Nhận thấy mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ở một số địa phương đang áp dụng và cho hiệu quả kinh tế cao.
Được người thân giúp đỡ và ủng hộ, tháng 5 năm 2019, anh thuê khu đất 4.000m2, dành 3.000 m2 đầu tư xây dựng 3 nhà màng, mỗi nhà có diện tích 1.000m2, phần còn lại xây dựng các công trình phụ trợ khác với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng.
Để không lãng phí thời gian, khi công trình vừa hoàn thiện nhà màng đầu tiên, anh triển khai ngay công việc xử lý giá thể, sắp xếp túi bầu, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, chọn mua hạt giống gieo. Nhờ vậy mà khi công trình hoàn thiện anh đã có vụ thu hoạch đầu tiên với khoảng 3.500kg dưa lưới quả tròn lõi xanh.
Vừa làm vừa hoc, có thêm kinh nghiệm anh triển khai trồng trên cả 3 nhà màng, luân phiên hết vụ này đến vụ khác, thời gian mỗi vụ khoảng 90 ngày kể cả thời gian nghỉ xử lý vệ sinh nhà màng giữa hai đợt.
Hiện tại với 3.000m2 nhà màng dưa lưới đang đến kỳ thu hoạch, trọng lượng trung bình mỗi quả 1,5kg, sản lượng khoảng 10 tấn.
"Thị trường tiêu thụ dưa lưới chủ yếu là các siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch trong tỉnh. Với giá bán 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí và khấu hao anh thu lãi khoảng 15% và giải quyết việc làm cho 3 lao động thời vụ tại địa phương. Anh Trường khiêm tốn chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của anh, để có năng suất cao nên chon mua hạt giống đúng nguồn gốc, hạt giống gieo trong khay từ 7-10 ngày, khi cây có 2 lá thật, chiều cao khoảng 8-10cm.
Chọn cây có thân chắc khỏe, không sâu bệnh đem trồng trong các túi bầu, xếp theo hàng đôi một, hàng cách hàng 1,2m, cây cách cây 40cm. Nhà màng 1.000m2 trồng được 2.500 cây. Sử dụng sợi se nông nghiệp để làm giá thể cho cây leo.
Khi cây ra hoa sử dụng hai thùng ong nuôi để thụ phấn. Khi đậu quả, mỗi cây chỉ chọn lại một quả to và tròn nhất. Bấm ngọn chồi bên (chèo). Đồng thời bấm ngọn và tỉa hết tất cả các chồi bên để dinh dưỡng tập trung cho việc nuôi quả nhiều hơn. Thời gian sinh trưởng của cây từ 70-75 ngày, trong đó thời gian từ đậu quả đến thu hoạch chiếm 40-45 ngày.
Chia sẻ bí quyết về nguồn nước và dinh dưỡng cung cấp cho cây anh Trường cho biết, nước và phân N-P-K và các nguyên tố trung vi lượng được pha vào bồn chứa theo tỷ lệ 5kg/100 lít nước.
Sau đó bơm qua hệ thống tưới nhỏ giọt bù áp được lắp sẵn và cài tự động phân theo chu kỳ của cây. Ở giai đoạn cây con mỗi ngày tưới 6 lần, mỗi lần 5 phút, với lượng nước khoảng 1 lít/ngày/cây. Ở giai đoạn cây đậu quả mỗi ngày tưới 6 lần, mỗi lần 10 phút, với lượng nước 2 lít/ngày/cây.
Trồng dưa lưới trong nhà màng hạn chế được sâu bệnh địch hại từ bên ngoài, giảm công chăm sóc, có thể trồng quanh năm, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng các loại chế phẩm sinh học khi cần thiết.
Tuy nhiên quy trình đòi hỏi người quản lý phải có kiến thức, nắm vững quy trình kỹ thuật, biết cách phòng bệnh và phát hiện bệnh khi mới xuất hiện để có biện pháp phòng ngừa. Anh Trường cho biết thêm.
Theo tính toán của chúng tôi, mỗi năm trồng được 4 vụ, sản lượng trên diện tích 3.000m2 nhà màng, 90% cây cho trái tương đương 40 tấn, với giá bán thấp nhất 25.000 đồng. Như vậy với sự đam mê làm nông nghiệp đem lại thu nhập cho anh mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng, mức lợi nhuận khiêm tốn chỉ 15% thì anh Trường cũng có lãi khoảng 150 triệu.
Với niềm đam mê làm nông nghiệp và ham học hỏi cái mới, kiên trì nhẫn nại trong sản xuất, anh Lỗ Văn Trường một Cử nhân Kinh tế trở thành người làm nông nghiệp công nghệ cao, góp phần vào xây dựng nền nông nghiệp 4.0 và phát triển nền nông nghiệp bền vững chung của địa phương và cả nước.