Ngày 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với TP.Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm 2021.
Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cần xác định nhiệm vụ ưu tiên số 1 hiện nay là phòng, chống dịch Covid-19, coi bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng người dân là trên hết, trước hết.
Thành phố phải có kịch bản cao hơn về phòng, chống Covid-19 để chủ động trước; bảo vệ bằng được các khu công nghiệp trên địa bàn; tập trung cứu chữa bệnh nhân nặng, hạn chế tối đa ca tử vong; bảo đảm các dòng cung ứng lương thực, thực phẩm.
Lực lượng quân đội phải vào cuộc để bảo đảm lưu thông hàng hóa, nhu cầu tối thiểu của người dân. Công an phải kiểm soát chặt các điểm cách ly, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của người dân.
"Trong lúc này, thời điểm này, tôi đề nghị ưu tiên số 1 là chúng ta quyết tâm bảo vệ Thủ đô không bị diễn biến xấu. Những chỗ nào an toàn trong phòng, chống dịch thì chúng ta tổ chức sản xuất kinh doanh cho tốt nhưng mà ưu tiên số 1 vẫn là phòng, chống dịch. Chúng ta quyết tâm bảo vệ bằng được sự an toàn, an ninh cho nhân dân và chúng ta đặt mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Hà Nội phải quyết tâm hơn, mạnh mẽ và quyết liệt hơn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm trong phòng chống dịch. Thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 phải rất nghiêm túc, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Bởi bài học kinh nghiệm ở một số nơi cho thấy, những ngày đầu thì thực hiện nghiêm, nhưng những ngày sau lơ là, chủ quan, khiến dịch bùng phát mạnh.
"Phải chống dịch như chống giặc và chuyển trạng thái phòng ngự sang tấn công khi mà tình hình diễn biến phức tạp như thế này. Huy động tối đa, phát huy tối đa sức mạnh hệ thống cơ sở mà cấp ủy tổ chức đảng là hạt nhân chính trị", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng, quyết tâm của cán bộ, nhân dân, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chính trị quan trọng khác, góp phần vào thành tích chung của cả nước.
Báo cáo Thủ tướng trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Hiện Hà Nội đang rà soát các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các giải pháp trong Chỉ thị số 15, 16, 19 của Thủ tướng để quyết liệt tổ chức thực hiện với quyết tâm kiềm chế, kiểm soát tình hình dịch bệnh.
"Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và xác định rõ trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Thành phố đang rà soát các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Thủ tướng Chính phủ để quyết liệt tổ chức thực hiện với quyết tâm kiềm chế, kiểm soát tình hình dịch bệnh", ông Đinh Tiến Dũng cho hay.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, đợt dịch thứ 4 này, Hà Nội đã ghi nhận 681 ca mắc Covid-19 tại 24 quận, huyện. Trong đó, từ ngày 5/7 đến nay đã ghi nhận nhiều ca mắc mới, đặc biệt xuất hiện 6 chùm ca bệnh có số ca mắc nhiều.
Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ đang ở mức cao và khó lường, không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh, chùm ca bệnh ngoài cộng đồng.
Đặc biệt, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp với số ca mắc lớn. Vì thế, Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh.
Báo cáo của TP.Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, song tốc độ tăng trưởng Hà Nội vẫn đạt 5,91%, cao hơn nhiều so với mức cùng kỳ năm 2020 là 2,92%.
Đặc biệt, thành phố duy trì không đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh. Căn cứ tình hình hiện tại và phân tích những thuận lợi, khó khăn, Hà Nội đã xây dựng 2 kịch bản phát triển kinh tế năm 2021 là 7,5% và 6,5 - 7% và phấn đấu, nỗ lực đạt mức cao nhất.
Tại buổi làm việc, thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành quan tâm, chỉ đạo một số nội dung cụ thể.
Trong đó, Hà Nội kiến nghị tiếp tục ban hành Nghị quyết về phương hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030 sau khi Thành phố tiến hành tổng kết Nghị quyết số 11-NQ/TW;
Cho phép tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Hà Nội lên mức 42% (bằng giai đoạn 2011-2016) để đảm bảo mặt bằng chi và nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2022-2025;
Hỗ trợ Hà Nội thực hiện các dự án giao thông trọng điểm thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương với nhu cầu vốn 21.351 tỷ đồng, giúp tăng cường khả năng kết nối, lan tỏa vùng...
Đáng chú ý, Hà Nội cũng kiến nghị một số nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô; các tuyến đường sắt đô thị; kiến nghị về lĩnh vực Quy hoạch; Bảo tồn tôn tạo phát huy giá trị trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Thành Cổ Loa theo các cam kết của Chính phủ với UNESCO về công tác thống nhất quản lý về di tích và di vật...
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"